Người phụ nữ Quảng Ninh mở xưởng may tái chế, biến rác thành đồ thời trang, đến tín đồ hàng hiệu còn mê

Bùi My Thứ năm, ngày 08/09/2022 18:47 PM (GMT+7)
Qua bàn tay khéo léo của chị Trần Thị Hương cùng các thành viên HTX Green Life Hạ Long (Quảng Ninh), những tấm pano, áp phích đã qua sử dụng, vải thừa được tái chế thành những sản phẩm đẹp, độc, lạ. Qua đó, không chỉ góp phần giảm thiểu rác thải ra môi trường, mà còn biến rác thành tiền.
Bình luận 0

HTX Green life Hạ Long biến rác thành tiền.

Tái chế rác thải thành toàn đồ độc, lạ

Theo lời giới thiệu của Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi có dịp đến thăm HTX Green Life Hạ Long của chị Trần Thị Hương tại khu 3, phường Hà Khẩu, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Trời mưa lâm râm, những đám mây xám xịt đầy trời dường như bị xua tan khi chúng tôi đặt chân tới trước cổng HTX Green Life Hạ Long.

Ngay từ cổng vào, xưởng may tái chế xinh xắn rộng khoảng 100m2 được phủ đầy những slogan "Giảm nhựa vì một Hạ Long xanh", "Nói không với rác thải nhựa". Trước xưởng may, những chậu hoa đầy màu sắc được làm từ chiếc lốp xe cũ kỹ, bỏ đi, khiến không gian trở nên rất bắt mắt và gần gũi.

Người phụ nữ "hâm" mở xưởng may tái chế, biến rác thành tiền - Ảnh 1.

Chị Trần Thị Thu Hương, Giám đốc HTX Green Life Hạ Long (áo trắng) kiểm tra việc may các sản phẩm tái chế của các thành viên. Ảnh: Bùi My

Trong xưởng may tái chế của HTX Green Life Hạ Long, tất cả mọi đồ vật đều được tái chế từ rác thải.

Nếu không có sự giới thiệu, chắc chắn khó có thể nhận ra những chiếc túi đi chợ, cặp đựng tài liệu, ví cầm tay, túi đựng bút, hay nơ cài tóc, sổ tay... trong xưởng may đều là sản phẩm được tái chế từ những pano, vải thừa tưởng chừng như bỏ đi.

Thâm chí, đến cả những chiếc ghế trong xưởng cũng là sản phẩm được tái chế từ những chiếc lốp xe ô tô cũ.

Người phụ nữ "hâm" mở xưởng may tái chế, biến rác thành tiền - Ảnh 2.

Thay vì chỉ sử dụng một lần như trước đây, những vật liệu nhựa bị thải bỏ đã trở thành chiếc túi xinh xắn. Ảnh: Bùi My

Chị Hương cho biết, ý tưởng tái chế những tấm pano, áp phích quảng cáo, vải thừa... xuất phát từ chính các mô hình "Biến rác thành tiền", phân loại rác thải.

Bên cạnh đó, thực trạng lượng rác thải nhựa thải ra môi trường rất lớn, gây ô nhiễm môi trường nếu mang chôn lấp. Từ tình hình thực tế đó, chị đã thành lập HTX Green Life Hạ Long.

Người phụ nữ "hâm" mở xưởng may tái chế, biến rác thành tiền - Ảnh 3.

Những chiếc ba lô xinh xắn được tái chế từ vải thừa. Ảnh: Bùi My

Theo chị Hương, khi bắt đầu thực hiện mô hình, HTX gặp khó khăn do không xin được nguồn vải thừa, pano quảng cáo. Sau đó, nhờ Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.Hạ Long giới thiệu, kết nối, từ đó HTX mới thu gom được số lượng lớn pano, áp phích đã qua sử dụng, vải thừa từ các hiệu may.

"Những chiếc thảm, những chiếc túi hay ba lô này đều được tái chế từ vải thừa tại các hiệu may, chúng tôi không sử dụng quần áo cũ để tái chế. Có những sản phẩm chúng tôi chỉ sản xuất ra một lần, bởi lượng vải tận thu chỉ có từng đó," chị Hương cho hay.

Được biết, các sản phẩm tái chế của HTX Green Life Hạ Long hiện được bán với giá thành từ 20.000 - 200.000 đồng/sản phẩm.

Người phụ nữ mở xưởng may tái chế, biến rác thành toàn đồ đẹp, độc, lạ - Ảnh 5.

Từ vải thừa tưởng chừng như chỉ để vứt đi, lại có thể được "hồi sinh" thành chiếc thảm rực rỡ đủ sắc màu. Ảnh: Bùi My

Người phụ nữ mở xưởng may tái chế, biến rác thành toàn đồ đẹp, độc, lạ - Ảnh 6.

Ngoài tái chế thành chậu trồng hoa, rau,... những chiếc lốp xe cũ còn được tái chế thành ghế ngồi. Ảnh: Bùi My

Từ khi thành lập vào tháng 12/2019 cho đến nay, HTX Green Life Hạ Long đã thu gom 9 tấn pano, 5 tấn vải thừa, sản xuất hơn 30.000 sản phẩm. Trong thời gian dịch Covid-19, HTX chủ yếu tái chế vải thừa thành khẩu trang và mang tặng.

Xưởng tái chế thành điểm du lịch trải nghiệm cộng đồng 

Bên cạnh thu gom và tái chế rác thải nhựa, HTX Green Life Hạ Long còn trở thành điểm du lịch trải nghiệm cộng đồng được du khách, nhất là du khách nước ngoài rất ưa thích.

Du khách đến đây có thể tham quan, trải nghiệm làm các sản phẩm tái chế, tự may túi cho mình... Đặc biệt, các em học sinh rất thích khi đến với Green Life Hạ Long, bởi các em được trải nghiệm nặn giấy xay, tô màu lên những bức tượng làm từ giấy bìa...

Người phụ nữ "hâm" mở xưởng may tái chế, biến rác thành tiền - Ảnh 6.

Trải nghiệm "Nặn giấy xay - giảm thiểu rác thải nhựa" tại HTX Green Life Hạ Long. Ảnh: NVCC

Chị Hương cho biết thêm, mới đây, HTX Green Life Hạ Long đã đón đoàn học sinh ngoại khóa do phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức. Các em đến tham quan, học hỏi, trải nghiệm sáng tạo nghệ thuật từ rác thải nhựa đã qua sử dụng.

"Anh hướng dẫn bảo rằng, tôi chưa dẫn khách đi đến chỗ nào mà khách cứ ngồi, không chịu đứng dậy như đến đây. Sau khi được tham quan trải nghiệm ở đây, các bạn nhỏ đều rất thích, không muốn đứng lên trong khi tour đã hết giờ rồi."

Người phụ nữ "hâm" mở xưởng may tái chế, biến rác thành tiền - Ảnh 7.

Sinh viên, học sinh Hoa Kỳ và Việt Nam dành thời gian trải nghiệm tại HTX Green Life Hạ Long. Ảnh: NVCC

HTX Green Life Hạ Long không chỉ giúp hạn chế nguồn rác nhựa thải ra môi trường, mà còn góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều chị em phụ nữ.

Hiện HTX đang có khoảng 5 lao động thường xuyên làm việc tại xưởng, thu nhập dao động 4-5 triệu đồng/người/tháng.Cũng theo chị Hương, hiện mỗi tháng HTX Green Life Hạ Long đón khoảng 100 khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, trong đó chủ yếu là khách nước ngoài. 

 "Ý tưởng của tôi sau này sẽ phát triển thành mô hình trải nghiệm cộng đồng, để khách du lịch đến đây có thể tham quan, trải nghiệm và tự tay may các sản phẩm tái chế. Tôi muốn thông qua du lịch cộng đồng để thúc đẩy, lan tỏa thêm đến mọi người về việc phân loại rác thải, vận động ủ phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt, để từ đó giảm lượng rác thải ra môi trường," chị Hương chia sẻ.

Người phụ nữ mở xưởng may tái chế, biến rác thành toàn đồ đẹp, độc, lạ - Ảnh 9.

Chị Hương và thành viên HTX Green Life Hạ Long giới thiệu sản phẩm đến đại diện của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam. Ảnh: Bùi My

Ông Nguyễn Văn Đường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh nhận xét, chị Trần Thị Hương là tấm gương thể hiện vai trò, trách nhiệm của người dân tham gia bảo vệ môi trương. Chị Hương là người tâm huyết với chương trình bảo vệ môi trường, đặc biệt trong việc biến sản phẩm nhựa đã sử dụng thành các sản phẩm tái chế, những đồ dùng sinh hoạt hữu ích. 

Từ khi có dự án "Xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven biển vịnh Hạ Long" do Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh chủ trì, chị Hương là thành viên tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền giảm thiểu rác thải nhựa; tham gia các hoạt động giới thiệu sản phẩm thay thế nhựa dùng một lần. 

Chị Hương cũng tham gia vận động, hỗ trợ và phối hợp với các hộ trọng cộng đồng, phân loại, thu gom rác thải nhựa. Đồng thời, chị Hương còn là người có nhiều ý tưởng hay trong việc tái chế rác nhựa, kết nối giữa các thành viên trong việc tổ chức hoạt động trải nghiệm tái chế sản phẩm nhựa.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem