Quảng Ngãi xuất hiện nhiều "tỷ phú chân đất" nhờ phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi
Quảng Ngãi xuất hiện nhiều "tỷ phú chân đất" nhờ phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi
Đồng Xuân
Thứ hai, ngày 26/08/2024 13:14 PM (GMT+7)
Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” do Hội Nông dân Việt Nam phát động đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Nhờ thực hiện có hiệu quả đã xuất hiện nhiều nông dân có quy mô sản xuất lớn có thu nhập hàng năm từ 300-500 triệu đồng.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, những năm qua, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" đã trở thành phong trào sâu rộng trong tổ chức Hội Nông dân các cấp, được đông đảo hội viên nông dân trong tỉnh đồng tình hưởng ứng và xem đây là tiêu chí thi đua trong hệ thống Hội từ Trung ương đến cơ sở.
Điển hình như mô hình sản xuất nấm các loại của anh Lê Giang Phong ở thôn 4, xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức đã liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa. Mô hình phát triển ngày càng hiệu quả, đến nay anh Phong đã thành lập Hợp tác xã sản xuất nấm Đức Nhuận giải quyết hơn 20 lao động tại địa phương.
Anh Lê Giang Phong - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất nấm Đức Nhuận cho biết, hợp tác xã sản xuất phôi nấm để bán cho nông dân trong huyện về chăm sóc, sau đó hợp tác xã thu mua nấm tươi về sơ chế, tẩm, ướp gia vị để chế biến thành thức ăn nhanh như: nấm khô sợi ăn liền, bột nêm nấm, trà thảo dược linh chi, rượu nấm linh chi… để cung ứng cho các thị trường siêu thị, chợ, cửa hàng trong và ngoài tỉnh.
Hiện tại hợp tác xã sản xuất nấm Đức Nhuận có 6 loại sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao; 5 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao và chiếm lĩnh thị trường nông nghiệp số trên các sàn giao dịch thương mại điện tử như: Shoppe, Vỏ Sò, Saely,…. Vinh dự hơn, Hợp tác xã sản xuất nấm Đức Nhuận là 1 trong 63 hợp tác xã tiêu biểu trên toàn quốc, được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam biểu dương trong chương trình "Tự hào Nông dân Việt Nam" tại thủ đô Hà Nội vào cuối năm 2023.
"Kể từ khi được gắn sao OCOP và có mặt trên sàn giao dịch điện tử doanh thu bán hàng của hợp tác xã vượt 30% so với trước. Trong 3 năm trở lại đây, doanh thu mỗi năm của hợp tác xã lến đến hơn 3,5 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động ở địa phương với thu nhập bình quân của mỗi thành viên trong hợp tác xã từ 10 – 15 triệu đồng/người/tháng...", anh Lê Giang Phong, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất nấm Đức Nhuận chia sẻ.
Hay mô hình sản xuất giống cây trồng kết hợp chăn nuôi trang trại quy mô tập trung của ông Hoàng Văn Nam (xã Ba Thành, huyện Ba Tơ) tạo việc làm thường xuyên cho 17 lao động, hàng năm giúp đỡ cho 20 hộ nghèo và cận nghèo ở địa phương về vốn, cây, con giống và kiến thức kỹ thuật trồng trọt để phát triển kinh tế hộ, nâng cao thu nhập, từng bước thoát nghèo.
Mô hình "Trồng cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi" của hộ ông Lâm Tấn Đôn ở thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành có tổng diện tích cây ăn quả 7.500 m2, với gần 200 gốc bưởi da xanh, 50 gốc bưởi thanh trà, măng cụt, 20 gốc chôm chôm; mỗi mùa, sau khi trừ chi phí, vườn cây cho thu nhập hơn 100 triệu đồng, hàng năm tạo việc làm cho hơn 10 lao động ở địa phương....
Điểm nổi bật trong phong trào này là ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương nông dân trẻ, có trình độ, tri thức cao và có niềm đam mê với nông nghiệp, nông thôn nên mạnh dạn vay vốn đầu tư công nghệ vào phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản đảm bảo tiêu chuẩn đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước.
Điển hình như anh nông dân trẻ Lê Thái Cường (37 tuổi) ở thôn Phước Thịnh, xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức là một tấm gương nông dân tiêu biểu, điển hình về ý chí vượt khó, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương. Anh Cường tốt nghiệp Đại học kinh tế Đà Nẵng, ra trường cũng có xin việc vài nơi nhưng với mức lương không mấy hấp dẫn nên Cường quyết tâm khôi phục nghề làm bánh tráng truyền thống từ 3 đời ông, cha để lại trở thành cơ sở sản xuất theo quy mô lớn hơn.
Từ một nghề sản xuất thủ công nhỏ của hộ gia đình, anh Cường đã mạnh dạn vay vốn đầu tư công nghệ thành dây chuyền sản xuất bánh tráng tự động khép kín hiện đại, mỗi ngày cơ sở sản xuất bánh tráng Huy Cường sản xuất từ 400 – 500kg gạo, doanh thu mỗi tháng khoảng hơn 400 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 8 lao động ở địa phương, với mức lương từ 6 – 6,5 triệu đồng/người/tháng. Hiện tại sản phẩm bánh tráng Huy Cường đã được cấp chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao và có mặt rộng khắp từ các chợ đến các cửa hàng trong và ngoài tỉnh.
Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 88.780 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó 53 hộ đạt danh hiệu cấp trung ương. Điều đáng ghi nhận là phong trào này đã tạo sức lan tỏa rộng lớn từ đồng bằng đến miền núi, hải đảo xa xôi; xuất hiện nhiều mô hình kinh tế trang trại với quy mô lớn, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho lao động nông thôn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.