Quốc hội bàn dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi): Đừng để dân cầm đơn đi loanh quanh...

Ngọc Lương Thứ ba, ngày 16/06/2015 06:25 AM (GMT+7)
Ngày 15.6, Quốc hội thảo luận ở hội trường để cho ý kiến về dự thảo Bộ luật tố dụng dân sự (sửa đổi). Một trong những quy định mới được dư luận quan tâm là Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự, vì lý do chưa có điều luật áp dụng... đã được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho ý kiến. 
Bình luận 0

Khắc phục bất cập lớn

ĐB Phạm Văn Hà (đoàn Nghệ An) cho biết, qua hoạt động thực tiễn tại ngành tòa án nên ông nên có điều kiện tiếp xúc với dân. Lâu nay người dân cầm đơn yêu cầu tòa án giải quyết, tòa án lấy lý do không có điều luật vì thế không giải quyết và người dân tiếp tục cầm đơn đến các cơ quan hành chính nhà nước cũng không được, lên trung ương cũng không xong, người dân đi loanh quanh dẫn đến mỏi mệt nên sinh ra lắm chuyện. "Tôi thấy bổ sung quy định tòa án không được từ chối giải quyết yêu cầu dân sự vì lý do không có điều luật để áp dụng là cần thiết để thể chế hóa quy định của Hiến pháp về tòa án thực hiện quyền tư pháp. Vì sao lại giao cho tòa án? Bởi tòa án là cơ quan tư pháp có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ quyền công dân..." ĐB Hà nêu quan điểm.

img
Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho rằng “chưa có luật là lỗi của Nhà nước nên nhà nước phải dành lấy phần khó khăn...”.  Ảnh: Ý Như

Theo ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) thì quy định trên nhằm khắc phục một bất cập rất lớn trong thực tiễn xét xử các vụ án dân sự hiện nay. Tuy nhiên khi không có điều luật quy định để giải quyết vụ việc tòa án phải dựa vào án lệ và tập quán pháp. "Tôi đề nghị Ban soạn thảo nên nghiên cứu kỹ, quy định thật rõ hơn về án lệ và đề nghị thêm tập quán pháp" - ĐB Hùng đề nghị.

ĐB Nguyễn Trọng Trường (Bắc Ninh) đề xuất, khi chưa có điều luật cụ thể để áp dụng đối với những vụ việc đơn giản, tòa án có thể áp dụng tinh thần của Hiến pháp, tập quán, áp dụng nguyên tắc chung của luật, áp dụng nguyên tắc tương tự của luật và lẽ công bằng để giải quyết vụ án. Đối với những vụ việc phức tạp mà tòa án không thể giải quyết ngay thì có thể kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Tập quán nào được lựa chọn?

Quan điểm

Chánh án Trương Hòa Bình
 Nhà nước ta nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân nên phải bảo vệ những quyền lợi chính đáng cho người dân. Khi chưa có luật là lỗi của nhà nước nên nhà nước phải dành lấy phần khó khăn chứ không được đẩy khó khăn cho người dân. 

Cũng có quan điểm ủng hộ quy định yòa án không được quyền từ chối giải quyết vụ việc dân sự, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng cần giải thích rõ mấy ý: "Tập quán là gì? Những tập quán nào chúng ta được lựa chọn? Trong Luật Hôn nhân và Gia đình trước đây giao cho Hội đồng nhân dân các cấp quy định những tập quán được công nhận, nhưng không tỉnh nào làm được, bởi vì rất nhiều dân tộc khác nhau. Vừa rồi chúng ta sửa lại là giao cho Chính phủ quy định và hiện nay Chính phủ chưa quy định được, cho nên bây giờ Chính phủ phải có trách nhiệm thống kê lại toàn bộ những tập quán nào được chấp nhận và tập quán nào không được chấp nhận để làm căn cứ cho tòa án xử thuận lợi" - ĐB Thuyền nói.

Với tư cách là Trưởng ban soạn thảo của dự luật, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình đã lý giải thêm trước Quốc hội: Cơ sở để đặt ra quy định tòa án không được quyền từ chối giải quyết vụ việc vì lý do chưa có luật áp dụng, bởi vì nhà nước ta nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân nên phải bảo vệ những quyền lợi chính đáng cho người dân. Khi chưa có luật là lỗi của nhà nước nên nhà nước phải dành lấy phần khó khăn chứ không được đẩy khó khăn cho người dân" - Chánh án Trương Hòa Bình bày tỏ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem