Một nông dân Thái Nguyên nuôi đủ thứ con, trồng đủ thứ cây mà giàu lên
Trồng đủ thứ cây, nuôi đủ thứ con, ông nông dân Thái Nguyên được khen thưởng là hộ sản xuất kinh doanh giỏi
Hà Thanh - Kiều Hải
Thứ sáu, ngày 30/09/2022 13:03 PM (GMT+7)
Qua nhiều lần chuyển đổi các loại hình nông nghiệp khác nhau đến nay ông Hoàng Khắc Hòe (xóm Phượng Hoàng, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) đang phát triển kinh tế ổn định với mô hình vườn - ao - chuồng (VAC) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ông Hoàng Khắc Hòe (xóm Phượng Hoàng, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) chia sẻ về mô hình VAC của gia đình mình (Clip: Hà Thanh).
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Hoàng Khắc Hòe (xóm Phú Thượng, xã Phượng Hoàng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) cho biết, trước đây gia đình ông chủ yếu làm ruộng, trồng lúa, nhưng lâu dần thấy hiệu quả kinh tế không cao. Do đó, gia đình ông quyết định chuyển đổi sang trồng cây ăn quả kết hợp đào ao thả cá và chăn nuôi.
Hiện nay, tổng diện tích vườn ao chuồng của gia đình ông là trên 3 mẫu với khoảng 600 cây na, 300 cây nhãn và khoảng 300 cây ổi. Bên cạnh đó, ông còn đào ao thả cá với diện tích gần 1 mẫu, kết hợp chăn nuôi gần 200 con dê và 200 con gà chọi. Trong đó, theo ông Hòe, mô hình chăn nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.
Ông Hòe cho biết, nhãn được ông trồng cách đây khoảng chục năm, trung bình mỗi cây cho sản lượng từ 30 – 40kg/cây/vụ. Về cơ bản, cây nhãn ít sâu bệnh, không mất nhiều công chăm sóc, chỉ cần phun thuốc và bón phân đầy đủ theo đúng quy trình là được.
Na được gia đình ông trồng khoảng 20 năm nay. Na phù hợp với đất ở vùng núi đá, vì sẽ bền cây. Tuy nhiên cây na thường hay bị bệnh sâu đục thân và ruồi vàng. Do đó cần chú ý hiện tượng để điều trị kịp thời.
Na sau khi thu hoạch, người trồng sẽ tỉa cành vào khoảng thời gian tháng 11 âm lịch trong năm, sau đó chờ đến tháng Giêng, tháng 2 mới bắt đầu công đoạn bón phân cho cây. Có thể tận dụng nguồn phân chuồng từ nuôi dê để bón cho các loại cây ăn quả, kết hợp bón phân NPK. Đến khoảng tháng 4, tháng 5 lại bón tiếp đợt thứ hai.
Thông thường, cây na ra hoa vào khoảng tháng Giêng, tháng 2, khi đó người trồng sẽ thụ phấn thủ công. Việc chăm sóc cây na mất nhiều thời gian hơn nhiều so với các loại cây ăn quả khác. Trung bình mỗi cây na phát triển lâu năm cho sản lượng khoảng 40 – 50kg/cây/vụ giá bán trung bình từ 20.000 – 40.000 đồng/kg.
Đối với ao cá, gia đình được ông Hòe chủ yếu nuôi các loại cá chủ yếu như rô phi đơn tính, cá trắm, cá trôi, cá mè. Đặc biệt, cá mè được ông thả một ao riêng.
Bên cạnh đó, ông Hòe còn nuôi thêm dê và gà chọi khoảng 2 năm trở lại đây. Trong đó, dê và gà vừa được xuất bán cho thương lái vừa cung cấp nguồn thực phẩm phục vụ cho nhà hàng ăn uống của gia đình ông.
Gia đình ông nuôi 2 giống dê, trong đó giống dê ta được thả trên đồi, còn một giống dê có nguồn gốc Ấn Độ được ông mua giống từ Vĩnh Phúc về được ông nuôi nhốt. Trung bình mỗi năm gia đình ông xuất bán 2 lứa dê, mỗi năm thu về 200 triệu đồng tiền lãi.
Để việc chăm sóc mô hình VAC được thuận lợi, hiện gia đình ông Hòe có 3 lao động thường xuyên. Ngoài ra, vào những lúc bận rộn, ông còn thuê thêm lao động thời vụ với mức lương 200.000 đồng/người/ngày.
Theo tính toán, trung bình mỗi năm gia đình ông Hòe thu nhập khoảng 320 – 350 triệu đồng từ mô hình vườn ao chuồng.
Ông Hoàng Văn Tài, Chi hội trưởng Chi hội nông dân xóm Phượng Hoàng cho biết, hộ gia đình ông Hoàng Khắc Hòe là một trong những hộ tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế ở địa phương.
Qua nhiều lần chuyển đổi các mô hình kinh tế nông nghiệp khác nhau, đến nay gia đình ông Hòe đang phát triển ổn định với mô hình VAC mang lại nguồn thu nhập tương đối cao, tạo việc làm cho một số lao động tại địa phương.
Vừa qua, năm 2021 hộ gia đình ông Hòe đã được UBND tỉnh Thái Nguyên tặng Bằng khen là hộ sản xuất kinh doanh giỏi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.