Quảng Ninh - hành trình 10 năm NTM và "trái ngọt" mang tên OCOP
Quảng Ninh: Hành trình 10 năm xây dựng nông thôn mới và "trái ngọt" OCOP
Nguyễn Quý
Thứ ba, ngày 22/09/2020 16:24 PM (GMT+7)
Đã 10 năm kể từ ngày Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020. Đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên trong một nhiệm kỳ mới thể hiện sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy, chính quyền với nông nghiệp - nông dân - nông thôn.
Nghị quyết số 01-NQ/TU là nghị quyết đầu tiên của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2011-2015. Nghị quyết đã xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng yếu của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Chủ thể chính xây dựng NTM là nông dân; xây dựng NTM được thực hiện theo phương châm dựa vào nội lực của cộng đồng dân cư, vì vậy mọi việc phải được dân biết, dân bàn, dân làm và dân được hưởng thụ.
Để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, Quảng Ninh đã có nhiều cách làm sáng tạo. Trong đó, tỉnh đã tạo ra một chương trình mới, bài bản, hiệu quả đó là chương trình "Tỉnh Quảng Ninh – Mỗi xã, phường một sản phẩm" (gọi tắt là OCOP).
Chương trình đã thực sự góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thay đổi tư duy sản xuất, từng bước hình thành sản xuất hàng hóa. Song hơn hết, từ những thành công của Quảng Ninh, chương trình đã lan tỏa ra cả nước.
Trong những năm 2012, 2013, chương trình OCOP là một mô hình lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh, do đó chưa có tiền lệ về phương pháp luận, cơ chế chính sách, mô hình hiệu quả để học tập. Các cán bộ chủ chốt của tỉnh đã dành nhiều thời gian nghiên cứu các chuyên đề quốc tế về phong trào OVOP tại các nước khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Phi…
Những chuyến đi công tác, học tập kinh nghiệm của Nhật Bản, Thái Lan là những bước khởi đầu vô cùng quan trọng. Đồng thời, nghiên cứu, xem xét, đánh giá hiệu quả của các chương trình hỗ trợ sản xuất, chính sách hiện hành, hiệu quả của mô hình đã triển khai tại Việt Nam. Từ đó, năm 2013, Quảng Ninh đã phê duyệt Đề án OCOP giai đoạn 2013 – 2016 theo hướng vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.
Với những kết quả đã được của Quảng Ninh, tháng 5/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020" để triển khai trên phạm vi cả nước.
Đây được coi là nhiệm vụ quan trọng trong triển khai chương trình MTQG về xây dựng NTM của Việt Nam, đồng thời, ghi nhận những nỗ lực của Quảng Ninh trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW khóa X về tam nông và chương trình MTQG về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 bởi chương trình OCOP - Chương trình kinh tế nông nghiệp mang dấu ấn sáng tạo của Quảng Ninh.
Chương trình OCOP được thực hiện dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản đó là: Hành động địa phương, hướng đến toàn cầu; tự lực, tự tin và sáng tạo; đào tạo nguồn nhân lực.
Do vậy, chương trình OCOP được thiết kế để các chủ thể sản xuất (từ cá thể, hộ sản xuất, Tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp) có sự chủ động về ý tưởng sản phẩm, xác định thị trường, chủ động sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Nhà nước đóng vai trò tạo sân chơi, hỗ trợ chính sách, xúc tiến thương mại.
Chỉ năm sau, chương trình đã nhanh chóng lan tỏa rộng khắp tới các địa phương, tổ chức và nhân dân, tạo nên khi thế thi đua sôi nổi ở khắp nơi, trở thành điểm nhấn quan trọng để nâng cao chất và lượng của chương trình MTQG xây dựng NTM.
Bằng các giải pháp khác nhau, người dân hồ hởi, tích cực, chủ động tham gia chương trình. Trong giai đoạn 2013-2016, từ tỉnh đến các địa phương đã chủ động thành lập Ban Điều hành OCOP, triển khai các dự án phát triển sản xuất, tổ chức hội thi đánh giá và phân hạng sản phẩm...
"Trái ngọt" OCOP
Anh Nịnh Văn Trắng (xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh) là điển hình nhất về những tỷ phú "chân đất" đi lên từ chương trình OCOP.
Vùng núi rừng Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ quê anh có cây trà hoa vàng. Là người bản địa, sống dựa vào rừng, anh biết đây là loại cây quý. Tuy nhiên, giống như bao người khác, khi đó anh Trắng chỉ biết lên rừng kiếm thật nhiều trà hoa vàng nhằm mục đích bán cho thương lái.
Chỉ đến khi được tiếp cận chương trình OCOP, anh Trắng mới thật sự có ý thức xây dựng, phát triển và tạo dựng thương hiệu cho loại sản phẩm đặc sản của quê hương này.
Từ những kiến thức thực tế kết hợp với quy trình sản xuất được học qua các khóa tập huấn, cùng với sự hỗ trợ về kinh phí, kỹ thuật, công nghệ có được trong chương trình OCOP, anh Trắng từng bước đưa cây trà hoa vàng trên rừng núi tự nhiên về trồng trong vườn nhà, nhân giống cây, mở rộng diện tích trồng. Đồng thời, chế biến các thành phần của cây thành các sản phẩm khác nhau.
Anh còn được hỗ trợ bao bì, nhãn mác, mã vạch sản phẩm, tạo điều kiện cho sản phẩm trà hoa vàng tham gia các hoạt động đánh giá, phân loại sản phẩm, xúc tiến thương mại. Nhờ đó, sản phẩm trà hoa vàng của anh Nịnh Văn Trắng nhanh chóng tạo được thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, lan tỏa trong toàn tỉnh mà còn nhiều tỉnh thành lân cận, nâng cao giá trị sản phẩm.
Hiện sản lượng tiêu thụ mỗi năm của anh Nịnh Văn Trắng đạt 200kg hoa khô, 500kg lá khô. Doanh thu từ trà hoa vàng của anh Trắng đạt 3 - 4 tỷ đồng/năm. Anh Trắng từ một anh nông dân người dân tộc Sán Chỉ chưa rõ hết mặt chữ cái, kiếm sống bằng nghề khai thác lâm sản, thu nhập bấp bênh đã trở thành Giám đốc một công ty kinh doanh nổi tiếng khu vực miền Đông Quảng Ninh.
Không dừng lại ở những thành công đã có, thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM, giai đoạn II (2016-2020), Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành Chỉ thị 07-CT/TU ngày 27/5/2016 nêu rõ quan điểm: "Xây dựng NTM theo hướng chuyển từ lượng sang chất, bảo đảm thường xuyên, liên tục và lâu dài", "tiến tới xây dựng nông thôn tiên tiến", "tiếp tục xác định người nông dân là chủ thể, trực tiếp thực hiện và được thụ hưởng; đầu tư của doanh nghiệp là động lực; Nhà nước giữ vai trò định hướng, hỗ trợ".
Do đó, Quảng Ninh tiếp tục đưa chương trình OCOP với bước chuyển mới từ "lượng" sang "chất". Các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất chủ động tìm tòi, nghiên cứu, áp dụng giải pháp nâng cao chất lượng, đa dạng hóa chủng loại, chuyên nghiệp hóa sản phẩm.
Chặng đường 10 năm xây dựng NTM của Quảng Ninh đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng tự hào. Xác định xây dựng NTM "Chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc", do vậy, giai đoạn tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục hướng tới nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông thôn, trong đó, lấy sản xuất nông nghiệp sạch và an toàn sinh học, thân thiện với môi trường làm nền tảng gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ nông thôn và phù hợp với quá trình đô thị hóa hướng tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ; tiếp tục đầu tư nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình OCOP; đẩy mạnh công tác giữ gìn, bảo vệ môi trường để xây dựng NTM bền vững; tiếp tục đột phá, sáng tạo những cách làm và hướng đi mới.
Đến nay, Quảng Ninh đã có 171 đơn vị tham gia với 461 sản phẩm OCOP; thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 45 triệu đồng/người/năm (bình quân cả nước đạt khoảng 40 triệu đồng), tăng 1,5 lần so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm xuống còn khoảng 1%.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.