Rà soát, bổ sung quy định quản lý tàu du lịch

Thứ năm, ngày 26/05/2011 05:48 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau vụ chìm du thuyền nhà hàng Dìn Ký trên sông Sài Gòn làm 16 người chết, sáng 25.5, đại diện Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, tỉnh Bình Dương đã có cuộc họp làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm về mặt quản lý an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn.
Bình luận 0

Nhiều đơn vị quản lý một khúc sông

Ông Cao Kim Phụng - Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa (Bộ GTVT) cho biết, cuộc họp nhằm soát lại các quy định, văn bản pháp lý có điểm nào thiếu sót hoặc chưa thích hợp để khắc phục, bổ sung kịp thời, nhất là về việc quản lý loại hình nhà hàng, du thuyền nổi trên sông.

img
Du thuyền nhà hàng nổi Dìn Ký được lai dắt về cảng Bà Lụa phục vụ công tác điều tra.

Theo ông Phụng, Bộ GTVT đã ban hành đầy đủ các quy định, văn bản liên quan đến công tác quản lý giao thông đường thủy nội địa, nếu các đơn vị thực hiện tốt sẽ hạn chế đáng kể việc xảy ra các vụ tai nạn đáng tiếc như vụ Dìn Ký vừa qua.

Được biết, sông Sài Gòn do Cục Đường thủy nội địa - đơn vị phía nam quản lý, trong khi đó việc cấp phép hoạt động bến là do Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực 3 thực hiện. Lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Bình Dương cho biết, Sở chỉ có trách nhiệm kiểm tra, xử lý bến đò trên sông.

Việc một khúc sông nhiều đơn vị quản lý vô hình trung tạo nên sự chồng chéo, buông lỏng trách nhiệm, nên khi xảy ra những vụ việc đau lòng như vừa rồi thì các ngành quản lý mới vào cuộc kiểm tra, rà soát lại trách nhiệm văn bản quản lý (?!).

Các bến đò ngang còn đối phó

Khảo sát các bến đò ngang trên sông Sài Gòn sáng 25.5, chúng tôi bắt gặp nhiều hành khách không mặc áo phao đi trên những con thuyền tròng trành sang sông. Tại bến sông đò ngang Bình Mỹ (huyện Củ Chi, TP.HCM) bến đò Phú Cường (chợ Thủ Dầu Một, Bình Dương), trên các đò đã có trang bị thêm nhiều áo phao mới. Tuy nhiên, dù có băng rôn cảnh báo sông Sài Gòn rất sâu và nguy hiểm, khuyến cáo hành khách sang sông đi đò phải mặc áo phao nhưng nhiều người đi đò ngồi bám xe máy, không chịu mặc áo phao.

Tại bến đò Phú Cường (thị xã Thủ Dầu Một), chỉ khi có sự xuất hiện phóng viên, những lái đò mới thúc giục hành khách mặc áo phao vào và một người quản lý bến chạy lên lan can la lớn với người lái đò. Việc đò ngang hoạt động bất chấp sự an nguy của hành khách và phớt lờ các quy định quản lý an toàn giao thông đường thủy là một thực trạng còn tồn tại trên nhiều bến sông đường thủy nội địa ở Bình Dương.

Mỗi người nước ngoài bị nạn được bồi thường 11.000 USD

Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Dương cho biết, 4 người mang quốc tịch Trung Quốc thiệt mạng trong vụ chìm tàu tối 20.5 trong tổng số 16 người chết đã được Doanh nghiệp tư nhân Dìn Ký bồi thường ban đầu mỗi người 8.000 USD.

Thông tin Sở Ngoại vụ cho hay, trước đó các gia đình nạn nhân 4 người nước ngoài đòi bồi thường 11.000 USD/người. Ba ngày sau khi xảy ra thảm cảnh, ông Châu Hoàn Tâm –Chủ Doanh nghiệp Dìn Ký đã lên tiếng xin lỗi các gia đình nạn nhân và nhận trách nhiệm về vụ việc, cũng như nỗ lực khắc phục hậu quả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem