Bộ trưởng KH-CN: "Đề tài đi trước thời đại nên phải xếp ngăn kéo"

Lương Kết Thứ sáu, ngày 12/06/2015 10:53 AM (GMT+7)
"Có một số loại đề tài nghiên cứu xong xếp ngăn kéo thực sự. Bởi nó được nghiên cứu không phải xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp, của nền kinh tế" - Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ (KH-CN) Nguyễn Quân đã nói như vậy khi trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 12.6.
Bình luận 0

img
Bộ trưởng Nguyễn Quân đang trả lời chất vấn. Ảnh: Tuổi Trẻ
Sáng 12.6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn với Bộ trưởng KH-CN Nguyễn Quân.

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) chất vấn: "Mỗi năm ngân sách nhà nước dùng 1.300 tỷ đồng cho nghiên cứu các đề tài khoa học công nghệ, tuy nhiên nhiều đề tài nghiên cứu xong xếp ngăn kéo, tính ứng dụng thấp nên lãng phí, đầu tư dàn trải, chưa công khai. Nguyên nhân và trách nhiệm của Bộ KH-CN để khắc phục tình trạng này?".

Bộ trưởng Nguyễn Quân trong phần trả lời chất vấn đã đính chính, hằng năm không phải chỉ có 1.300 tỷ đồng cho hoạt động nghiên cứu, mà là trên dưới 3.000 tỷ đồng dành cho hoạt động này.

Trả lời câu hỏi về những đề tài nghiên cứu xong phải xếp ngăn kéo, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, các đề tài xếp ngăn kéo có 3 loại. "Nghiên cứu cơ bản, rồi cơ bản là xếp ngăn kéo, bởi nó là đề tài đi trước thời đại nên nó phải nằm trong ngăn kéo để chờ trình độ phát triển của xã hội đến một mức độ nhất định nó mới ứng dụng được" - Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng Bộ KH-CN đã lấy dẫn chứng là chất bản dẫn được người Mỹ phát minh ra từ đầu thập niên 50 của thế kỷ XX, nhưng phải nằm ngăn kép đến thập niên 60 của thế kỷ này khi người Nhật mua sáng chế đó thì mới thành sản phẩm hàng hóa. Đến nay, mỗi năm nó đóng góp cho thế giới hơn 20 nghìn tỷ USD.

Loại đề tài thứ hai là loại nghiên cứu ứng dụng, nhưng để trở thành sản phẩm hàng hóa ứng dụng kèm theo thì nó phải có điều kiện về đầu tư.

"Rất nhiều đề tài nghiên cứu thành công nhưng không tìm được nguồn đầu tư, trong ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ cho giai đoạn nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm. Muốn trở thành sản phẩm được thương mại hóa thì phải có đầu tư từ doanh nghiệp. Thế nhưng doanh nghiệp của chúng ta chủ yếu là loại nhỏ và siêu nhỏ chưa đủ năng lực đầu tư, nên nhiều kết quả nghiên cứu tốt vẫn phải chờ cơ hội" - Bộ trưởng Bộ KH-CN lý giải.

Bộ trưởng Quân cũng thừa nhận có một số loại đề tài nghiên cứu xong xếp ngăn kéo thực sự. Bởi nó được nghiên cứu không phải xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp, của nền kinh tế, nó được nghiên cứu theo sở thích của những người làm khoa học.

"Tuy nhiên đây cũng là việc tốt, những người làm khoa học có ý tưởng, có mong muốn được nghiên cứu. Chỉ có điều họ không nghiên cứu xuất phát từ thực tiễn, từ đòi hỏi của sản xuất kinh doanh nên khi nghiên cứu xong thì không ứng dụng được" - Bộ trưởng Quân cho biết.

Theo Bộ trưởng Quân, Luật Khoa học Công nghệ năm 2013 đã có những nội dung tốt nhằm giải quyết tình trạng này. "Luật quy định từ nay trở đi, những nhiệm vụ nghiên cứu khoa học mà sử dụng ngân sách nhà nước phải là nhiệm vụ từ đặt hàng, nghĩa là xuất phát từ nhu cầu của sản xuất và kinh doanh, từ cuộc sống chứ không phải từ ý thích từ những nhà khoa học" - Bộ trưởng Bộ KH-CN khẳng định.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem