Quy hoạch mới Củ Chi có điểm gì đáng chú ý?

Linh San Thứ ba, ngày 19/04/2022 15:27 PM (GMT+7)
Thời gian tới, Củ Chi sẽ phát triển theo hướng đô thị sinh thái, thành phố trực thuộc TP.HCM. Địa phương cũng định hướng phát triển trung tâm logistics, xây dựng hồ cảnh quan, nông nghiệp - công nghiệp công nghệ cao.
Bình luận 0

Đưa Củ Chi lên thẳng thành phố

Củ Chi đang là huyện có tốc độ đô thị hóa và tăng dân số cơ học nhanh. Nhiều tiêu chí về kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng phát triển theo hướng đô thị đã dần đạt theo các tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc.

Tháng 3/2022, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch về xây dựng Đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP.HCM) giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, huyện Củ Chi và Cần Giờ sẽ không phải chuyển lên quận mà "lên thẳng" thành phố trực thuộc thành phố trong giai đoạn 2025 - 2030.

Về quy hoạch của địa phương trong thời gian tới, Bí thư Huyện ủy Củ Chi Nguyễn Quyết Thắng cho biết Củ Chi sẽ phát triển theo hướng đô thị sinh thái, thành phố trực thuộc TP.HCM. Củ Chi sẽ không lên quận và sẽ đối trọng với Cần Giờ là hai đô thị sinh thái.

Quy hoạch mới Củ Chi có điểm gì đáng chú ý? - Ảnh 1.

Củ Chi sẽ lên thẳng thành phố, phát triển theo hướng đô thị sinh thái. Ảnh: L.S

Bên cạnh đó, lên thành phố, Củ Chi sẽ không bỏ đất nông nghiệp. Củ Chi có nguồn lực đất đai kết hợp với nguồn lực huy động bên ngoài để phát triển theo hướng đô thị thông minh, đô thị sinh thái, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp công nghệ cao.

Bí thư Huyện ủy Củ Chi cho biết sắp tới trong xây dựng quy hoạch của huyện, sẽ đề xuất xây dựng hồ cảnh quan với quy mô từ vài chục đến 100ha. Khi có hồ, xung quanh sẽ tạo cảnh quan môi trường, trồng cây, công viên giải trí, phát triển các khu dịch vụ, thương mại, ẩm thực... để thu hút du khách.

Về việc phát triển trung tâm logistics, Bí thư Huyện ủy Củ Chi cho rằng Củ Chi cần có đường kết nối xuyên suốt từ đông sang tây, hình thành các cảng và trung tâm logistics. Trung tâm này sẽ kết nối các khu công nghiệp của Bình Dương, Tây Ninh, Long An... và tạo dịch vụ hậu cần cho thành phố.

Cảng này phải từ 100ha trở lên, chứa các dịch vụ hậu cần logistics và xung quanh sẽ quy hoạch các kho lạnh dự trữ nông sản và thực phẩm để bình ổn giá cả thị trường thành phố. Bên cạnh đó, sắp tới sẽ có nhà đầu tư đến Củ Chi để nghiên cứu hình thành trại dưỡng lão 5 sao. Khu dưỡng lão dành cho người lớn tuổi có nhu cầu sinh hoạt chung, có các dịch vụ về y tế, chăm sóc sức khỏe.

Quy hoạch mới Củ Chi có điểm gì đáng chú ý? - Ảnh 3.

Củ Chi có nguồn lực đất đai để phát triển theo hướng đô thị thông minh. Ảnh: L.S

Đánh giá về tiềm năng của Củ Chi, ông Nguyễn Thanh Nhã - Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM cho rằng địa phương trên có những đặc điểm thuận lợi quan trọng. Về trục phát triển, khu vực này nằm trên trục đường Bắc Nam kéo dài từ Trường Chinh – Cách Mạng Tháng Tám, tiếp giáp với khu vực đô thị hoá mạnh mẽ lan tỏa từ nội thành hiện hữu. Tuyến metro số 2 cũng được định hướng kéo dài tiếp từ An Sương kết nối với khu đô thị Tây Bắc, kết hợp với tuyến đường sắt quốc gia từ Củ Chi đi Tây Ninh.

Theo lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM, tại Quyết định số 24, định hướng phát triển không gian thành phố đối với khu vực huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi là theo hướng phụ phía Tây Bắc: Lấy hành lang phát triển là tuyến Quốc lộ 22 với điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, phát triển các khu đô thị mới, hiện đại đồng bộ về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đô thị. 

Về phân vùng phát triển thành phố, xác định trong địa bàn 2 huyện các vùng phát triển đô thị tại các thị trấn, vùng phát triển công nghiệp, vùng sinh thái, du lịch được phát triển dọc theo sông Sài Gòn, vùng nông nghiệp kết hợp vành đai sinh thái. Trong đó, khu đô thị Tây Bắc - nằm trên phần lớn địa bàn huyện Củ Chi và một phần huyện Hóc Môn - được định hướng là một cực tăng trưởng trọng điểm phía Bắc thành phố.

Nhà đầu tư cam kết thực hiện

Mới đây, Hội nghị Xúc tiến đầu tư Hóc Môn và Củ Chi năm 2022 đã diễn ra tại TP.HCM với sự tham dự của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Đây là hội nghị xúc tiến đầu tư lớn nhất trong cả nước kể từ sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 với các cam kết đầu tư lên đến gần 17 tỷ USD, trong đó có gần 500 triệu USD được cấp phép lần này.

Tại hội nghị, Chủ tịch nước lưu ý, các cam kết đầu tư lần này phải phù hợp với quy hoạch được phê duyệt. Đối với các quy hoạch lỗi thời, phải được xem xét bởi các chuyên gia, nhà chuyên môn, được cấp có thẩm quyền phê duyệt; phù hợp với chiến lược phát triển của thành phố và hai huyện.

Đối với các nhà đầu tư, Chủ tịch nước đề nghị "phải thực hiện đúng cam kết đầu tư, ghi nhớ đầu tư, khẳng định uy tín, nói đi đôi với làm. Sau các ký kết cam kết đầu tư, doanh nghiệp phải sớm triển khai nhanh kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư, tuân thủ pháp luận, nói không với tiêu cực, tham nhũng.

Quy hoạch mới Củ Chi có điểm gì đáng chú ý? - Ảnh 4.

Nhiều "ông lớn" cam kết đầu tư vào Củ Chi. Ảnh: H.P

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Sovico đánh giá hai huyện Hóc Môn, Củ Chi cần phát triển mạnh, trở thành một điểm đến về du lịch, văn hóa và ẩm thực. Sovico đã ký biên bản ghi nhớ xây dựng khu đô thị mới và sân golf, khu chung cư cao tầng thương mại dịch vụ, khu đô thị sinh thái, bệnh viện quốc tế… với trị giá hàng tỷ USD. Bà Thảo cam kết thực hiện khẩn trương, nghiêm túc để ngay trong năm nay khởi động một số dự án.

Đánh giá về vấn đề đầu tư, quy hoạch mới tại Củ Chi, TS Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho hay cần lưu ý đến bài toán phát triển bền vững. Đầu tư vào lĩnh vực nào, tác động ra sao cần tính đến sự ảnh hưởng đến đời sống người dân khu vực đó.

Thu hút các nhà đầu tư cần tạo môi trường đầu tư, Nhà nước cần có chính sách, các địa phương cạnh tranh nhau về môi trường đầu tư - chính sách. Ví dụ như chính sách về thuế, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận tốt hơn, nhiều nhà đầu tư cũng cần sự đồng bộ, chúng ta cần làm rõ đối tượng nào thì cần ưu đãi điều kiện gì để thu hút.

"Tất nhiên còn có vấn đề thị trường, văn hóa - xã hội. Cần tính đến vấn đề này ảnh hưởng đến nhu cầu đầu tư, ngoài vấn đề về quy hoạch, kế hoạch đã được vạch ra. Chúng ta phải trả lời được câu hỏi của các nhà đầu tư, trả lời một cách cụ thể chứ không chung chung, nhà đầu tư họ muốn đầu tư gì, nhu cầu như thế nào thì mình cố gắng đáp ứng và trả lời rõ ràng", TS Võ Kim Cương chia sẻ.

Huyện Củ Chi có diện tích 435 km2, dân số năm 2019 là 462.047 người, mật độ dân số đạt 1.063 người/km². Địa phương là cửa ngõ kết nối thành phố với các đô thị Đức Hòa (Long An), Trảng Bàng (Tây Ninh), Thủ Dầu Một (Bình Dương)...
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem