Quyết sách từ nghị trường, cánh đồng bừng sáng - Bài 2: Biến bất lợi thành lợi thế, tỉnh nghèo hóa vựa trái cây
Quyết sách từ nghị trường, cánh đồng bừng sáng - Bài 2: Biến bất lợi thành lợi thế, tỉnh nghèo hóa vựa trái cây
Anh Thơ
Thứ bảy, ngày 28/11/2020 16:55 PM (GMT+7)
Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp chính là động lực để Bộ NNPTNT, các địa phương triển khai nhiều giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Từ đây, nhiều điểm sáng xuất hiện, biến bất lợi thành lợi thế.
Mấy năm trở lại đây, tỉnh Sơn La nổi lên nhưng một điểm sáng thành công trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp các tỉnh miền núi phía Bắc tổ chức tại Sơn La, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Nguyễn Xuân Cường gọi Sơn La là "hiện tượng".
Không là "hiện tượng" sao được khi chỉ sau vài năm cụ thể hóa Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Chính phủ và đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của Bộ NNPTNT, Sơn La từ một tỉnh nghèo, với những triền đất dốc chỉ có thể trồng ngô đã biến thành "vựa" trái cây lớn thứ hai cả nước.
Theo ông Nguyễn Thành Công - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sơn La, tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông nghiệp bình quân/năm giai đoạn 2016 - 2020 dự ước 4,2%, cao hơn 55% so với trung bình của cả nước. Năm 2019, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản của đạt 12.858 tỷ đồng, giá trị thu hoạch trên một đơn vị diện tích đất canh tác năm 2020 ước đạt 47 triệu đồng/ha, tăng 83% so với năm 2015.
Đến nay, Sơn La hình thành nhiều vùng nguyên liệu tập trung gắn với các nhà máy chế biến nông sản như: Vùng nguyên liệu rau khoảng 11.000ha; vùng nguyên liệu mía đường khoảng 8.500ha; vùng nguyên liệu sắn khoảng 37.000ha; vùng nguyên liệu chè khoảng 5.600ha; vùng nguyên liệu cà phê khoảng 17.800ha; vùng nguyên liệu cây ăn quả và cây sơn tra khoảng 80.000ha,...
Sơn La cũng đã "kéo" được doanh nghiệp đến đầu tư xây dựng 50 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu, trong đó có các tên tuổi lớn như: Tập đoàn Nafoods, IC Food Hàn Quốc, Tập đoàn TH, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao hay Công ty CP Phúc Sinh...
Đến tháng 6/2020, Sơn La đã có 144 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản thủy sản an toàn; 21 sản phẩm mang địa danh của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ; được cấp 161 mã số vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu.
"Năm 2019, giá trị hàng hóa xuất khẩu nông sản của tỉnh Sơn La đạt 140,16 triệu USD; 9 tháng đầu năm 2020 tổng sản lượng nông sản xuất khẩu của tỉnh đạt 85.445,80 tấn. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn Sơn La năm 2020 ước đạt 20 triệu đồng/người/năm, tăng 8,4 triệu đồng/người/năm so với năm 2015" - ông Công cho biết thêm.
Nói về thành công của Sơn La, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đó là do cả hệ thống chính trị, đội ngũ lãnh đạo tỉnh không ngại khó tìm đến doanh nghiệp mời gọi đầu tư. Trong khi đó, ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho rằng, bài học thành công của Sơn La chính là sự minh bạch, từ đó tạo sự đồng lòng giữa người dân và doanh nghiệp.
Thực hiện chủ trương đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tỉnh Quảng Trị cũng nổi lên như một điểm sáng về hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ là hướng đi của ngành nông nghiệp tỉnh trong những năm tới, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng sống của nhân dân mà còn xây dựng thương hiệu, uy tín cho tỉnh Quảng Trị trên thị trường trong nước và quốc tế.
Tính đến đầu tháng 10/2020, tỉnh Quảng Trị đã thu hút được 10 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao với số vốn trên 860 tỷ đồng. Quảng Trị phấn đấu đến năm 2025 có 4 vùng nông nghiệp công nghệ cao, đến năm 2030 là 10 vùng chuyên sản xuất dược liệu, rau củ, trái cây và lúa tâp trung ở các huyện: Cam Lộ, Hải Lăng, Gio Linh, Triệu Phong, Hướng Hóa.
Gặt hái thành quả ngay cả trong gian khó
Báo cáo tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trong tác động của dịch Covid-19, nông nghiệp đã khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế khi tăng trưởng cả năm ước đạt khoảng 2,6% (cao hơn mức 2,01% của năm 2019).
Sản xuất lúa gạo được mùa, được giá, đời sống người nông dân được cải thiện; an ninh lương thực được bảo đảm; năm 2020 xuất khẩu nông sản ước đạt 41 tỷ USD. Hiện, cả nước có khoảng 15.000 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả và gần 12.000 doanh nghiệp trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
"Xây dựng nông thôn mới và đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được chú trọng; đến cuối năm 2020 dự kiến có trên 63% số xã đạt chuẩn nông thôn mới" - Thủ tướng nhấn mạnh những kết quả đạt được của ngành nông nghiệp.
Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, ngành nông nghiệp đang từng bước chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng: chuyển từ mục tiêu số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng; chuyển từ sản xuất quy mô nhỏ lẻ, phân khúc sang quy mô lớn, khép kín theo chuỗi giá trị; từ dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên và lao động giá rẻ sang chủ yếu là dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới phương thức tổ chức sản xuất, quản lý.
Sản xuất không chỉ dựa vào lợi thế, tiềm năng mà theo sát nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Nông sản Việt Nam hiện có mặt trên 160 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó có 10 thị trường lớn nhất là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Hà Lan, Anh, Úc, Malaysia, Italia, Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu, điều, cá tra; thứ hai thế giới về cà phê; thứ 3 thế giới về gạo, tôm; thứ 5 thế giới về xuất khẩu lâm sản... Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á và đứng thứ 15 thế giới.
Sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, Việt Nam liên tục tổ chức những chuyến hàng đưa gạo, tôm, cá tra, cá ngừ, trái cây sang thị trường khó tính này với những ưu đãi lớn về thuế. Nếu không có sự chuẩn bị trong một thời gian dài, thực hiện nghiêm túc việc sản xuất theo chuỗi giá trị, an toàn và chất lượng theo đúng mục tiêu mà Nghị quyết về tái cơ cấu nền kinh tế mà Quốc hội đã thông qua thì chắc chắn các doanh nghiệp không thể tận dụng được những ưu đãi này.
Những kết quả ấn tượng mà ngành nông nghiệp đạt được trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cho thấy vai trò định hướng vô cùng quan trọng từ những Nghị quyết dành cho nông nghiệp, nông thôn mà Quốc hội đã thông qua trong mỗi kỳ họp, sau đó được Chính phủ, các ngành chức năng cụ thể hóa bằng những Quyết định, Nghị định hay chương trình hành động.
"Những quyết sách lớn của Quốc hội nhiệm kỳ XIII, XIV đã tạo ra hàng lang pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ, định hướng cho Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương ban hành nhiều chính sách gắn với phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp; đồng thời, làm cơ sở cho các tổ chức – chính trị xã hội, người dân thực hiện tốt vai trò, giám sát phản biện xã hội, giúp cho việc thực thi các chính sách lớn của Đảng và Nhà nước trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được thực chất, kịp thời, hiệu quả.
Chính những quyết sách này đã giúp nông nghiệp Việt Nam có bước phát triển bứt phá, trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, đời sống nhân dân nông thôn có bước phát triển vượt bậc, môi trường nông thôn ngày càng sạch đẹp" - ông Hà Sĩ Đồng -Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.