Vụ ra văn bản siết chặt giấy đi đường: “Ùn ứ giao thông tại chốt gây nguy hiểm nếu có ca F0
Ra đường ở Hà Nội phải có lịch trực, lịch công tác: Ùn ứ, lấy đâu ra chỗ đứng để cách 2m!
Nguyễn Đức
Thứ hai, ngày 09/08/2021 17:11 PM (GMT+7)
Ông Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi TƯ khuyến cáo người dân tuân thủ quy định của TP nhưng phải đứng xa người giữ chốt 2m, không để người giữ chốt sờ vào giấy tờ của mình. Thế nhưng thật khó khi trong tình huống ùn ứ, lấy đâu ra chỗ để đứng cách 2m!
Ngoài giấy đi đường theo mẫu ban hành theo Công văn số 2434 ngày 29/7 của TP, tại các chốt kiểm soát, người đi đường phải xuất trình một số giấy tờ cá nhân như: Căn cước công dân/Chứng minh thư nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Đáng chú ý, giấy đi đường của một số cơ quan, đơn vị phải có xác nhận của cả cơ quan, đơn vị và chính quyền nơi cơ quan, đơn vị hoạt động (trước đó chỉ cần một trong hai nơi xác nhận).
Ngoài giấy đi đường, việc cơ quan chức năng yêu cầu phải bổ sung thêm lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị đã khiến nhiều người không "kịp trở tay".
Nhiều ý kiến cho rằng, việc đòi hỏi thêm "giấy phép con" như vậy sẽ làm tăng khả năng lây lan dịch bệnh nếu như có ca F0.
Sáng 9/8, chị H.T.B ở (Hà Nội) cử quản lý cửa hàng về thực phẩm nằm trên đường Trần Quốc Hoàn tới trụ sở UBND phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội xin giấy xác nhận cho nhân viên của cửa hàng có thể đi từ nhà đến nơi làm việc.
Lúc này, ngoài quản lý của cửa hàng chị Bình, còn đại diện một số doanh nghiệp khác cũng ngồi ở trụ sở phường đợi xin giấy xác nhận.
"Tuy nhiên, sau đó quản lý của chúng tôi nhận được thông báo của phường rằng họ chưa rõ Chỉ thị của thành phố, cần chờ thêm 2-3 ngày nữa mới có thể đóng dấu", chị B. kể lại.
Như vậy đồng nghĩa với việc, doanh nghiệp của chị phải nghỉ thêm vài ngày nữa chờ xin giấy xác nhận. Doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại không hề nhỏ nếu như không có nhân viên đến cửa hàng.
Chị B. cho rằng, văn bản yêu cầu bổ sung xin giấy xác nhận của phường đang thực sự gây khó cho doanh nghiệp. Đặc biệt, là việc văn bản được ban hành vào tối chủ Nhật đã khiến những người kinh doanh như chị không thể trở tay.
"Chúng tôi luôn sống làm việc theo pháp luật. Nhưng luật cũng cần thống nhất từ trên xuống, có văn bản hướng dẫn cụ thể nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, người dân", chị B. nói.
"Đẻ thêm" mớ giấy tờ
Một đại diện doanh nghiệp khác (đề nghị không nêu tên) chìa cho chúng tôi xem những "gạch đầu dòng" UBND phường đưa ra để được xác nhận Giấy đi đường.
Thứ nhất, Giấy đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận địa điểm kinh doanh (nếu có).
Thứ hai, phương án phòng chống dịch của đơn vị; Kế hoạch hoạt động kèm theo lịch phân công công tác, lịch làm việc, lịch trực đến 6h00 ngày 23/8/2021.
Thứ ba, danh sách người lao động kèm theo kế hoạch hoạt động có đóng dấu xác nhận của đơn vị.
Thứ tư, Hợp đồng lao động, chứng minh nhân dân của người lao động.
Thứ năm, Giấy xác nhận đi đường của đơn vị cấp cho người lao động.
"Từ sáng đến giờ chưa làm xong thủ tục anh ạ" - đại diện doanh nghiệp này than.
Xếp hàng chờ đợi rồi thì lấy đâu ra khoảng cách an toàn 2m!
Ông Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi TƯ chia sẻ, Bệnh viện của ông có nhân viên đi làm đã có giấy của bệnh viện ban hành, về làng yêu cầu phải có "giấy hồng" theo quy định của làng.
Hai ngày sau khi gặp người giữ chốt và xuất trình giấy thì biết được người đó là F0, nhân viên bệnh viện phải đi xét nghiệm, may mắn kết quả đến nay là âm tính.
Do vậy, ông Nhung khuyến cáo trong tình huống này, người dân tuân thủ các loại giấy tờ và đứng xa người giữ chốt 2m, không cho người giữ chốt sờ vào giấy tờ của mình.
"Nhưng thật khó khi trong tình huống ùn ứ thì lấy đâu ra chỗ để đứng cách 2m", ông Nhung chia sẻ.
Tương tự, anh Trọng An (ở Hà Nội) cũng cho rằng, việc yêu cầu bổ sung giấy tờ, giấy xác nhận nêu trên là trái với khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.
"Từ nguy cơ lây lan dịch bệnh ở một cộng đồng nhỏ (do F0 di chuyển cố định) có thể tạo ra nguy cơ phán tán virus ra cộng đồng lớn ngẫu nhiên ở các chốt kiểm tra. Chuyện này đã xảy ra ở Sài Gòn hồi đầu tháng 6, khi các chốt kiểm tra gây ùn ứ kéo dài. Hạn chế số lượng người ra đường là đúng, nhưng cách làm là chưa phù hợp", anh An chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.