Để hiểu rõ quá trình triển khai phương án này, PV Báo Dân Việt đã ghi nhận ý kiến từ các cấp ngành của tỉnh.
Ông Đỗ Minh Hải - Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: Cũng như nhiều khoáng sản khác, cát nhiễm mặn là nguồn tài nguyên quý nên luôn được các cấp ngành của tỉnh khuyến khích tận dụng. Việc cho phép nhận chìm tại một số dự án là giải pháp cuối cùng, "bất khả kháng" mà thôi.
Hoạt động nạo vét cát nhiễm mặn tại một dự án ở KKT Dung Quất
Tuy nhiên với đặc điểm là cát nhiễm mặn nên theo ông Hải, việc tận dụng san lấp mặt bằng cho các dự án, hay đổ bãi chứa đỗ cần phải có sự tính toán, đánh giá kỹ từ các cơ quan chuyên môn để tránh gây ra những tác động, ảnh hưởng xấu đến môi trường, cuộc sống của người dân xung quanh.
Ông Ngô Đại Dương - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng Lũng Lô 2, bày tỏ: Để san lấp mặt bằng các dự án do đơn vị đầu tư nằm ven sông Trà Bồng, huyện Bình Sơn, chúng tôi cần hàng chục triệu m3. Nếu được phép tận dụng các nguồn cát nhiễm mặn dư thừa trong quá trình nạo vét khu vực cảng, luồng tàu tại KKT Dung Quất, vừa đảm bảo môi trường, vừa thuận lợi cho doanh nghiệp.
Một vị trí trũng, thấp ở KKT Dung Quất có thể đổ cát nhiễm mặt để san lấp mặt bằng
"Dù vị trí mà công ty Lũng Lô đề nghị cho phép đổ nằm ven sông Trà Bồng, cũng là khu vực đã nhiễm mặn nhưng phía dưới là khu vực nuôi trồng hải sản của người dân. Nếu cát nhiễm mặn đổ san lấp tại đây làm tăng độ mặn của nước ở khu vực này, gây chết tôm cá nuôi của dân thì sao. Vì vậy phải đánh giá, kiểm tra kĩ lưỡng trước khi cho phép hay không", ông Đỗ Minh Hải - Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Quảng Ngãi, nói.
Bà Hà Thị Anh Thư - Bí thư Huyện ủy Bình Sơn, bày tỏ: "Tận dụng cát nhiễm mặn dư thừa trong quá trình nạo vét tại các cảng cửa biển để san lấp mặt bằng là tốt. Nhưng giữa các cơ quan liên quan và chuyên môn cần phối hợp chặc chẽ, đánh giá kĩ và kết luận rõ ràng ở những vị trí mà các chủ dự án ở KKT Dung Quất xin tận dụng có bị ảnh hưởng gì không, rồi mới cấp phép. Tuyệt đối không để gây tác động xấu đến môi trường, đặc biệt làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, mất ANTT trên địa bàn".
Trả lời với PV, ông Nguyễn Minh Tài - Trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất và các Khu công nghiệp (KCN)tỉnh Quảng Ngãi, khẳng định: "Vị trí được phép tận dụng cát nhiễm mặn nạo vét thừa phải là khu vực, vùng nhiễm mặn và tương thích. Còn những vị trí khác thì không được. Nếu không thì cát nhiễm mặn sẽ thẩm thấu, gây hại đến mạch nước ngầm. ".
Phương tiện nạo hút cát công suất lớn đang neo đậu tại vùng biển KKT Dung Quất để chuẩn bị hoạt động
Theo đó ông Tài yêu cầu, các doanh nghiệp có nhu cầu tận dụng phải gửi văn bản chính thức nói rõ về kế hoạch, thời gian, tiến độ cho Ban quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi để xem xét cụ thể, các cơ quan chuyên môn đánh giá và đồng ý thì mới được cho phép tận dụng cát này.
Được biết quá trình nạo vét tại các dự án ở KKT Dung Quất, một lượng cát nhiễm mặn dư thừa lên đến con số gần 12 triệu m3 đang cần xử lý. Trong đó dự án cảng tổng hợp container (6 triệu m3), dự án cảng Hào Hưng (4 triệu m3), dự án mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất giai đoạn II gần 1,67 triệu m3.
Theo tính toán của một số cán bộ chuyên môn, số lượng cát nhiễm mặn và vật chất nạo vét của 3 dự án trên đủ để đổ trên bãi chứa rộng trên 100 ha, với chiều cao tương đương với tòa nhà 4-6 tầng. Và thực tế tại thời điểm này, không dễ có thể tìm 1 bãi chứa lớn tập trung như vậy để đổ lượng cát dư thừa trên.
Để giải quyết vấn đề trên, ngày 20.3.2019, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi, đã có văn bản số (443/BQL-QLTNMT), do ông Nguyễn Minh Tài - Trưởng ban này ký, gửi Sở TN-MT tỉnh Quảng Ngãi, đồng ý và thống nhất trình chính quyền tỉnh Quảng Ngãi, cho phép tận dụng khối lượng cát nhiễm mặn để phục vụ san lấp mặt bằng các dự án có địa hình trũng sâu, nhiễm mặn tại KKT Dung Quất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.