Quỹ Hỗ trợ nông dân giúp nhà nông Đăk Lăk liên kết nuôi bò sinh sản
Quỹ Hỗ trợ nông dân giúp nhà nông Đăk Lăk liên kết nuôi bò sinh sản
Thu Hà
Thứ bảy, ngày 01/10/2022 06:00 AM (GMT+7)
Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), nông dân tỉnh Đắk Lắk đã liên kết xây dựng các mô hình chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác (THT), hợp tác xã, thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi bò sinh sản xã Ea Yông, huyện Krông Pắc được Hội ND hướng dẫn thành lập với 10 thành viên tham gia. Nhằm hỗ trợ tổ hội phát triển, Hội ND huyện đã giải ngân đầu tư cho vay 300 triệu đồng để các thành viên thực hiện dự án nuôi bò sinh sản.
Lãnh đạo Hội ND xã Ea Yông cho biết: Đa số các thành viên trong Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi bò thuộc thôn Cao Bằng, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Dự án nuôi bò sinh sản ở thôn Cao Bằng được chia làm 3 giai đoạn. Hiện nay, đang ở giai đoạn đầu, là bổ sung nguồn vốn, mua bò cái hậu bị; giai đoạn thứ 2, thứ 3 là chăm sóc bò sinh sản và bê con, bò trưởng thành… Dự kiến, sau 3 năm dự án hoàn thành, mỗi gia đình sẽ thu về gần 65 triệu đồng từ việc bán bò, bê, phân chuồng.
"Tôi chỉ mới nuôi bò khoảng 1 năm nay, còn rất nhiều bỡ ngỡ, nhưng nhận được sự hỗ trợ từ nguồn vốn Quỹ HTND và sự chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi các thành viên trong tổ, thôn, tôi biết cách chăm sóc theo từng giai đoạn, đảm bảo bò luôn đủ sức khỏe để có thể sinh sản tốt".
Hộ vay Đàm Thị Sinh
Là 1 trong 10 thành viên trong tổ hội được vay vốn Quỹ HTND, bà Đàm Thị Sinh cho biết: Với số vốn vay 30 triệu đồng Quỹ HTND, bà đã đầu tư mua thêm một con bò sinh sản. Đến nay, bò cái đã sinh được một con bê.
Để giúp các hội viên có thêm những kiến thức cần thiết trong việc chăm sóc và nuôi bò sinh sản, Hội ND xã Ea Yông còn chủ động phối hợp với các ngành chuyên môn tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, cách phòng trị bệnh cho bò. Nhờ vậy, đến nay dự án nuôi bò sinh sản phát triển khá tốt.
Cũng sử dụng nguồn vốn vay từ Quỹ HTND để phát triển kinh tế, nhưng THT nuôi gà xã Tân Tiến lại có sự thay đổi mục đích, sử dụng nguồn vốn phù hợp với hoàn cảnh thực tế.
Theo ông Lương Hồng Vân - Chủ tịch Hội ND xã Tân Tiến, THT nuôi gà xã Tân Tiến thành lập năm 2020, được vay 200 triệu đồng từ Quỹ HTND để phát triển nuôi gà. Tuy nhiên, sau đó chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ gà trở nên khó khăn.
Trong khi đó, theo nhu cầu thị trường thì nuôi dê, nuôi bò vỗ béo hay nuôi heo lại có hiệu quả rõ rệt. Vì vậy các tổ viên đã xin được chuyển đổi mô hình chăn nuôi phù hợp với điều kiện của từng gia đình như tận dụng đất trống để trồng cỏ nuôi bò, nhưng vẫn đảm bảo sử dụng đồng vốn vay hiệu quả.
Chị Huỳnh Thị Diệu (thôn 4A, xã Tân Tiến) cho hay, sau khi tham gia THT thì bị ảnh hưởng dịch bệnh nên hoạt động khó khăn, tuy nhiên, gia đình đã có thâm niên nuôi gà được 5 năm nên mạnh dạn sử dụng vốn hỗ trợ để mở rộng chăn nuôi.
Từ việc chỉ nuôi gà lấy thịt thông thường, chị tận dụng vườn nhà để nuôi gà thả vườn, nâng cao giá trị sản phẩm. Chị duy trì đàn gà khoảng 1.000 con, mỗi tháng thu nhập trên 10 triệu đồng.
Động lực giúp nông dân thi đua sản xuất giỏi
Giai đoạn 2017 - 2021, bình quân hằng năm, toàn tỉnh Đăk Lăk có 106.718 hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp, chiếm 55% so với tổng số hộ đăng ký thi đua, tăng 5% so với giai đoạn 2012 - 2016. Trong đó có 18.554 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số.
Bà Lại Thị Loan - Chủ tịch Hội ND tỉnh Đăk Lăk cho biết: Để hỗ trợ nông dân, các cấp Hội đã chủ động tuyên truyền, phổ biến về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào. Đồng thời, các cấp Hội tích hỗ trợ vay vốn, cây, con giống, vật tư nông nghiệp, tập huấn khoa học, kỹ thuật cho hội viên nông dân.
Cụ thể, về vốn Hội ND tỉnh đang quản lý hơn 46,7 tỷ đồng Quỹ HTND. Riêng trong năm 2021, Hội ND tỉnh Đăk Lăk đã triển khai xây dựng 51 dự án với 432 hộ tham gia với tổng nguồn vốn là 12,6 tỷ đồng Quỹ HTND.
Thông qua các dự án vay vốn Quỹ HTND, trong năm 2021, Hội ND tỉnh đã hỗ trợ xây dựng được 26 mô hình điểm. Nguồn vốn Quỹ HTND đã góp phần tạo nên các vùng sản xuất chuyên canh với quy mô lớn, hợp tác, đẩy mạnh liên kết sản xuất.
Điển hình như các mô hình liên kết sản xuất cà phê bền vững; cánh đồng mẫu lớn; trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê; nuôi cá nước ngọt; chăn nuôi bò vỗ béo... đã phát huy được điều kiện tự nhiên, thế mạnh của địa phương, giúp nông dân tăng thêm thu nhập, vươn lên làm giàu. Các mô hình này tập trung nhiều ở các huyện Cư M'gar, Krông Năng, Ea H'leo, Ea Kar và TP.Buôn Ma Thuột.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.