“Thảm họa”… mua tiên
Ông P., 48 tuổi, chủ một trang trại ăn nên làm ra. Vợ ông bị liệt mấy năm nay sau một lần tai biến. Tiền, ông dư dả. Nhưng “tình” thì ông thiếu đến mức hễ nghe ai nói chuyện đàn bà với vòng 1, vòng 2… là mắt ông hấp háy. Ông vốn ghét thể dục. “Ưỡn ẹo chỉ mất thời gian, cứ lao động là khỏe re” - ông thường nói vậy với những người hàng xóm.
|
Minh họa: DAD |
Cho đến một ngày. Sớm tinh mơ, ông đang đứng gãi bụng trước sân thì có bốn năm chị thuộc “hội vắng chồng” đi ngang qua. Một chị đon đả nói bụng anh to thế, đi với tụi em vài bữa là xẹp ngay. Một chị khác cong môi lên, nói anh có tiền mà không mua tiên thì phí lắm. Ông cười tít mắt rồi nhập bọn cùng mấy chị.
Đó là buổi đi bộ thể dục đầu tiên trong đời ông. Trên bờ biển vắng, mấy chị cười cợt, gán ghép ông với chị B. Chồng chị này đang lao động nước ngoài. Dù đang tuổi… có sừng, B. vẫn cắn móng tay, liếc ông P. mấy cái rồi cúi mặt một cách rất... nghé.
Hồn vía lâng lâng, ông P. thấy ngực mình trẻ lại, rộn ràng những nhịp đập đôi mươi. Từ đó ông trở nên phong độ, mặt mày phơi phới nhờ những rạng đông “đi bộ thể dục”. Hễ đến bờ dương là các chị “tế nhị” tản ra, chỉ còn ông với “biển một bên và B. một bên”.
Ông P. thường hào phóng mời cả nhóm đi “tô - ly” (ăn sáng, cà phê) sau khi “tập thể dục”. B. cũng tỉa tót hơn, quần là áo lượt, kiểu tóc được “cập nhật” thường xuyên, dây chuyền vàng lặc lè trên cổ... Cô thường khoe với mọi người: “Đời sống độ rày thong thả là nhờ tiền ông xã gửi về”.
Trong khi đó, đồng tiền thu nhập từ trang trại của ông P. cứ lần lượt xếp hàng ra đi. Hay chuyện, con gái ông P. mấy lần tới nhà B. lớn tiếng nhưng lần nào cũng về với đầu tóc rối bù. “Thảm họa” xảy ra với ông P. khi chồng của B. từ xứ kim chi trở về. “Câu lạc… đi bộ” giải tán còn ông P. cũng một mình thất thểu vì số tiền không cánh mà bay.
Chơi cầu lông, vợt... không mảnh lưới
Cầu lông là môn thể thao đang được quý ông bà tuổi hồi xuân ưa chuộng. Dĩ nhiên, chơi cầu lông phải có vợt lưới. Nhưng với ông C. thì không cần. Vậy mới nói.
Ông C. là cán bộ đã được “quy hoạch” về hưu, rất mê môn này. Cơ quan cách nhà trên 30 cây số nhưng đều đặn chiều thứ ba, thứ năm là ông về. Diện bộ đồ thể thao, quàng bao da đựng cây vợt trên vai, ông lên xe máy vù ra đồng cỏ cuối làng.
Nơi đây có nhiều người tập trung chơi cầu lông. Nhưng ông không chơi, chỉ đi loanh quanh khen người này đập hay, người kia đánh tốt, liếc đồng hồ rồi lẻn vào vạt rừng bạch đàn um tùm cách đó hơn trăm mét. Chị T., góa phụ xinh đẹp làng bên, xuất hiện với cái nón lá đựng mớ rau tạp. Họ thì thào tâm sự…
Bí mật thế mà cũng có người đánh hơi, nói bóng gió với vợ ông C., rằng tay C. mà cầu lông cầu liếc cái gì. Hắn chỉ lảng vảng cho người ta thấy ít phút rồi biến. Cả tiếng sau mới quay lại lấy xe về. Chị vợ bùng tai, rụng rời nhưng cũng ráng bình tĩnh, âm thầm “phá án” bằng kinh nghiệm... dân gian. Đợi chồng vắng nhà, chị cầm kéo, lấy cây vợt ra... Xong đâu đấy, chị trả vợt về chỗ cũ.
Chị thăm dò chồng, nói cây vợt cũ rồi, anh thay đi chớ? Không nhận ra giọng “điều tra” của vợ, ông C. nói cây vợt còn mới, lưới còn căng, đánh sướng lắm, thay chi tốn tiền. Ông chẳng hề biết mình đã vào tròng, cũng không nghe ruột gan vợ đang sôi lên.
Một chiều, ông C đi “cầu lông” về, hớn hở huýt sáo bài “Cuộc đời vẫn đẹp sao”. Lúc này trong nhà có hàng chục người bà con nội ngoại đang có mặt. Chị vợ giật phăng cái bao da trên vai chồng, rút ra cây vợt cầu lông… không một sợi lưới. Chị giơ “vật chứng” lên rồi òa khóc như mưa: “Huơ bà con dòng họ ơi, chồng tui “oánh” cầu lông với con “mèo rừng” bằng cây vợt không lưới này… Hu hu!...”.
Ông C. há miệng đến mấy giây mà không đóng lại được. Mặt ông xám ngắt, đứng chết trân!
Theo Thanh niên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.