Quảng Nam: Kênh thủy lợi hàng trăm triệu đồng thành nơi chứa rác, trồng cỏ cho bò

Trương Hồng Thứ tư, ngày 07/10/2020 14:18 PM (GMT+7)
Kênh thủy lợi thôn 2, xã Tam Ngọc được xây dựng nhằm đưa nước về cho bà con nông dân vùng hạn, nhưng khi đưa vào hoạt động, chỉ 1 lần duy nhất có nước về. Sau đó, con kênh này trở thành nơi người dân dùng để chứa rác và trồng cỏ cho bò.
Bình luận 0

Những ngày đầu tháng 10/2020, PV Dân Việt nhận được phản ánh của người dân ở thôn 2, xã Tam Ngọc, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam về tình trạng kênh thủy lợi ở thôn này bỏ hoang nhiều năm, ruộng đồng thì cháy khô. Để có nước tưới cho hoa màu, cây cối, người dân phải bỏ ra cả tiền triệu để đóng giếng, kéo điện bơm nước.

Kênh thủy lợi có cũng như không

Bà Nguyễn Thị Hồng (thôn 2, xã Tam Ngọc) cho biết: "Kênh này là kênh chứa rác chứ không phải là kênh thủy lợi nữa. Chứ xây dựng kênh chống hạn mà mùa nắng không có nước, còn mùa mưa lại có nước. Đầu tư rất nhiều tiền mà kênh không có tác dụng, chúng tôi cho rằng cần xem lại trách nhiệm của các nhà đầu tư…".

Quảng Nam: Kênh thủy lợi hàng trăm triệu đồng chỉ để chứa rác, trồng cỏ cho bò - Ảnh 1.

Quảng Nam: Kênh thủy lợi hàng trăm triệu đồng chỉ để chứa rác, trồng cỏ cho bò - Ảnh 2.

Kênh thủy lợi thôn 2 được đầu tư hơn 200 triệu đồng bỏ hoang phí nhiều năm.

Bà Hồng cho biết thêm, kênh thủy lợi thôn 2 được đầu tư xây dựng khoảng 5 năm trước, khi đó, người dân ở đây ai cũng phấn khởi vì nghĩ rằng hoa màu ở cánh đồng Bình Hòa sẽ không còn khô hạn. 

"Ngày trước chưa có kênh thủy lợi, người dân muốn lấy được nước đưa vào đồng ruộng mình phải thức trắng đêm canh từng giọt nước. Khi có kênh, người dân phấn khởi hy vọng lắm, nhưng càng hy vọng thì càng thấy thất vọng. Vì khi đưa vào hoạt động, chỉ một lần duy nhất là có nước, sau đó bỏ hoang. Sợ hoang phí, người dân địa phương dùng để chứa rác thải, còn người khác đổ đất vào trồng cỏ cho trâu, bò ăn", bà Hồng cho hay.

Quảng Nam: Kênh thủy lợi hàng trăm triệu đồng chỉ để chứa rác, trồng cỏ cho bò - Ảnh 3.

Quảng Nam: Kênh thủy lợi hàng trăm triệu đồng chỉ để chứa rác, trồng cỏ cho bò - Ảnh 4.

Bỏ hoang nhiều năm khiến kênh thủy lợi bị cỏ mọc um tùm, phủ kín cả đoạn kênh

Một người dân khác tỏ vẻ bức xúc nói thêm: Việc xây dựng kênh thủy lợi này quá hoang phí, trong khi dân hiến đất làm kênh với mong muốn có được nước về tưới cho hoa màu. Nước đâu không thấy lại thấy kênh rác.

"Qua rất nhiều cuộc họp tiếp xúc cử tri, bà con phản ánh nhưng vẫn chưa được giải quyết. Phản ánh miết cũng không có hy vọng nên người dân tự cứu lấy mình, tổ chức đào, khoan giếng và kéo điện ra bơm nước tưới cho hoa màu. Nếu kênh này không có tác dụng thì tôi kiến nghị hãy đập bỏ trả lại đất cho người dân…", một người dân nêu ý kiến. 

Hứa tìm giải pháp?

Làm việc với PV, ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Ngọc, thành phố Tam Kỳ cho biết, kênh thôn 2 phục vụ tưới tiêu cho cánh đồng Bình Hòa khoảng 20ha. Đây là một nhánh kênh khép nối với tuyến kênh chính. Kênh này được đầu tư năm 2015 với tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng, do UBND xã Tam Ngọc làm chủ đầu tư.

Quảng Nam: Kênh thủy lợi hàng trăm triệu đồng chỉ để chứa rác, trồng cỏ cho bò - Ảnh 5.

Quảng Nam: Kênh thủy lợi hàng trăm triệu đồng chỉ để chứa rác, trồng cỏ cho bò - Ảnh 6.

Do con kênh không phát huy tác dụng nên người dân địa phương đã tận dùng làm nơi chứa rác và trồng cỏ cho trâu, bò ăn.

"Nguyên nhân kênh không đưa nước về được phục vụ cho bà con nông dân là do kênh ở cuối tuyến, nước phải đi qua 3 thôn đầu khi đến cuối tuyến thì lượng nước quá ít không chảy về kịp. Thứ hai là hệ thống cung cấp nước đầu tuyến kênh chính quá nhỏ, chỉ 60cm nên không đủ lượng nước cung cấp nước cho tất cả 4 thôn, thứ ba do người dân vứt rác bừa bãi vào trong kênh nên bị tắc nghẽn…" - ông Phương nói.

Quảng Nam: Kênh thủy lợi hàng trăm triệu đồng chỉ để chứa rác, trồng cỏ cho bò - Ảnh 7.

Có kênh thủy lợi cũng như không, người dân vẫn phải căng mình canh từng giọt nước giếng, nước ao để tưới cho hoa màu

Cũng theo ông Nguyễn Văn Phương, xã đã tính đến phương án là đề xuất với Công ty Khai thác thủy lợi Quảng Nam mở rộng đầu tuyến từ 60 đến 80cm nhằm để đủ lượng nước đẩy mạnh về cho kênh của thôn 2. 

"Đặc biệt, xã sẽ sớm chỉ đạo khắc phục đoạn kênh này để thông dòng chảy, đó là phối hợp với Lữ đoàn 270 nhờ bộ đội giúp nạo vét hết toàn tuyến. Và phương án nữa là thủy lợi hóa đất màu cho người dân, đó là hỗ trợ đóng giếng, kéo điện cho người dân. 

Xã đang tìm mọi biện pháp để có nước tưới sớm nhất về cho cánh đồng Bình Hòa, vì đây là cánh đồng có đất màu mỡ, cây cối phát triển tốt nên rất cần nước thủy lợi", ông Phương quả quyết cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem