Quảng Trị: Những cái giếng cổ kỳ lạ hàng ngàn năm chưa bao giờ cạn ở vùng đất đầy nắng gió

Thứ tư, ngày 16/09/2020 14:16 PM (GMT+7)
Gio Linh (tỉnh Quảng Trị), mảnh đất với nhiều di tích, địa danh huyền thoại đã đi vào lịch sử như một biểu tượng của lòng dũng cảm, ý chí đấu tranh bất diệt của quân và dân ta trong các cuộc chiến tranh vệ quốc...
Bình luận 0

Từ những giá trị đặc biệt đó, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị) đang nỗ lực tận dụng lợi thế để từng bước khai thác, phát triển bền vững những tiềm năng du lịch gắn với với bảo tồn, gìn giữ các giá trị lịch sử, chiến tranh cách mạng.

 

Quảng Trị: Những cái giếng cổ kỳ lạ hàng ngàn năm chưa bao giờ cạn ở vùng đất đầy nắng gió - Ảnh 1.

Hệ thống giếng cổ xã Gio An, huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị) được nhiều du khách đến tham quan, khám phá - Ảnh: HT

 Nằm trên trục đường thiên lý Bắc Nam, cụm di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải níu chân du khách trong rưng rưng câu hò“Dòng Bến Hải chảy xuôi về biển, cầu Hiền Lương làm giới tuyến tạm thời…”. 

Đứng trên cầu Hiền Lương lịch sử, nhìn về bờ Nam sông Bến Hải, nằm sát vĩ tuyến 17 là xã Trung Hải, huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị). 

Nơi đây năm xưa từng là điểm đầu giới tuyến miền Nam, là những hàng thép gai lũy chiến, lô cốt, nay được phủ lên một màu xanh của đồng lúa. 

Trong ngôi nhà nhỏ bình dị của nữ anh hùng Hoàng Thị Chẩm, người 9 lần được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, trong đó có 7 lần là Dũng sĩ bắn tỉa, cũng là một trong 4 người xông lên cắm lá cờ giải phóng đầu tiên trên căn cứ Dốc Miếu vào năm 1972 ở thôn Xuân Long, xã Trung Hải, chúng tôi được nghe bà kể nhiều về những ký ức oai hùng, bi tráng trên mảnh đất Gio Linh từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước và cả những ngày tháng quê hương hoàn toàn được giải phóng, người dân trở về cùng chung sức, đồng lòng khai hoang, phục hóa, bắt tay vào xây dựng, kiến thiết lại quê hương. 

Trong những câu chuyện mộc mạc, cảm động ấy, đôi mắt của người du kích năm xưa ánh lên niềm tự hào bởi trong suốt chiều dài cuộc chiến khốc liệt, quân và dân Gio Linh dường như đã hóa thép, người trước ngã xuống, thế hệ sau tiếp bước đứng lên, để 48 năm sau ngày giải phóng, bằng sự nỗ lực của người dân, sự vào cuộc quyết liệt của Đảng bộ, chínhquyền địa phương, vùng đất từng là vành đai trắng năm xưa đang hồi sinh mạnh mẽ từng ngày.

 Tiếp tục hành trình đến thăm các cứ điểm Cồn Tiên - Dốc Miếu, nơi từng là “mắt thần” của hàng rào điện tử McNamara, rồi đi dọc lên các xã miền Tây Gio Linh, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi sự đổi thay của vùng đất một thời từng bị đạn bom, chất độc hóa học cày xới. 

Hình ảnh nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang, kiên cố; đường làng, ngõ xóm được trải nhựa, bê tông hóa; cùng với đó là màu xanh của những cánh rừng trồng, của cây cao su đã cho những dòng nhựa trắng… là minh chứng cho sự hồi sinh mãnh liệt của những vùng quê cách mạng. 

Những năm gần đây, miền Tây Gio Linh còn được nhắc đến trên “bản đồ du lịch” tỉnh Quảng Trị bởi cảnh quan thiên nhiên đẹp, với những thảm rau liệt trồng trên đá và hệ thống giếng cổ… có sức thu hút đối với du khách gần xa.

Hệ thống giếng cổ này cơ bản được chia thành 3 loại: Giếng được xây dựng dựa trên mặt bằng, độ chênh nhau của sườn đồi và nguồn nước cần khai thác. 

Mỗi loại giếng mang một nét độc đáo riêng, song tất cả đều có chung một đặc điểm là hàng ngàn năm qua, nguồn nước vẫn luôn trong mát và chưa bao giờ cạn, được dùng cho sinh hoạt và tưới mát đồng ruộng. 

Theo đó, hệ thống “dẫn thủy nhập điền” ở xã Gio An, biểu trưng sâu sắc cho nền văn hóa Chăm Pa vốn rất phong phú và đa dạng đã được Bộ VH - TT&DL công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 2001 và đang được xem xét đệ trình hồ sơ lên UNESCO công nhận là “Di sản Lịch sử - Văn hóa thế giới”. 

Từ những lợi thế đặc trưng đó, một số địa phương như các xã Gio An, Gio Bình (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) đã bước đầu xây dựng mô hình du lịch sinh thái để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương.

 Bên cạnh những di tích lịch sử gắn liền với cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc, mảnh đất Gio Linh còn được hình thành lặng lẽ và lâu dài, từ sâu bên trong những xóm làng bình yên và trù phú; từ những phong tục, tập quán, lễ hội, kiến trúc, nét ẩm thực lâu đời được gìn giữ qua nhiều thế hệ. 

Nổi bật hơn cả có thể kể đến đình làng Mai Xá, thuộc xã Gio Mai, huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị) nằm trong tổng thể các di tích lịch sử - văn hóa gồm đình, chợ, bến đò, khe rạch, rừng nguyên sinh… tất cả sự độc đáo có một không hai này tạo nên một bức tranh phong cảnh hữu tình làm say mê du khách gần xa. 

Bên canh đó, đình làng Mai Xá đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vì nơi đây là chứng nhân thầm lặng của rất nhiều biến cố thăng trầm trong lịch sử. Tại sân đình này, người dân làng Mai Xá đã hưởng ứng lễ truy điệu nhà cách mạng Phan Chu Trinh, cũng như phong trào đòi ân xá cho nhà cách mạng Phan Bội Châu. 

Đình làng cũng đã từng là trụ sở bí mật của Tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Chi bộ Đảng đầu tiên của làng Mai Xá Chánh cũng được thành lập tại đây và tổ chức phát động khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám. Trong chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, đình làng trở thành căn cứ, là “tổng kho” của mặt trận Quảng Trị…

Mảnh đất Gio Linh, nơi hội tụ và lưu giữ đầy đủ các giá trị lịch sử, văn hóa, các điều kiện tự nhiên để sớm trở thành một “miền di sản” đặc sắc. Đó là nguồn lực, nguồn tài nguyên đặc biệt có giá trị để tạo “sức bật” trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương Gio Linh (tỉnh Quảng Trị) ngày một xứng danh mảnh đất anh hùng.


Thu Hạ (Báo Quảng Trị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem