Quảng Ngãi: 12 triệu m3 cát nhiễm mặn ở Dung Quất sẽ "nhận chìm" ở đâu?

Công Xuân Thứ sáu, ngày 05/04/2019 11:53 AM (GMT+7)
Mấy ngày qua dư luận Quảng Ngãi lại dậy sóng trước thông tin, quá trình nạo vét tại các dự án ở KKT Dung Quất, một lượng cát nhiễm mặn dưa thừa lên đến con số gần 12 triệu m3 đang cần xử lý. Câu hỏi đặt ra số lượng cát nhiễm mặn "khủng" này sẽ được đổ xuống biển, hay cấp thẩm quyền Quảng Ngãi sẽ chọn cách xử lý nào khác để “lợi cả đôi đường” ?
Bình luận 0

Theo Ban Quản lý KKT Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi, trong số 12 triệu m3 cát nhiễm mặn thừa ra do nạo vét tại các dự án ở KKT Dung Quất, nhiều nhất là dự án cảng tổng hợp container (6 triệu m3), tiếp đến là dự án cảng Hào Hưng (4 triệu m3), còn dự án mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất giai đoạn II tuy ít hơn, nhưng cũng gần 1,67 triệu m3.

img

Hoạt động nạo vét cát nhiễm mặn tại một dự án KKT Dung Quất

Ông Lê Văn Lý, đại diện Công ty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi, chủ đầu tư  dự án cảng Hào Hưng, bày tỏ: "Hiện bãi chứa của công ty đã đầy nên chưa thể tiếp tục nạo vét được, trong khi nhu cầu nạo vét tạo độ sâu luồng tàu vào ra của dự án rất bức thiết. Với số lượng cát và vật chất dư trong quá trình nạo vét quá lớn ước khoảng 4 triệu m3, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ từ cấp ngành của tỉnh, TƯ để xử lý ".

Qua tính toán của một số cán bộ chuyên môn, số lượng cát nhiễm mặn và vật chất nạo vét "khủng" của 3 dự án trên đủ để đổ trên bãi chứa rộng trên 100 ha, với chiều cao tương đương với tòa nhà 4-6 tầng. Và thực tế tại thời điểm này, không dễ có thể tìm 1 bãi chứa lớn tập trung như vậy để đổ lượng cát dư thừa trên. Dư luận đặt ra câu hỏi "Số lượng cát nhiễm mặn "khủng" như vậy sẽ tiếp tục được đổ xuống biển, hay cấp thẩm quyền Quảng Ngãi sẽ chọn cách xử lý nào khác để lợi cả đôi đường”

img

Đề xuất thống nhất tận dụng cát nhiễm mặn nạo vét sử dụng san lấp dự án vùng trũng, nhiễm mặn của Ban Quản lý KKT Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi, nhận được sự đồng tình của nhiều đại diện ban ngành, doanh nghiệp ở địa phương.

Để giải quyết vấn đề trên, ngày 20.3.2019, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi, đã có văn bản số (443/BQL-QLTNMT), do ông Nguyễn Minh Tài - Trưởng ban này ký, gửi Sở TN-MT tỉnh Quảng Ngãi, đồng ý và thống nhất trình chính quyền tỉnh Quảng Ngãi, cho phép tận dụng khối lượng cát nhiễm mặn để phục vụ san lấp mặt bằng các dự án có địa hình trũng sâu, nhiễm mặn tại KKT Dung Quất.

Trên cơ sở nhu cầu đề xuất của nhà đầu tư ở từng vị trí cụ thể, đề nghị Sở TN-MT tỉnh Quảng Ngãi có hướng dẫn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, công ty thực hiện các hồ sơ về môi trường, khoáng sản theo đúng quy định hiện hành.

Tại cuộc họp gần đây nhất (vào ngày 3.4 vừa qua), giữa các cấp ngành Quảng Ngãi, các thành viên tham gia cũng đã thống nhất phương án mà Ban Quản lý KKT Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi, đã đưa ra trước đó.

img

Một vị trí trũng, thấp ở KKT Dung Quất

Đại diện cảng vụ Dung Quất-KKT Dung Quất, bày tỏ: "Tại các cảng biển trong nước, giải pháp nhận chìm vật chất nạo vét là cực kỳ khó khăn. Vì vậy Cục Hàng hải luôn ưu tiên phương án đưa vật chất nạo vét lên bờ. Ngoài cát có thể san lấp, có khoảng 20% bùn cần được xử lý riêng, đề nghị tỉnh Quảng Ngãi sớm quy hoạch, xây dựng các bãi thải để chứa tạp chất này.

Phát biểu tại cuộc họp trên, bà Hà Thị Anh Thư - Bí thư Huyện ủy Bình Sơn, cho biết: "Quan điểm của địa phương là tính toán làm sao để chọn được giải pháp tối ưu nhất, giảm thiểu tối đa nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân trên địa bàn, đặc biệt là khu vực xung quanh. Nếu để xảy ra, hoặc gây ô nhiễm, doanh nghiệp phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem