Chúng tôi đến khu vực suối Lớn thôn Thanh Sơn thấy dọc bờ suối là vách đất dựng đứng, cao từ 2-3m so với mực nước, nhiều bụi tre và các loại cây lâu năm như keo và bạch đàn dọc hai bên bờ đã bị sạt hết xuống suối.
Ông Võ Đường có gần 4 sào ruộng nằm ngay khúc cua của con suối, thở dài: "Chắc đám ruộng của tui và nhiều bà con khác chỉ tồn tại được đến mùa lũ sang năm". Anh Võ Thanh Hùng có 4 sào ruộng lúa sắp bị dòng suối nuốt chửng.
|
Bụi tre hàng trăm năm tuổi bị bật gốc. |
Sợ quá, anh cùng những chủ ruộng liền kề dùng tre đóng kè bảo vệ ruộng nhưng chỉ được một hai hôm bờ kè đã bị nhào xuống suối. Theo ông Võ Cận - Bí thư Chi bộ thôn Thanh Sơn, đoạn suối bị sạt lở kéo dài 1,5km. Trong đó hàng trăm bụi tre và các loại cây trồng lâu năm bị cuốn xuống suối.
Hơn 20 hộ dân với 1ha ruộng lúa bên bờ suối đang đứng trước nguy cơ xóa sổ. Nhưng điều đáng lo ngại là tình trạng xói lở sẽ làm ảnh hưởng đến việc bơm nước tưới cho 6ha lúa của người dân do lượng nước không đảm bảo.
Theo ông Cận, nguyên nhân gây sạt lở nặng là do việc khai thác cát quá mức ngay tại thời điểm nạo vét lòng suối để bơm nước chống hạn vụ hè - thu năm 2010. Ông Bùi Văn Chuyên - Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Cường- thừa nhận:
Năm 2010, xã đã đồng ý cho ông Võ Xuân Bảy - Trưởng thôn Thanh Sơn - ký hợp đồng cho ông Võ Nhựt được quyền khai thác cát tại lòng suối Lớn với khoản phí 3 triệu đồng/năm. Tuy nhiên sau đó do thấy việc khai thác cát trở nên phức tạp, gây sạt lở nặng hai bên bờ nên xã chỉ đạo Trưởng thôn Thanh Sơn dừng ngay hợp đồng này. Tuy nhiên tình hình xem ra đã quá muộn.
Việc cho khai thác cát này mới chỉ đem lại một khoản phí quá nhỏ. Nhưng để ngăn chặn việc sạt lở đất, giữ "nồi cơm" cho 20 gia đình nông dân thì cần đến ít nhất hàng trăm triệu đồng. Tất nhiên không thể lấy đâu ra kinh phí để làm việc này. Hậu quả là hàng chục hộ dân ở đây đau xót chấp nhận nhìn ruộng mình bị suối "lấy" dần mỗi ngày.
Đức Cường
Vui lòng nhập nội dung bình luận.