Quảng Trị: Lý do không đề xuất kỷ luật chủ rừng trong vụ hơn 100 cây rừng bị đốn hạ
Quảng Trị: Lý do không đề xuất kỷ luật chủ rừng trong vụ hơn 100 cây rừng bị đốn hạ
Ngọc Vũ
Thứ hai, ngày 09/08/2021 19:50 PM (GMT+7)
Những ngày qua, thông tin chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải quản lý không chặt chẽ, để lâm tặc đốn hạ hơn 100 cây gỗ, nhưng lãnh đạo Ban không ai bị kỷ luật khiến dư luận đặt câu hỏi.
Ngày 9/8, bà Nguyễn Hồng Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Quảng Trị và ông Hoàng Thanh - Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Sở này đã trả lời báo chí liên quan vụ phá rừng ở lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải (gọi là Ban).
Ông Thanh cho hay sau khi nhận phản ánh về tình trạng phá rừng tại lâm phần do Ban quản lý, Sở NNPTNT Quảng Trị đã lập đoàn kiểm tra vào ngày 12/3 và 4/4.
Tại thời điểm kiểm tra, có 107 cây gỗ bị khai thác (trong lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải có 99 cây; trong phạm vi do UBND xã Vĩnh Ô quản lý có 8 cây), nằm rải rác nhiều điểm và chủ yếu thuộc các tiểu khu 581 và 598T.
Cây gỗ bị đốn hạ chủ yếu từ nhóm V đến nhóm VII, ước tính khối lượng gỗ cây đứng là 78,061m3.
Trong số gỗ khai thác trái phép, lực lượng chức năng đã thu giữ 21,339m3, một phần gỗ còn nằm trong rừng vì các đối tượng chưa kịp vận chuyển. Với phần còn lại, một số hộ dân đã sử dụng để sửa chữa nhà bị hư hỏng sau bão lũ.
Các ngày 19/5 và 22/5, tại tiểu khu 598T, 599T xã Linh Trường (huyện Gio Linh) và gần bản 7, xã Vĩnh Ô (Vĩnh Linh), lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện 2 bãi tập kết hơn 10m3 gỗ nhóm III-VI đã khai thác từ lâu.
Bà Nguyễn Hồng Phương - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Trị cho biết qua quá trình đi kiểm tra, lực lượng phát hiện có cây đa khá to bị đốn hạ. Cây đa giá trị không cao. Người dân cho biết họ đốn hạ cây đa chỉ lấy một khúc khoảng 2m để về làm quan tài.
Ông Hoàng Thanh cho hay nguyên nhân dẫn đến phá rừng là do trên 90% dân số ở xã Vĩnh Ô là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống, trình độ dân trí chưa cao, sinh kế dựa vào rừng. Năm 2020, lũ lụt khiến đời sống người dân nơi đây thêm khó khăn, nhà cửa bị hư hỏng. Địa bàn quản lý rộng với hơn 21.000ha rừng, trong đó hơn 8.600ha rừng tự nhiên, nhưng lực lượng bảo vệ rừng trực tiếp của Ban chỉ có 16 người.
Những năm trước, khi chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ gọi là (chương trình 886) đang còn, Ban đã hợp đồng giao khoán cho 107 hộ gia đình cùng tham gia bảo vệ rừng. Họ là những đặc tình, tai mắt, cánh tay nối dài của lực lượng chức năng để bảo vệ rừng. Cuối năm 2020, chương trình 886 kết thúc, kinh phí bảo vệ rừng năm 2021 chưa được bố trí, Ban phải tạm dừng hợp đồng khoán bảo vệ rừng với 107 hộ gia đình này khiến công tác giữ rừng gặp nhiều khó khăn.
Về chủ quan, các lực lượng bảo vệ rừng đã dự báo, nhận định tình hình chưa chính xác; còn có tư tưởng chủ quan; công tác phối hợp giữa các lực lượng chưa được chặt chẽ dẫn đến công tác tuần tra, kiểm soát người, cũng như phương tiện ra vào rừng thiếu nghiêm ngặt.
"Bảo vệ rừng nhưng lực lượng mỏng thì phải tác chiến như đánh trận, chứ không thể dàn trải quân số trên mọi mặt trận. Nhận định không chính xác dẫn đến mình tập trung quân chỗ này, nhưng họ phá rừng chỗ khác, bởi họ cũng theo dõi ngược lại lực lượng bảo vệ rừng", ông Thanh phân tích.
Sẽ xử lý hợp tình, hợp lý
Sau khi thu thập chứng cứ tại hiện trường, Sở NNPTNT Quảng Trị nhận định đây không phải vụ phá rừng có tổ chức, mà chỉ là khai thác nhỏ lẻ (107 cây bị đốn hạ trên diện tích 5.700ha) của người dân địa phương trên địa bàn xã Vĩnh Ô và Linh Trường để phục vụ sửa chữa nhà bị hư hỏng sau bão, lũ năm 2020. Số ít còn lại được người dân bán lấy tiền phục vụ sinh kế trong lúc khó khăn. Loại gỗ bị đốn hạ chủ yếu từ nhóm V-VII, giá trị kinh tế không cao.
Sở NNPTNT Quảng Trị đã thống nhất không xem xét kỷ luật mà đưa vào xem xét đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cuối năm 2021 đối với 5 nhân viên trực tiếp bảo vệ rừng. Kỷ luật khiển trách ông Nguyễn Ngọc Linh - Phó Trạm trưởng phụ trách Trạm quản lý, bảo vệ rừng tiểu khu 604; ông Nguyễn Đăng Quốc - Phó Trạm trưởng phụ trách Trạm Vĩnh Hà - Vĩnh Ô; ông Trần Quang Long - Trưởng phòng quản lý bảo vệ rừng và kỹ thuật Ban.
Ông Hoàng Duy Quang - Phó Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải và lực lượng Kiểm lâm hai huyện Gio Linh, Vĩnh Linh đều chưa đến mức kỷ luật mà xem xét đánh giá xếp loại tập thể và cá nhân công chức vào cuối năm 2021.
Trả lời thắc mắc của dư luận: Vì sao Sở NNPTNT Quảng Trị lại đề xuất UBND tỉnh không kỷ luật ông Nguyễn Ngọc Hùng - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải, mà chỉ đưa vào xem xét đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2021, ông Hoàng Thanh cho biết, ông Hùng đã nhận ra khuyết điểm, nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm, kịp thời triển khai các phương án, kế hoạch bảo vệ rừng.
Trong nhiều năm qua, cũng như bước vào năm 2021, ông Hùng đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm tra, phân công nhiệm vụ cho các thành viên tập trung chỉ đạo công tác quản lý bảo vệ rừng, nhất là dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu; đồng thời chỉ đạo cấp dưới kiên quyết đấu tranh, xử lý lâm tặc, bắt hàng chục vụ phá rừng, vận động người dân bỏ xe Uran - loại xe chuyên chở gỗ cho lâm tặc (từ 80 chiếc năm 2017 xuống còn 1 chiếc năm 2021); xây dựng tập thể đoàn kết, vững mạnh; khắc phục mọi khó khăn về kinh phí, nhân lực để thực hiện bảo vệ rừng...
"Sở đã kiểm tra toàn diện việc triển khai kế hoạch quản lý bảo vệ rừng năm 2021 của đơn vị và đánh giá tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, nghiêm túc trong triển khai nhiệm vụ, sát đúng với yêu cầu và thực tiễn công tác. Về xem xét trách nhiệm, đánh giá dựa trên quá trình làm việc lâu dài và các yếu tố khách quan, chủ quan, hoàn cảnh xảy ra vụ việc và trách nhiệm cá nhân để đưa ra thống nhất đề xuất với UBND tỉnh", ông Hoàng Thanh cho hay.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải cho biết sau đợt lũ lịch sử năm 2020 và chương trình 886 kết thúc, công tác bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn, dẫn đến vụ phá rừng nêu trên.
"Dù lý do gì tôi cũng nhận thấy rõ trách nhiệm của mình và sẽ rút kinh nghiệm để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn trong thời gian tới", ông Hùng nói.
Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết cơ quan này đánh giá những khó khăn mà Sở NNPTNT nêu ở trên là đúng, đặc biệt khó về kinh phí, nhân lực bảo vệ rừng. Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Trị đang nghiên cứu, xem xét để đưa ra quyết định hợp tình, hợp lý.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.