Quốc gia nhỏ bé nín thở trước nguy cơ chiến tranh Trung-Ấn

Đăng Nguyễn - New York Times Thứ tư, ngày 16/08/2017 14:55 PM (GMT+7)
Vương quốc Bhutan nhỏ bé phụ thuộc hoàn toàn vào Ấn Độ trong việc bảo đảm an ninh lãnh thổ trong bối cảnh căng thẳng Trung-Ấn leo thang.
Bình luận 0

img

Trụ sở quân đội Ấn Độ ở Bhutan, gần điểm nóng tranh chấp với Trung Quốc.

Theo New York Times, căn cứ quân sự của Ấn Độ ở Bhutan chỉ cách điểm nóng tranh chấp lãnh thổ Trung-Ấn khoảng 20km.

Hồi tháng 6, Trung Quốc bắt đầu xây dựng đường sá ở khu vực tranh chấp và Ấn Độ huy động binh sĩ đến ngăn chặn. Hành động này đã bùng phát thành căng thẳng Trung-Ấn kéo dài đã hơn 50 ngày qua.

Đứng giữa hai quốc gia hạt nhân đang sẵn sàng cho chiến tranh là Vương quốc Bhutan. Quốc gia nhỏ bé vùng núi có số dân chỉ 800.000 người. Nhiều người không biết Bhutan ở đâu nhưng đều nghe kể câu chuyện về quốc gia hạnh phúc nhất thế giới này.

Ấn Độ nói can thiệp vào tranh chấp biên giới theo đề nghị của Bhutan. Nhưng hành động này lại không nhận được lòng biết ơn từ người Bhutan. Nhiều người dân địa phương cảm thấy ngột ngạt về cách Ấn Độ bảo vệ nước này.

“Nếu chiến tranh Trung-Ấn nổ ra, chúng tôi sẽ trở thành miếng thịt kẹp giữa bánh sandwich”, Pema Gyamtsho, nhà lãnh đạo đảng đối lập ở Quốc hội Bhutan nói.

Cách đây 50 năm, người Bhutan tận mắt nhìn thấy Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát Tây Tạng, vùng đất có quan hệ sắc tộc, tôn giáo và văn hóa với vương quốc nhỏ bé này.

Ấn Độ chủ động đề nghị bảo vệ vương quốc và Bhutan không ngần ngại nói lời đồng ý. Nhưng trong bối cảnh căng thẳng leo thang, nhiều người Bhutan cảm thấy Ấn Độ trở thành rào cản để nước này mở rộng quan hệ ngoại giao và thương mại với Trung Quốc.

img

Người Ấn Độ giúp mở rộng mạng lưới đường sá ở Bhutan.

“Bhutan có quyền lên tiếng về cách sống và cách mở rộng mối quan hệ quốc tế”, Wangcha Sangey, người đứng đầu phòng Thương mại và Công nghiệp Bhutan nói.

Theo New York Times, dường như Ấn Độ đã vội đưa quân vào đối đầu với Trung Quốc hồi tháng 6 mà chưa có sự đồng ý của Bhutan. Bhutan phản đối hành động xây dựng của Trung Quốc nhưng nước này lại né tránh nhắc đến việc nhờ Ấn Độ can thiệp.

Ở Haa, một ngôi làng nhỏ gần điểm nóng tranh chấp lãnh thổ, căng thẳng Trung-Ấn giống như những tia sét cảnh báo một cơn bão sắp đến, dù đáng lo ngại nhưng cũng không đến mức nghiêm trọng.

Một người dân ở Haa nói đã nhìn thấy lính Trung Quốc xây hào dọc biên giới khi ông đi chăn thả gia súc. Chính quyền Bhutan sau đó đã cấm người dân đến gần.

Điều này đã khiến cuộc sống của cộng đồng người Bhutan bị đảo lộn. Họ không thể qua biên giới buôn bán tại một ngôi làng khác ở Tây Tạng.

Trong nhiều năm, các thương nhân Bhutan đem đến Tây Tạng nhiều loại thuốc quý và dược liệu. Đổi lại, họ đem về quê hương đồ điện tử, thảm, vải và quần áo.

img

Ông Pema Gyamtsho nói Bhutan không nên phải lựa chọn giữa Trung Quốc hoặc Ấn Độ.

Đối với một quốc gia có mức GDP bình quân đầu người là 2.751 USD (số liệu năm 2016), thương mại đóng vai trò sống còn.

Nima Dorji, chủ cửa hàng ở Haa nói rằng ông đã không nhận được nguồn hàng kể từ khi tuyến đường biên giới đóng lại. Ông Dorji lo ngại rằng mình sẽ phải tìm nơi khác để kiếm hàng hóa. “Chúng tôi không muốn nói nhiều về vấn đề này. Điều đó rất nhạy cảm”.

Giới chức Bhutan tỏ ra thận trọng khi không nói bất cứ điều gì có thể làm tổn hại đến Trung Quốc hoặc Ấn Độ. Truyền thông Bhutan không đưa bất kỳ một thông tin nào về căng thẳng biên giới.

Bhutan hiện có 4 khu vực biên giới tranh chấp với Trung Quốc. Hai khu vực ở phía bắc và 2 ở phía tây, bao gồm cả cao nguyên Doklam. Năm 1998, Trung Quốc đã đề xuất nhường khu vực phía Bắc cho Bhutan để đổi lấy hai vùng đất ở phía tây.

Bhutan về cơ bản đã đồng ý nhưng hai nước chưa từng ký thỏa thuận xác nhận. Trong bối cảnh căng thẳng leo thang, rất khó để Bhutan ký được hiệp ước với Trung Quốc.

Kể từ khi ký hiệp ước với Ấn Độ năm 1949. Bhutan phụ thuộc hoàn toàn vào New Delhi trong việc bảo vệ lãnh thổ. Ngày nay, Ấn Độ huấn luyện và trả lương cho binh sĩ Bhutan trong khi lực lượng công binh xây dựng nhiều đường sá ở Bhutan. Số lượng binh sĩ Ấn Độ hiện diện ở Bhutan chưa bao giờ được tiết lộ.

img

Sỹ quan Ấn Độ giám sát hoạt động của công nhân ở Bhutan.

Lập trường của Bhutan dường như đã thay đổi khi tân vương Bhutan lên nắm quyền vào năm 2006. Dưới sự lãnh đạo của vị vua trẻ, Bhutan bắt đầu mở cửa hơn với Trung Quốc.

Một trong những lý do chính khiến Bhutan hướng đến Trung Quốc là bởi tiền bạc. Không chỉ kinh tế, du lịch cũng là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất ở quốc gia nhỏ bé này.

Người Ấn Độ đến Bhutan không cần visa, nhưng người Trung Quốc thì phải trả 250 USD một ngày, bao gồm cả chi phí du lịch. Lần đầu tiên trong lịch sử vào năm ngoái, khách du lịch Trung Quốc đến Bhutan còn nhiều hơn bất cứ khách du lịch từ nước nào khác, ngoại trừ Ấn Độ.

Pema Tashi, một người kinh doanh du lịch, phục vụ khách Trung Quốc phàn nàn rằng, không có chuyến bay trực tiếp từ Bhutan đến Trung Quốc. Ông Tashi nghi ngờ vai trò của Ấn Độ trong việc ngăn Bhutan bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc.

“Chúng tôi cố gắng đảm bảo lợi ích của người anh trai lớn”, ông Tashi nói, ám chỉ Ấn Độ. “Nhưng người anh trai lo ngại rằng, chúng tôi sẽ thay đổi nếu tiếp xúc gần gũi hơn với Trung Quốc”.

Lính Trung Quốc vượt biên giới, ẩu đả với quân Ấn Độ

Binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ ẩu đả với nhau ở khu vực phía tây dãy Himalaya, dấy lên nguy cơ về một cuộc chiến tranh...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem