Quảng Nam: Dấu ấn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện miền núi Nông Sơn
Quảng Nam: Dấu ấn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện miền núi Nông Sơn
Trần Hậu - Đoàn Hồng
Thứ hai, ngày 10/10/2022 13:30 PM (GMT+7)
Mặc dù có xuất phát điểm thấp nhưng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay cơ sở hạ tầng nông thôn ở huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam đã được xây dựng khang trang, nhất là đời sống vật chất, tinh thần người dân từng bước được nâng cao.
Nông thôn mới Nông Sơn: Đầu tư hạ tầng giúp Nông Sơn "chuyển mình"
Ông Nguyễn Chí Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết, Nông Sơn được biết đến là một huyện miền núi, với hơn 80% diện tích là đất nông – lâm nghiệp, người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề nông. Từ thực tiễn đó, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện xác định đây là cơ hội để thay đổi toàn diện nông nghiệp, nông thôn.
Nông Sơn xây dựng NTM với quan điểm "xây dựng NTM là phải thực chất bền vững, không chạy theo thành tích, xây dựng NTM là quá trình lâu dài, liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, chú trọng phát triển sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, quan tâm cao về văn hóa, môi trường, tạo sự chuyển biến rõ nét từ hộ gia đình đến từng thôn, xã".
Theo ông Tùng, dấu ấn sau hơn 10 năm thực hiện xây dựng NTM của địa phương đó là diện mạo nông thôn tại các xã của huyện Nông Sơn được đầu tư xây dựng ngày càng hoàn thiện, hạ tầng được kết nối đồng bộ giữa các vùng liên xã, liên thôn, nhờ đó đã thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Đến nay, 100% đường giao thông huyện, xã được cứng hóa, trong đó, đã đầu tư xây dựng được 21,837km đường giao thông nông thôn và 12 cây cầu; 100% xã có hệ thống lưới điện quốc gia, 100% số thôn có điện. Các công trình thủy lợi, hồ đập được quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ bản đáp ứng được yêu cầu sản xuất, dân sinh và phòng, chống bão lũ.
Địa phương đã tập trung tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện theo hướng hỗ trợ đầu tư dự án nông nghiệp công nghệ cao; phát triển các loại hình kinh tế vườn, kinh tế trang trại, xây dựng chuỗi liên kết giá trị gắn tiêu thụ sản phẩm OCOP, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, xây dựng các vùng sản xuất tập trung.
Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 8,12% (giảm 53,18% so với năm 2010); thu nhập bình quân đầu người ước đạt 30,65 triệu đồng/người/năm (tăng 22,4% triệu đồng/người/năm so với năm 2011).
Các di tích lịch sử truyền thống văn hóa luôn gìn giữ, tôn tạo và phát triển, đặc biệt trong đó có Lễ hội Bà Thu Bồn được công nhận di sản phi vật thể cấp quốc gia, khu căn cứ Tân Tỉnh – Trung Lộc được công nhận là di tích cấp tỉnh. Chất lượng giáo dục, y tế từng bước được nâng lên; cảnh quan môi trường nông thôn, an ninh trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, người dân được thụ hưởng cuộc sống đầy đủ về cả vật chất và tinh thần.
Ông Tùng chia sẻ, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, huyện Nông Sơn đạt chuẩn huyện NTM. Đến nay, có thể khẳng định rằng Nông Sơn đã đi được 2/3 chặng đường, trong đó đã có 4/6 xã về đích NTM gồm xã Quế Trung, Quế Lộc, Sơn Viên, Phước Ninh, hiện bình quân mỗi xã đạt 17,33 tiêu chí; với 5 Khu dân cư NTM kiểu mẫu đã được công nhận và 3 Khu dân cư NTM kiểu mẫu đã được phê duyệt phương án, đang triển khai thực hiện.
Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả
Ông Tùng cho biết, là huyện miền núi do vậy địa phương xác định ngoài đầu tư hạ tầng, địa phương đặc biệt chú trọng phát triển các mô hình kinh tế mới nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, trong đó tập trung phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp gắn với du lịch, dịch vụ.
Với định hướng đó, có thể nói lĩnh vực nông, lâm nghiệp luôn được huyện nhà quan tâm đầu tư phát triển đúng hướng, Nông Sơn cũng đang đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại và phát triển kinh tế rừng.
Thời gian qua, huyện đã ban hành Đề án phát triển kinh tế vườn – kinh tế trang trại gắn với du lịch, tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt Đề án này, trong đó theo kế hoạch thì năm 2022 tập trung thực hiện 40 vườn trên địa bàn xã Quế Trung và Phước Ninh.
Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng luôn được thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Tăng cường công tác chỉnh trang, cải tạo vườn, hỗ trợ, phát triển các mô hình nhà vườn (vườn mẫu) trong xây dựng NTM.
Trọng tâm là các điểm triển khai mô hình trình diễn là nơi để nhân dân trong vùng tham quan học tập kinh nghiệm và ứng dụng vào sản xuất để nhân ra trên diện rộng. Qua đó, đã giúp người dân nắm bắt được kỹ thuật, học hỏi cách làm và vận dụng vào thực tiễn sản xuất.
Việc hỗ trợ triển khai các mô hình đã tạo cho người dân nhận thức được việc áp dụng quy trình kỹ thuật sẽ cho năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả trong sản xuất; các mô hình sản xuất có hiệu quả được triển khai nhân rộng sẽ tạo công ăn việc làm, góp phần giảm nghèo, tăng thu nhập, từng bước cải thiện đời sống cho người dân tại địa phương.
Hiện nay, Nông Sơn đã xây dựng được một số mô hình kinh tế trọng điểm có sức lan toả đối với sự phát triển kinh tế và có thể nhân rộng trong những năm đến như: Mô hình nuôi cá trắm cỏ; mô hình sản xuất lúa theo cánh đồng kỹ thuật; mô hình trồng cây sen kết hợp với nuôi cá; mô hình trồng rau an toàn; mô hình trồng cây ăn quả trong vườn nhà gắn với xây dựng Khu dân cư NTM kiểu mẫu; mô hình chăn nuôi gà ta thả vườn…
Phát huy lợi thế về phát triển kinh tế rừng, huyện luôn lồng ghép, ưu tiên và sử dụng có hiệu quả, hợp lý các nguồn ngân sách hỗ trợ cho việc thực hiện các chương trình, chính sách liên quan đến phát triển kinh tế rừng. Tạo điều kiện tốt nhất để người dân làm chủ về rừng, có trách nhiệm bảo vệ, quản lý, phát triển rừng, sống và làm giàu từ rừng.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực lâm nghiệp; phát triển trồng rừng gỗ lớn, phấn đấu bình quân hàng năm trồng từ 100 - 150ha và phát triển diện tích cây dược liệu. Kịp thời giao đất lâm nghiệp, giao rừng cho cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình để quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế rừng, hạn chế tình trạng phá rừng để trồng rừng nguyên liệu. Tích cực vận động người dân chuyển hóa rừng nguyên liệu sang rừng gỗ lớn và nhân rộng diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ để nâng cao giá trị kinh tế rừng.
"Thời gian tới, Nông Sơn đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, liên kết phát triển sản xuất lâm nghiệp theo hướng chuỗi giá trị từ sản xuất giống, chuyển giao kỹ thuật, trồng, khai thác, chế biến gỗ… để nâng cao giá trị sản xuất, qua đó nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn", ông Tùng cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.