Quỹ đầu tư châu Âu định giá 320 triệu USD cho công ty của "vua tiêu" Phúc Sinh

Minh Huệ (thực hiện) Thứ tư, ngày 10/01/2024 20:52 PM (GMT+7)
Ông Phan Minh Thông - Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh vừa tiết lộ, doanh nghiệp đã được một quỹ đầu tư đến từ châu Âu định giá 320 triệu USD (tương đương hơn 7.600 tỷ đồng).
Bình luận 0

Danh tính nhà đầu tư châu Âu chưa được Công ty CP Phúc Sinh tiết lộ, nhưng trao đổi với PV Dân Việt, "vua tiêu" Phan Minh Thông khẳng định, việc đạt được thỏa thuận này đã góp phần khẳng định giá trị thương hiệu doanh nghiệp và đánh dấu bước ngoặt lớn cho sự phát triển của doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam nói chung và Phúc Sinh nói riêng. 

Quỹ đầu tư châu Âu định giá 320 triệu USD cho công ty của "vua tiêu" Phúc Sinh- Ảnh 1.

Ông Phan Minh Thông - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phúc Sinh. Ảnh: T.L

Vì sao sau hơn 20 năm kinh doanh và đã trở thành 1 tập đoàn xuất khẩu nông sản hàng đầu với doanh thu 6.000-7.000 tỉ đồng, đến thời điểm này Phúc Sinh lại quyết định nhận đầu tư từ nước ngoài? Ông đặt mục tiêu, tham vọng gì từ việc hợp tác đầu tư này? 

- Tôi muốn chia sẻ với bạn câu chuyện này, đó là trong nông nghiệp, Phúc Sinh làm rất nhiều lĩnh vực, ngành hàng từ hạt tiêu, cà phê, hạt điều, quế… Chúng tôi đã vượt ra khỏi những giới hạn ban đầu và từ một công ty tư nhân, đã phát triển ngày càng mạnh mẽ. 

Trong khoảng 13 năm trở lại đây, có không ít công ty tài chính, ngân hàng đến tìm hiểu và muốn đầu tư vào Phúc Sinh, nhưng lúc đó chúng tôi chưa ưng ý với các quỹ lắm, chủ yếu do cảm thấy chưa phù hợp.

Nhưng gần đây, chúng tôi đã gặp được đối tác rất phù hợp và tôi nhận thấy một điều rất khích lệ khi trao đổi với họ. Họ nói rằng, các công ty nông nghiệp ở Việt Nam chưa được đánh giá và đầu tư xứng tầm, thực sự bị đánh giá "rẻ" hơn so với các công ty cùng lĩnh vực của Thái Lan, Indonesia, hay Philippines… Các công ty nông nghiệp ở những nước này, được đánh giá rất cao. Việt Nam là "vựa" nông sản của thế giới nhưng lại không được quan tâm nhiều vì ít quan tâm xây dựng thương hiệu.

Thứ 2, khi làm việc với quỹ đầu tư châu Âu, họ đánh giá Phúc Sinh trị giá khoảng hơn 300 triệu USD. Tôi cảm thấy rất hài lòng.

Quỹ đầu tư châu Âu định giá 320 triệu USD cho công ty của "vua tiêu" Phúc Sinh- Ảnh 2.

Dây chuyền đóng gói sản phẩm tại Công ty Cổ phần Phúc Sinh.

Việc mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường và mặt hàng kinh doanh thường đi liền với việc tăng chi phí, khó kiểm soát chất lượng đầu vào và đầu ra. Phúc Sinh sẽ làm gì để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, phát triển bền vững, sản xuất xanh, thưa ông? 

- Từ lâu, Phúc Sinh đã dành ngân sách hàng tỷ đồng để xây dựng hệ thống phần mềm, hệ thống chuyển đổi số, quản trị bền vững và chúng tôi luôn update (cập nhật) các hệ thống đó phù hợp với hiện tại. Thế giới ngày càng khó khăn, và chúng tôi tìm cách khắc phục, cải tiến để quản trị tốt. 

Thứ hai, hệ thống khách hàng của chúng tôi rất đa dạng, với 102 khách hàng trên thế giới. Thứ ba, chúng tôi luôn nỗ lực cố gắng trong việc quản trị, cải tiến sản xuất kinh doanh để phù hợp với xu hướng và nhu cầu thế giới. Thế giới của chúng ta luôn thay đổi, và việc Phúc Sinh đầu tư không ngừng trong vòng hơn 10 năm qua đã đem lại kết quả, giúp doanh nghiệp không ngừng phát triển.

Tôi tin tưởng với sự hợp tác đầu tư mới mẻ này, Phúc Sinh sẽ trở thành một doanh nghiệp khác biệt trong tương lai. 

Sau 22 năm, chúng tôi thấy rằng Phúc Sinh thực hiện rất tốt vấn đề phát triển bền vững với các chứng nhận uy tín của quốc tế, hệ thống ESG (quản trị về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp)... Chúng tôi cho rằng, với những kinh nghiệm, kiến thức đó, nếu có đầu tư tốt thì Phúc Sinh sẽ có bước phát triển nhảy vọt lên tầm cao hơn. Và đó là lí do chúng tôi quyết định nhận đầu tư từ nước ngoài.

Quỹ đầu tư châu Âu định giá 320 triệu USD cho công ty của "vua tiêu" Phúc Sinh- Ảnh 3.

Lô hàng cà phê K COFFEE chuẩn bị đưa đi xuất khẩu. Ảnh: H.Y

Lâu nay chúng ta hay nói tới chuyện liên kết chuỗi giá trị, nhưng hầu như việc này còn khá hình thức và chủ yếu liên kết với các tác nhân ở thị trường trong nước. Ông có nghĩ rằng việc liên kết, bắt tay với các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài sẽ là "trend" của ngành nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới?

- Có thể nói Phúc Sinh là một trong những doanh nghiệp luôn đi đầu, dẫn dắt và đưa nó trở thành xu hướng" trong sản xuất bền vững và xuất khẩu nông sản. Việc bắt tay với nhà đầu tư nước ngoài, tôi cho rằng đây là bài học rất quý giá trong việc định giá công ty. Bởi có rất nhiều công ty nông nghiệp khi thấy  Phúc Sinh đều nhận ra một điều, năng lực của họ có thể không thua kém gì chúng tôi, và nếu cải tiến tốt hơn nữa về hình thức thì họ có thể thay đổi được định giá lên cao hơn. Đó là tín hiệu tốt, xu hướng tốt, cảm hứng tốt cho doanh nghiệp ngành nông nghiệp.

Thứ nữa, tôi cho rằng, nông nghiệp Việt Nam gần đây tăng trưởng liên tục và có những ngành hàng tăng dữ dội. Nếu có cơ hội hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài thì hãy nắm bắt lấy để tiếp tục phát triển hơn nữa. 

Ông đánh giá thế nào về tiềm năng đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam?

- Ngành nông nghiệp Việt Nam đang phát triển mạnh và cơ hội để thu hút đầu tư nước ngoài rất lớn. Đặc biệt sau đại dịch Covid-19, Việt Nam được các khách hàng thế giới quan tâm nhiều vì là thị trường cung cấp lương thực, thực phẩm cho rất nhiều nước trên thế giới. Với xu hướng này, Việt Nam sẽ trở thành "công xưởng" sản xuất chế biến sâu, phát triển bền vững. 

Đặc biệt với việc Việt Nam tham gia các Hiệp định Thương mại tự do, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ có nhiều cơ hội, ưu đãi hơn khi đầu tư vào Việt Nam. Tôi nghĩ rằng sẽ có "làn sóng" lớn đầu tư vào ngành nông nghiệp Việt Nam.

Quỹ đầu tư châu Âu định giá 320 triệu USD cho công ty của "vua tiêu" Phúc Sinh- Ảnh 4.

Dây chuyền sản xuất hạt tiêu tiệt trùng của Phúc Sinh. Ảnh: H.Y

Ra biển lớn thì sóng lớn, Phúc Sinh sẽ phòng ngừa rủi ro như thế nào? 

- Phúc Sinh đã xuất khẩu nông sản từ hơn 20 năm nay, trải qua rất nhiều chuyện trên thương trường với những phi vụ phức tạp như "chuyển khẩu" (mua hàng từ một nước, vùng lãnh thổ để bán sang một nước, vùng lãnh thổ ngoài lãnh thổ Việt Nam mà không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam)... Phúc Sinh có kinh nghiệm tham gia thương mại toàn cầu với các thị trường lớn như châu Âu, Rotterdam, New York, hay các cảng lớn ở Trung Đông như Dubai..., vì vậy chúng tôi gặp rất nhiều công ty đa quốc gia, do đó tự phải trang bị kinh nghiệm, kiến thức.

Dĩ nhiên kinh doanh phải luôn học hỏi, update những quy định mới, đầu tư các hệ thống phần mềm hiện đại... Với nền tảng tốt, Phúc Sinh tự tin khi ra thế giới kinh doanh nông sản. 

Xin cảm ơn ông! 

Theo thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam, năm 2023, Công ty Cổ phần Phúc Sinh tiếp tục giữ vững vị trí số 1 về xuất khẩu gia vị của cả nước (Phúc Sinh đã dẫn đầu kể từ năm 2007) với mức tăng trưởng chung 18% so với năm 2022. Trong đó, công ty xuất khẩu gia vị sang thị trường EU tăng mạnh lên 15,1% thị phần (năm 2022 công ty đạt thị phần 8,4%) và cũng đang dẫn đầu trong số các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm này.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem