Quảng Ninh: Không thể chậm trễ trong việc giao khu vực nuôi biển
Quảng Ninh: Không thể chậm trễ trong việc giao khu vực nuôi biển
Thu Lê
Thứ sáu, ngày 06/12/2024 14:17 PM (GMT+7)
Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng 6/12, kỳ họp thứ 23 HĐND tỉnh Quảng Ninh khoá XIV diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường. Một trong những vấn đề thu hút được sự quan tâm của đại biểu là công tác giao khu vực nuôi biển còn chậm.
Mở đầu phiên chất vấn về nội dung giao khu vực nuôi biển với Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh, đại biểu La Thị Thủy, Tổ đại biểu Tiên Yên - Bình Liêu - Ba Chẽ cho biết: "Tại Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 27/11/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong đó yêu cầu hoàn thành giao khu vực biển trong quý II/2024. Tuy nhiên, qua theo dõi đến nay tiến độ giao khu vực biển rất chậm, không đạt mục tiêu nghị quyết. Đặc biệt từ sau cơn bão số 3 (Yagi), cử tri và nhân dân rất quan tâm đến việc giao khu vực biển để sớm khôi phục phát triển sản xuất nuôi trồng thủy, hải sản trên biển".
Theo báo cáo của Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Trần Như Long, hiện tại, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 45.246ha khu vực biển được tích hợp quy hoạch nuôi trồng thủy sản trên biển trong Quy hoạch. Trong đó, diện tích trong 3 hải lý là 23.975ha (chiếm 53,0%), diện tích từ 3 đến 6 hải lý là 13.031ha (chiếm 28,8%) và diện tích ngoài 6 hải lý là 8.240ha (chiếm 18,2%). Hiện mới có 8/9 địa phương hoàn thành việc lập phương án/đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển.
Việc giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân để nuôi trồng thủy sản trên biển được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 11/02/2021 của Chính phủ, theo đó việc giao khu vực biển thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh và UBND cấp huyện.
"Trong quá trình nghiên cứu các quy định của pháp luật có liên quan đến thủ tục giao khu vực biển cho thấy có thể có một số khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng tới tiến độ giao khu vực biển như sau, mặc dù thực tế đến nay Sở chưa nhận được ý kiến về các vướng mắc cụ thể nào", ông Long cho biết.
Các khó khăn, vướng mắc này được ông Long nhóm lại thành 5 nhóm vấn đề.
Thứ nhất, Nhà nước không có quy định về việc lựa chọn nhà đầu tư dự án sử dụng khu vực biển nói chung và sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản nói riêng. Luật Đầu tư cũng không quy định năng lực nhà đầu tư được lựa chọn cho dự án sử dụng khu vực biển.
Thứ hai, quy định về thẩm quyền giao khu vực biển của cấp huyện rất hạn chế. Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/02/2021 của Chính phủ quy định UBND cấp huyện có biển quyết định giao khu vực biển cho cá nhân chuyển đổi từ nghề khai thác ven bờ sang nuôi trồng thủy sản hoặc thường trú trên địa bàn mà nguồn sống chủ yếu dựa vào thu nhập từ nuôi trồng thủy sản, với hạn mức không quá 1ha, nằm trong vùng biển 3 hải lý.
Thứ ba là quy định về việc lấy ý kiến. Theo Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/02/2021 của Chính phủ quy định việc giao khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển thì hồ sơ đề nghị giao khu vực biển thuộc thẩm quyền giao của UBND cấp tỉnh thì UBND tỉnh phải có trách nhiệm lấy ý kiến của 4 bộ, gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo quy định trong thời gian không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến, 4 bộ phải có trách nhiệm trả lời bằng văn bản. Tuy nhiên, trong thực tế việc lấy ý kiến đủ 4 bộ nhanh nhất mất khoảng 2 tháng. Điều này kéo dài thời gian để giải quyết thủ tục hành chính cho các tổ chức, cá nhân.
Thứ tư là quy định về lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trong Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường quy định dự án sử dụng khu vực biển thuộc thẩm quyền giao khu vực biển cấp tỉnh, cấp bộ thì phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình UBND cấp tỉnh hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt mà không phân biệt quy mô, loại hình sản xuất.
Thứ năm là UBND cấp huyện mất nhiều thời gian để tổ chức rà soát, xác minh, thẩm định hiện trạng hộ dân nuôi thực tế; thông tin về hộ khẩu thường trú trên địa bàn theo điểm a, Khoản 2, Điều 44 của Luật Thủy sản thuộc thẩm quyền giao khu vực biển của cấp huyện.
Không thể chậm trễ hơn trong giao khu vực nuôi biển
Đưa ra một số giải pháp để đẩy nhanh việc giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh đề nghị UBND các địa phương công bố công khai, đầy đủ thông tin quy hoạch khu vực nuôi trồng thủy sản; khẩn trương rà soát, xác định cụ thể nhu cầu sử dụng khu vực biển nuôi trồng thủy sản của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
Ở góc độ của chính quyền cấp huyện, bà Đỗ Thị Ninh Hường, Bí thư Huyện ủy Đầm Hà có thêm ý kiến: "Đối với việc giao biển dưới 1ha cho các hộ dân, huyện hiện có 45ha. Để đảm bảo tính minh bạch trong giao nuôi biển cho người dân, huyện đã chủ động xác định đúng đối tượng, đúng phạm vi để những hộ có nhu cầu được hưởng đúng chính sách. Đối với việc giao biển cho các hộ dân trên 1ha, địa phương đã nhận được sự hỗ trợ của các sở, ngành. Tuy nhiên, do năng lực của người đứng đầu HTX còn hạn chế nên việc thực hiện các quy trình đánh giá tác động môi trường, các thủ tục khác để được giao biển còn khó khăn. Vì vậy, chúng tôi mong muốn tỉnh hỗ trợ các địa phương và HTX để tháo gỡ những khó khăn này".
Kết luận nội dung chất vấn liên quan đến giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản, bà Vi Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ninh, Chủ tọa kỳ họp khẳng định: Tỉnh Quảng Ninh có diện tích trên 12.000km2, trong đó có gần 5.800km2 mặt biển. Đây là các điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển kinh tế biển mà không phải địa phương nào cũng có, trong đó có hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển.
Bà Vi Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, điều hành phiên chất vấn. Ảnh: QMG.
"Xác định nuôi biển là lợi thế của tỉnh Quảng Ninh, song thời gian qua, tỉnh ta chưa phát huy được các lợi thế về phát triển kinh tế biển. Trong đó, phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa bền vững, có nơi, có lúc còn tự phát. Vùng nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi giá trị chưa nhiều; sản xuất còn nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, chưa có tính liên kết, hiệu quả thấp, không ổn định, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, dịch bệnh, thị trường…", bà Bích nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ninh cũng không đồng tình với ý kiến của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Như Long về việc "chưa biết bao giờ hoàn thành việc giao biển".
"Cơn bão số 3 vừa qua đã gây ra nhiều thiệt hại, mất mát, đau xót đối với người dân nuôi biển và thủy sản Quảng Ninh. Người dân phải đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc do chưa được giao biển. Để hỗ trợ người dân sớm khôi phục sản xuất thì việc thực hiện giao khu vực biển càng phải được thực hiện nhanh chóng hơn bao giờ hết", bà Ngọc lưu ý.
Kết quả bàn giao khu vực biển của tỉnh Quảng Ninh theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh tại kỳ họp thứ 23 HĐND tỉnh Quảng Ninh khoá XIV:
+ Thẩm quyền giao khu vực biển của UBND cấp huyện: Có 3/9 địa phương đã giao khu vực biển cho cá nhân thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện.
- Thị xã Quảng Yên đã giao khu vực biển cho 318 hộ; tổng diện tích là 190,8ha.
- Thành phố Cẩm Phả đã giao khu vực biển cho 3 hộ; tổng diện tích là 3ha.
- Huyện Vân Đồn đã giao khu vực biển cho 1.208 hộ; tổng diện tích là 8.589ha.
+ Đối với thẩm quyền cấp tỉnh:
- Về thủ tục đánh giá tác động môi trường: Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận và thẩm định 10 hồ sơ Báo cáo đánh giá tác động môi trường của các HTX và doanh nghiệp. UBND tỉnh đã ban hành 1 quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường.
Tiếp nhận 11 hồ sơ tham vấn trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường, trong đó 05 hồ sơ ở huyện Vân Đồn, 5 hồ sơ ở huyện Đầm Hà, 1 hồ sơ ở huyện Hải Hà.
- Về cấp phép nuôi trồng thủy sản: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp 7 Giấy phép nuôi trồng thủy sản cho 7 tổ chức.
- Về giao khu vực biển: Sở Tài nguyên và Môi trường nhận được 1 hồ sơ đề nghị giao khu vực biển tại xã Đông Xá, xã Bản Sen, huyện Vân Đồn để nuôi hàu Thái Bình Dương. Trên cơ sở ý kiến tham gia của các bộ, ngành: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, HTX đang hoàn thiện hồ sơ theo ý kiến góp ý trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt, giao khu vực biển.
+ Đối với thẩm quyền Bộ Tài nguyên và Môi trường: Qua trao đổi với Cục Biển và Hải đảo Việt Nam - Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho đến hiện tại, Cục chưa nhận được hồ sơ nào trên địa bàn tỉnh đề nghị giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.