Quảng Trị: Dân mất đất vì nạn hút cát sạn

Thứ bảy, ngày 19/04/2014 09:41 AM (GMT+7)
Tại các thôn Thượng Phước và Tân Xuân, thuộc xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong (Quảng Trị), tình trạng tàu hút cát sạn ngang nhiên hút lấn chiếm địa phận bờ sông Thạch Hãn đã gây sạt lở đất, đe dọa nghiêm trọng tới nhà dân.
Bình luận 0
Theo quan sát của chúng tôi, bờ sông thôn Thượng Phước bị sạt lở nghiêm trọng, có nhiều nơi lở hàm ếch, rất nguy hiểm đối với người dân canh tác trên bờ.

Bà Võ Thị Thúy (42 tuổi, thôn Thượng Phước), cho biết: “Trước đây đất nhà tôi nhiều lắm, bề dọc bờ sông đến tận 700m. Nhà tôi trồng bắp, tre lấy măng, khoai, sắn… mỗi năm thu nhập trên 40 triệu đồng. Nhưng kể từ khi họ khai thác cát sạn đến nay đã mất hơn 20m đất bề ngang. Cứ tình hình này, vài năm nữa chắc không có đất trồng trọt, không biết lấy gì mà ăn”.

Tàu hút cát sạn trên sông Thạch Hãn.
Tàu hút cát sạn trên sông Thạch Hãn.

Thôn Tân Xuân 1 cũng xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Anh Phan Văn Diệp (40 tuổi) than thở: “Họ hút cát sạn từ 3-4 giờ sáng đến tận 5 giờ chiều mới thôi. Mỗi ngày có 5 - 7 tàu, có khi đến cả chục tàu to lên hút”. Anh Diệp cho biết thêm, trước đây, gia đình anh và nhiều hộ trong thôn nuôi cá chình, có nhà nuôi 3 - 4 lồng, tạo nguồn thu nhập đáng kể. Vậy nhưng 3 năm trở lại đây, khi tàu thuyền hút cát sạn trên khu vực này gây nước đục, cá chết, người dân không thể nuôi được.

“Việc đất của người dân bị lở xuống sông là do các tàu thuyền hút cát sạn dưới sông hút lấn theo kiểu ăn cắp ban ngày. Nhiều năm nay tình trạng hút trộm vẫn cứ diễn ra trước sự bất lực của người dân và chính quyền thôn” – ông Phan Văn Danh - công an thôn Tân Xuân bức xúc.

Trao đổi với phóng viên NTNN về nạn hút cát trên sông Thạch Hãn, ông Nguyễn Đức Vọng – Chủ tịch UBND xã Triệu Thượng cho biết: “Chúng tôi thường tổ chức đuổi bắt nhưng do phương tiện hạn chế, thô sơ nên không bắt được. Chúng tôi đề nghị các cơ quan cấp trên không cấp phép khai thác cát sạn trên sông Thạch Hãn nữa để bảo vệ đất đai cho người dân”.

Còn ông Phạm Cường – Chủ tịch UBND xã Hải Lệ, nói: “Việc các doanh nghiệp khai thác cát sạn trên sông là do tỉnh cấp phép. Việc khai thác này đã ảnh hưởng đến đất sản xuất của người dân”.

Trong 3 năm qua, hàng ngàn mét đất của người dân trôi xuống sông. Người dân sống trong tâm trạng lo lắng không biết nhà mình sẽ sụp xuống sông lúc nào. Là vùng đất thuần nông, nếu không có đất, người dân hai thôn Thượng Phước, Tân Xuân sẽ sống ra sao?
N.V (N.V)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem