Quy định làm khó người trồng rừng: Kẹt giữa “rừng thủ tục”

Thứ hai, ngày 04/06/2012 13:18 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Một số doanh nghiệp trồng rừng ở Quảng Ninh cho biết, họ nhìn thấy trước rất nhiều khó khăn, tốn kém khi phải thực hiện quy định tại Thông tư 01/2012 của Bộ NNPTNT.
Bình luận 0

“Chúng tôi đang gửi văn bản kiến nghị Bộ NNPTNT xem xét, sửa đổi một số điều của Thông tư 01 theo hướng giảm bớt thủ tục phức tạp, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và các các chủ rừng trồng” – ông Nguyễn Văn Bắc – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Cẩm Phả nói.

img
Ông Nguyễn Văn Bắc (phải) trao đổi với phóng viên về một số khó khăn khi thực hiện Thông tư 01.

Thông tư “điều chỉnh” quyết định Thủ tướng?

Đề xuất sửa đổi của ông Nguyễn Văn Bắc là: Đối với các sản phẩm khai thác từ rừng trồng bằng vốn tự có của tổ chức, doanh nghiệp khi khai thác và tiêu thụ, chỉ cần hóa đơn bán hàng của doanh nghiệp và bảng kê của doanh nghiệp lập ra là hợp pháp. Còn với sản phẩm khai thác từ rừng trồng của hộ gia đình chỉ cần bảng kê do gia đình lập là hợp pháp. Vì trước khi được phép khai thác, doanh nghiệp hay các hộ đã làm thủ tục xin phép và kiểm kê sản lượng theo hướng dẫn của Thông tư 35/2011.

Ông Bắc giải thích: Tại khoản b, Điều 40 Quyết định 186/2006 của Thủ tướng Chính phủ (về việc ban hành quy chế quản lý rừng) quy định: “Trường hợp rừng trồng do chủ rừng tự đầu tư, hoặc được Nhà nước hỗ trợ, chủ rừng được tự quyết định về thời gian khai thác, tự do lưu thông sản phẩm rừng trồng… Mọi hành vi gây khó khăn cản trở chủ rừng trồng trong việc khai thác, lưu thông, tiêu thụ gỗ và sản phẩm rừng trồng phải xử lý nghiêm theo pháp luật”.

Đến nay, dù một số nội dung Quyết định 186 được sửa đổi, bổ sung bằng Quyết định 34/2011 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng Điều 40 dẫn ra trên đây vẫn được giữ nguyên và còn hiệu lực, được người dân đánh giá là có tính khuyến khích và hỗ trợ người trồng rừng “thoáng” hơn so với quy định tại Thông tư 01. Quyết định của Thủ tướng cũng là văn bản có tính pháp lý cao hơn Thông tư của Bộ NNPTNT.

Lý do thứ hai mà ông Bắc đưa ra là doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất ra gỗ, nhựa thông… Đây là các sản phẩm hàng hóa thông dụng, cũng như hàng triệu chủ rừng trồng chè, cao su, cà phê, hồ tiêu. Không nên bắt họ phải có chữ ký xác nhận của cơ quan chức năng với từng chuyến xe gỗ rừng trồng mới được coi là hợp pháp.

Lo phải hủy hàng nghìn “hóa đơn đỏ”

Ông Bắc cho biết thêm: Hiện nay kiểm lâm các địa phương đang hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục theo Thông tư 01. Áp dụng các thủ tục này, công ty sẽ phải thực hiện thêm nhiều quy định rườm rà, gây tốn kém. Hiện nay, công ty ông Bắc có một cơ sở chế biến dăm gỗ xuất khẩu tại xã Cẩm Hải. Để xuất bán cho đối tác Nhật Bản, công ty phải chở dăm gỗ về cảng Cái Lân.

Ông Nguyễn Văn Bắc cho biết: “Thực hiện theo quy định của Thông tư 01, công ty sẽ phải cõng thêm một khoản chi phí (ước tính từ 15.000-20.000 đồng/m3 gỗ khai thác và dịch vụ) cho việc bố trí lao động, phương tiện đi lại để có được chữ ký của cơ quan chức năng”.

Theo điểm a, khoản 4, Điều 17 của Thông tư 01, hồ sơ lâm sản sau khi chế biến từ gỗ rừng trồng tập trung, vườn nhà, trang trại, cây trồng phân tán của tổ chức xuất ra gồm: Hóa đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính, kèm theo bảng kê lâm sản. Để xuất 20.000 tấn dăm gỗ khô (đủ 1 chuyến tàu), công ty phải huy động 1.600 chuyến ô tô, sẽ phải viết 1.600 tờ hóa đơn tài chính, chở đến cảng lại phải làm biên bản hủy hóa đơn, vì khối lượng hàng ở hóa đơn chưa được đối tác Nhật Bản chấp nhận. Chỉ sau khi đối tác kiểm tra chất lượng (mất vài ngày), mới xuất hóa đơn xuất khẩu và bảng kê lâm sản.

Cùng quan điểm với ông Bắc, ông Lê Đình Áng – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Vân Đồn cũng cho rằng: Công ty đang phải dồn quân thực hiện các thủ tục mới theo Thông tư 01, mà theo tôi là không đáng có. Để chạy đủ thủ tục, nhân viên phòng kỹ thuật của công ty đã tăng từ 3 lên 5 người. Với chỉ 8-12 xe hàng mỗi ngày, công ty phải cử hẳn 1 người chỉ chuyên chạy đi xin dấu của Hạt Kiểm lâm.

Ông Áng dẫn chứng: Năm 2011, khối lượng gỗ công ty vận chuyển là 50.000m3, mỗi xe 5m3, cần 10.000 chuyến xe. Nếu năm nay áp dụng quy định mới, khi gỗ đến tay đối tác và họ loại bỏ các sản phẩm gỗ cong, vênh... và giảm còn 4 - 4,5m3/xe, công ty có thể sẽ phải hủy và viết lại tới 10.000 hóa đơn tài chính, rất phức tạp và tốn kém.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem