Từ lâu, cây cau thật sự trở thành loại cây trồng không thể thiếu của hàng chục ngàn hộ dân Quảng Ngãi. Nhiều gia đình đã cải tạo diện tích đất vườn trồng cây tạp để trồng cau, với số lượng lên đến 400-600 cây. Nhiều nơi, nông dân thu về tiền tỷ từ loại cây này. Ngoài một số ít tiêu thụ trong nước, phần lớn cau quả được các cơ sở chế biến trong tỉnh thu mua và sơ chế để xuất khẩu sang Trung Quốc, Lào và Campuchia.
Mỗi năm cây cau mang lại nguồn thu gần 1 tỷ đồng. Thế nhưng năm 2011 này, nguồn thu từ `cau ước mất khoảng 2/3, do bị dịch bệnh.
Ông Nguyễn Hữu Lệ - Phó Chủ tịch UBND xã Hành Thuận
Tháng 4, đang là thời điểm bắt đầu tạo quả, thế nhưng dọc 2 bên đường từ TP. Quảng Ngãi vào "thủ phủ" của cây cau huyện Nghĩa Hành, đi qua các xã Hành Thuận, Hành Đức, Hành Minh, thị trấn Chợ Chùa…, thay vào màu xanh mướt, những buồng quả lủng lẳng là hàng chục ngàn cây cau với tàu lá úa vàng, khô cong như thể vừa qua đám cháy; số thì chết trơ thân trong nắng gắt.
Chị Nguyễn Thị Trang (34 tuổi), ở xã Hành Thuận, giọng rầu rĩ: Trong số gần 100 cây cau của gia đình, thì hơn 2/3 đã chết và hư hại, chỉ còn khoảng chục cây ra quả lèo tèo.
Theo người dân Nghĩa Hành, tình trạng cau bị vàng lá, rồi khô, hư tàu và cuối cùng là chết xuất hiện từ 3 năm trước và chỉ rải rác ở một vài nơi. Nhưng dịch bệnh ngày càng lan rộng và đến vụ này thì nơi nào cũng bị. Một khi cau bị bệnh thì lượng trái giảm từ 30-90% so với bình thường, hoặc cây chết.
Ông Huỳnh Tấn - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã Hành Minh cho biết: Khoảng 2/3 trong tổng số 10.000 cây cau ở địa phương bị nhiễm bệnh, sản lượng quả trong vụ này giảm xuống còn khoảng 30-50% so với vụ trước.
Theo ông Hồ Duy Khanh - Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Nghĩa Hành, thì nguyên nhân cây cau vàng tàu, khô lá, rồi chết là do 1 loại nấm gây ra. Trạm cũng đã tham mưu cho chính quyền tổ chức hướng dẫn cho dân dùng thuốc diệt nấm. Thế nhưng cây khá cao, còn giá cau quả hiện quá thấp nên người dân không mấy mặn mà trong việc phun thuốc diệt.
Công Xuân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.