Quảng Nam: Nâng cao thu nhập cho người dân, Quế Phong quyết tâm về đích xã nông thôn mới
Quảng Nam: Nâng cao thu nhập cho người dân, Quế Phong quyết tâm về đích xã nông thôn mới
Trần Hậu
Thứ hai, ngày 25/09/2023 14:15 PM (GMT+7)
Thời gian qua, mặc dù đã rất nỗ lực triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc về xây dựng nông thôn mới, nhưng con đường về đích nông thôn mới của xã Quế Phong (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) vẫn còn lắm gian nan, đến nay xã mới chỉ đạt 12/19 tiêu chí.
Ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND xã Quế Phong cho biết: Tháng 3/2022, xã Quế Phong được Thủ tướng Chính phủ công nhận là xã an toàn khu. Tuy nhiên, Quế Phong là một xã miền núi, từ điểm xuất phát thấp, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nên đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn.
Khó khăn là vậy, nhưng với sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, sự nỗ lực của các tầng lớp nhân dân, đến nay Quế Phong đã hoàn thành được 12/19 tiêu chí nông thôn mới (theo bộ tiêu chí quốc gia 2021-2025).
"Để hoàn thành xã nông thôn mới vào cuối năm 2024, Quế Phong còn rất nhiều việc phải làm, nhất là nguồn lực để đầu tư xây dựng, trong khi ngân sách địa phương quá eo hẹp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên việc huy động nguồn lực là rất khó. Do vậy, Quế Phong cần sự hỗ trợ tích cực từ các cấp, các ngành, đặc biệt là nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ bản, xây dựng các mô hình kinh tế mới để nâng cao thu nhập cho người dân…", ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND xã Quế Phong kiến nghị.
Quế Phong xác định xây dựng nông thôn mới là tiền đề để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Quan điểm của địa phương là luôn lấy dân làm gốc, không trông chờ và ỷ lại vào Nhà nước, từ đó các cấp uỷ, chính quyền xã đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền và phát huy dân chủ. Xã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau và thông qua các hội nghị, lồng ghép trong các cuộc họp thôn về mục đích, ý nghĩa của chương trình.
Cán bộ, đảng viên luôn phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu đi đầu trong các phong trào, hoạt động như giải phóng mặt bằng, góp công, góp quỹ… để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình dân sinh.
Những con đường nắng bụi, mưa lầy đã được thay thế bằng những con đường bê tông rộng rãi, trong đó có những đoạn đường do chính người dân tự nguyện hiến đất, góp tiền, góp sức làm nên.
Nhiều ngôi nhà kiên cố mọc lên, người dân hăng hái tham gia lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, giúp diện mạo quê hương nông thôn thay đổi rõ nét.
Theo ông Sơn, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Quế Phong đã tập trung các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng về trường học, giao thông, thủy lợi để phục vụ đời sống sinh hoạt – sản xuất của bà con.
Trong năm 2022, Quế Phong đã thi công hoàn thành công trình thoát nước dọc khu dân cư Ngã tư xã đến ngõ Hai Thạch, kiên cố hóa tuyến kênh mương Đập Đình, tuyến kênh Hồ An Long đi Đập Nà Thanh và tuyến kênh KN1-1 Hồ An Long đi Đồng Xối với tổng chiều dài trên 2,4 km.
Xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn Cầu Đình đi Khe Mốc, Đá Bà Giang đi thôn An Long, ngõ Thân đi Đập Bàn Thạch, ngõ Thương đi Đá Bạc, ngõ Linh đi Tư Túy, ngõ Chơi đi ngõ Phòng, ngõ Quy đi ĐH 09.QS….
Đặc biệt, triển khai thi công công trình mở rộng nền đường, bê tông kè chắn đất tuyến đường ĐH 24.QS đi cầu Gia Hội, xây dựng cầu và đường dẫn cầu Bến Lội tạo điều kiện cho nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá của bà con nhân dân trên địa bàn.
Cùng với việc linh hoạt nguồn vốn đã và đang triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn, xã quan tâm xây dựng cơ sở vật chất trường học các cấp: Mẫu giáo, Tiểu học, Trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học của con em địa phương.
Các công trình nhà văn hoá thôn, xã, khu vui chơi thể thao được đầu tư xây dựng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn được giữ vững.
Nhờ sự đồng sức, đồng lòng của toàn Đảng bộ và nhân dân, đến nay, Quế Phong đã đạt được 12/19 tiêu chí xã nông thôn mới. Đó là các tiêu chí: Giao thông; thủy lợi; điện; trường học; cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; thông tin và truyền thông; nhà ở dân cư; nghèo đa chiều; lao động; giáo dục; y tế; môi trường và an toàn thực phẩm. Xã đang xây dựng 2 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu gồm thôn An Long đạt 8/10 tiêu chí; thôn Tân Phong đạt 8/10 tiêu chí.
Tập trung nâng cao thu nhập cho người dân
Ông Sơn cho biết, Quế Phong là xã thuần nông, thu nhập của người dân còn bấp bênh. Vì thế, Quế Phong đã và đang tích cực vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, lĩnh vực nông nghiệp của xã không chỉ tăng số lượng mà chất lượng cũng đã được nâng lên.
Năm 2022, diện tích lúa toàn xã là 565ha, năng suất đạt 52,58 tạ/ha, sản lượng đạt 2.971,1 tấn. Tổng đàn gia súc có gần 2.345 con, trong đó đàn trâu 335 con, đàn bò 810 con, đàn lợn 800 con, đàn dê 400 con và tổng đàn gia cầm có 25.200 con. Khai thác khoảng 20.000 tấn gỗ.
Cùng với các loại cây trồng như đậu phộng, sắn, ngô, người dân xã Quế Phong còn thực hiện chuyển đổi cây trồng với các mô hình: trồng thanh long ruột đỏ diện tích 2.000m², trồng sâm ba kích tím cấy mô 1ha, trồng măng cụt, trồng chuối mốc cấy mô 1ha, bưởi da xanh, ổi….
Xã Quế Phong tạo điều kiện để người dân phát triển mô hình kinh tế vườn – kinh tế trang trại. Đồng thời, trong năm 2022, xã phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện tổ chức 5 lớp tập huấn cho nông dân về chăn nuôi, trồng trọt, trồng cây dược liệu, du lịch sinh thái.
Nhóm ngành nghề công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp – thương mại dịch vụ trên địa bàn vẫn giữ vững tốc độ tăng trưởng khá. Toàn xã có 243 hộ sản xuất, trong đó có 2 xưởng cưa, 6 hộ gia công hàng mộc phát triển kinh tế hiệu quả. Có 46 hộ kinh doanh dịch vụ ổn định, luôn đầu tư kinh phí để kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, phù hợp với nhu cầu của người dân địa phương.
Với những nỗ lực trong phát triển kinh tế, xã Quế Phong có tổng giá trị sản xuất năm 2022 ước đạt 183 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2021. Trong đó, giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp đạt 86 tỷ đồng, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ ước đạt 51 tỷ đồng, giá trị thu nhập khác là 45 tỷ đồng.
Từ đó, đời sống người dân dần được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2022 ước đạt 36,99 triệu đồng/năm, tăng 9,2% so với năm 2021; hộ nghèo chiếm tỷ lệ 6,08%; hộ cận nghèo 3,73%.
Ông Sơn chia sẻ, trong năm 2023, địa phương sẽ phấn đấu đạt 5 tiêu chí xây dựng nông thôn mới gồm: giao thông; cơ sở vật chất văn hoá; y tế; môi trường; quốc phòng và an ninh. Hoàn thành 10 tiêu chí xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu thôn Tân Phong và phấn đấu xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2024.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.