Nhân tố bí ẩn (X-factor) đang là chương trình khiến nhiều người chú ý khi những căng thẳng giữa 4 vị Huấn luyện viên (HLV) bùng nổ trong tập thi diễn ra vào chủ nhật vừa qua (27.7).
Trong 4 vị HLV, Thanh Lam bị chú ý đặc biệt bởi cô đã "mắng" Hồ Quỳnh Hương là "láo" ngay khi 2 người đang nhận xét tiết mục của thí sinh Minh Thư.
Hồ Quỳnh Hương "sượng mặt" vì bị Thanh Lam mắng là "láo" trên ghế nóng.
Hành động của Thanh Lam khiến Hồ Quỳnh Hương rất sượng sùng trước hàng trăm khán giả, thí sinh,... Diva của làng nhạc Việt cũng nhận phải nhiều "gạch đá" từ cư dân mạng về việc ăn nói thiếu tiết chế trên ghế nóng.
Nhạc sĩ Quốc Trung có những chia sẻ về scandal của vợ cũ. Đồng thời anh, cũng trải lòng về thực trạng của các chương trình truyền hình thực tế và một số dự án âm nhạc mới.
Thanh Lam sẵn sàng chấp nhận hậu quả
- Tập X-factor vừa qua, ca sĩ Thanh Lam đang bị “ném đá” bị về việc “mắng” Hồ Quỳnh Hương trên ghế nóng. Nhiều người nhận định, diva chưa biết tiết chế khi đảm nhiệm vị trí quan trọng trong cuộc thi lớn, không giữ thể hiện cho đàn em, anh nghĩ sao về lùm xùm của vợ cũ?
Tôi không xem chương trình X-Factor và cũng không có ý định tìm hiểu về chuyện này. Tôi đã dự đoán trước về những lùm xùm xảy đến và đã cảnh báo Thanh Lam khi cô ấy hỏi ý kiến tôi về việc có nên tham gia X-factor hay không. Với cá tính của Thanh Lam và nội dung của chương trình, tôi thấy những lùm xùm đó chẳng có gì ngạc nhiên.
Người mời Thanh Lam tham gia phải biết rõ về cô ý và phải chấp nhận cá tính đó. Chỉ có điều, tôi không biết Thanh Lam có biết rõ về “cá tính” của chương trình khi nhận lời ngồi ghế nóng hay không.
- Nhiều người cho rằng đây có thể là chiêu trò để hâm nóng một mùa X-factor khá nhạt như năm nay, anh nghĩ sao?
Tôi không xem hay "nếm" nên cũng không rõ nó nhạt hay không, nhưng “gia vị, mắm muối, ớt tỏi" là điều không thể thiếu trong những chương trình truyền hình thực tế, vì người xem thích thế mà.
- Vốn là người đã sống cùng Thanh Lam khá lâu, anh thấy thế nào về sự thẳng thắn của vợ cũ mình trên ghế nóng?
Thanh Lam có niềm tin về triết lý sống của mình và dường như sẵn sàng chấp nhận mọi hậu quả của nó. Theo tôi, điều đó hơi lãng phí năng lượng và thời gian.
- Sau Giọng hát Việt 2013, không thấy anh ngồi ghế nóng chương trình nào khác, hình như anh thấy mình không làm tốt trong mùa thi năm ấy nên quyết định từ chối những lời mời sau này?
Tôi không còn hứng thú với những chương trình đó. Còn để đánh giá chỉ bằng kết quả thì tôi đã không tham gia ngay từ đầu rồi.
Quốc Trung đã cảnh báo Thanh Lam về những scandal khi tham gia X-factor.
- Thực tế cho thấy, những chương trình truyền hình thực tế, cuộc thi âm nhạc bây giờ đều được sắp xếp theo kịch bản sao cho thật nhiều scandal, kịch tính để “câu” người xem. Mà chiêu trò như thế, có vẻ không hợp với những người như anh?
Nếu nghĩ như vậy và bạn cũng biết tôi không còn hứng thú thì chúng ta nói về nó làm gì? Câu hỏi cần đặt ra là nếu vậy thì tại sao nó vẫn diễn ra trên tất cả các kênh truyền hình hàng ngày. Nghệ thuật là ánh trăng lừa dối, mà trăng ở Việt Nam thì ngày nào cũng sáng.
Mạng xã hội là nơi ném đá, khoe khoang hiểu biết
- Trong nền âm nhạc bị ảnh hưởng quá nhiều bởi đời sống số, mạng xã hội, internet như hiện nay, theo anh sự đào thải, cạnh tranh có thay đổi gì không và khán giả được lợi, hại gì từ nó?
Nếu có cạnh tranh lành mạnh và đào thải khốc liệt như phương Tây thì nền âm nhạc của chúng ta đã phát triển, mọi nghệ sĩ sáng tạo sẽ có sức ép phải làm ra những sản phẩm độc đáo và chất lượng nhất.
Trong khi đó, ở chúng ta thì mạng xã hội là nơi để ném đá và khoe khoang sự hiểu biết. Còn đời sống số là một cái chợ bán toàn đồ" chôm" thì khán giả sẽ chỉ nhận được những sản phẩm hời hợt vậy thôi.
- Thị trường âm nhạc Hà Nội vốn ảm đạm. Nhiều người hi vọng những nhạc sĩ, nhà sản xuất như anh có thể khắc phục được thực trạng này. Nhưng quả thật, nhiều năm qua, sự phát triển ngoài Bắc về âm nhạc - giải trí chưa đạt tới mức như nhiều người kì vọng. Anh lí giải điều này như thế nào?
Trái ngược với ý kiến của bạn, tôi thấy thị trường ngoài Bắc đang phát triển theo hướng đúng đắn tuy còn chậm hơn trong Nam nhiều. Trong Nam, ngoài những show truyền hình thực tế mà đa số đều có yếu tố hài, dường như không có mấy chương trình âm nhạc được sản xuất ngoài một số sự kiện của các nhãn hàng. Bạn thử làm tổng kết mà xem.Tôi tin là tỷ số nghiêng nhiều về ngoài Bắc đấy.
Khó khăn lớn nhất của những nhà sản xuất không chỉ riêng trong lĩnh vực âm nhạc hay giải trí là cần phải có kế hoạch lâu dài và phát triển bền vững. Cũng chưa có một chính sách nào hỗ trợ hay thúc đẩy để phát triển, người ta có khi còn sợ nó phát triển hoặc thấy thế là đủ rồi.
Sự quan tâm đến văn hoá nói chung và âm nhạc nói riêng luôn là sự quan tâm cuối cùng trong các sự lựa chọn. Có những người chỉ đi xem ca nhạc nếu ở đó có cơ hội được lên báo hoặc là điểm trang trí làm màu cho đẳng cấp của mình. Thậm chí, nhiều người chỉ đến xem khi một cuộc nhậu bị huỷ bỏ thôi.
"Nghệ thuật là ánh trăng lừa dối mà trăng ở Việt Nam thì lúc nào cũng sáng".
- Anh mới nhận lời làm tổng đạo điễn cho lễ hội âm nhạc Cocofest. Với con số đầu tư 1 triệu USD, nhiều người nghi ngờ về khả năng hoàn vốn của nó, chứ đừng nói đến chuyện có lãi. Mà "kết cục" đã được đoán trước như vậy, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của anh?
Đây là 1 dự án xã hội hoá 100% nhằm đem đến một sản phẩm văn hoá cho thành phố Đà Nẵng. Chúng tôi có bán vé để tạo thói quen thưởng thức nghệ thuật một cách văn minh và toàn bộ nguồn thu này cũng được dùng để nâng cao chất lượng cho chương trình chứ không phải là thu hồi vốn.
- Đầu tư hơn 20 tỷ nhưng tại sao sự kiện này không thể mời được những ngôi sao lớn tầm cỡ thế giới? Có người bảo nhà sản xuất chương trình đang nói “vống” lên để khoa trương thanh thế?
Con số 1 triệu USD là chính xác nhưng do không đủ thời gian khi mọi ngôi sao ca nhạc đều có lịch làm việc trước 1 năm. Ngoài ra, toàn bộ thiết bị âm thanh, ánh sáng đủ tiêu chuẩn quốc tế, các hạng mục khác đều phải vận chuyển từ Hà Nội vào nên chi phí sản xuất cũng khá cao.
- Cảm ơn anh về những chia sẻ!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.