Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, tại Hội nghị toàn quốc đánh giá và triển khai thực hiện chính sách vùng DTMN, do Ủy ban dân tộc tổ chức ngày 11.4, tại Hà Nội.
Bộ mặt miền núi thay đổi
Trình bày báo cáo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Giàng Seo Phử cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách ngày càng toàn diện và đồng bộ cho vùng dân tộc và miền núi, với nguồn lực đầu tư nhiều hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào. Trong đó nổi bật nhất là Chương trình 135 giai đoạn I.
Trong giai đoạn 2006 - 2012, Chương trình này đã giải quyết được những vấn đề khó khăn, bức xúc nhất, tạo đà cho khu vực dân tộc và miền núi, nhất là đầu tư hạ tầng cho các thôn bản đặc biệt khó khăn. Tiếp đó, Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững cho 62 huyện nghèo; chính sách hỗ trợ hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất; chính sách hỗ trợ định canh định cư…
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị. |
Về kinh phí, mặc dù trong điều kiện ngân sách Nhà nước khó khăn, song trong giai đoạn 2006 - 2012, Chính phủ đã bố trí nguồn cho các chương trình, chính sách vùng dân tộc và miền núi với tổng kinh phí trên 54.770 tỷ đồng.
Bên cạnh những thành tựu, ông Giàng Seo Phử thừa nhận 8 điểm hạn chế, yếu kém trong xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển vùng DTMN thời gian qua, trong đó nổi lên là việc kinh tế khu vực này còn chậm phát triển; kết cấu hạ tầng thiếu và yếu kém; đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn thể hiện rõ nhất là tỷ lệ hộ nghèo cao; chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực thấp...
Vẫn nghèo đói, sao công nghiệp hoá?
Về Chương trình 135 giai đoạn III cũng như các chính sách cho vùng DTMN trong những năm tới, Thủ tướng chỉ đạo: “Phát triển vùng DTMN phải gắn với nâng cao đời sống đồng bào, giảm nghèo bền vững. Bên cạnh khuyến khích, hỗ trợ địa phương, người dân, chính sách còn phải khơi được nội lực, tránh xuất hiện tâm lý ỷ lại, trông chờ. Phát triển sản xuất, cải thiện sinh kế phải gắn với tiềm năng, lợi thế”.
Thảo luận sâu về các chính sách hỗ trợ cho khu vực DTMN hiện nay, ông K'So Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH cho rằng, các chính sách phát triển vùng DTMN cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống trung tâm cụm xã, hình thành các tứ thị nông thôn. Phải có chính sách khuyến khích mạnh mẽ để doanh nghiệp lên đầu tư vùng DTMN. “Không có doanh nghiệp, vùng DTMN thì đừng nói đến sản xuất hàng hóa, kinh tế thị trường”- ông nói.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cũng cho rằng: Trong điều kiện ngân sách Nhà nước hạn hẹp, UBDT cần rà soát, sắp xếp lại chính sách để đầu tư tập trung, có trọng điểm, mang lại hiệu quả cao. Bộ Kế hoạch - Đầu tư sẽ có trách nhiệm kêu gọi các nhà đầu tư lên vùng núi, khuyến khích xã hội hóa đầu tư, tập trung những dự án có tính thương mại cao lên vùng DTMN…
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, vùng DTMN có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách phát triển vùng DTMN và đạt được nhiều thành tựu, kết quả tích cực. Thành tựu thì mừng, nhưng phía trước vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu UBDT, các bộ, ngành địa phương phải làm rõ nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trong thực hiện các chính sách vùng DTMN.
"Chưa qua đói nghèo sao mong công nghiệp hóa, hiện đại hóa? Chính sách ban hành nhiều, nhưng có điểm chưa phù hợp, chưa sát thực tế, chồng chéo"- Thủ tướng nói và yêu cầu UBDT, các bộ, ngành cần rà soát lại tất cả các chính sách phát triển vùng DTMN. Qua đó, đánh giá việc thực hiện các chính sách đó được cái gì, chưa được cái gì, cái gì chưa sát thực tế cần sữa chữa, cái gì còn thiếu cần bổ sung.
Ông Vương Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu:
Ở Lai Châu, các công trình hạ tầng nhỏ đã được hỗ trợ đầu tư xây dựng nhiều rồi, nan giải nhất vẫn là các công trình lớn. CT135 giai đoạn III nếu suất đầu tư chỉ dừng lại ở 1 tỷ đồng/xã, 200 triệu đồng/thôn, bản thì khó tạo sự chuyển biến. Thực hiện chính sách DTMN phải có độ mở về suất đầu tư, huy động nguồn lực. Về cơ sở hạ tầng cần thực hiện dưới dạng đầu tư phát triển chứ không phải là hỗ trợ đầu tư.
Ông Lê Xuân Đại - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An:
Chính sách phát triển vùng DTMN thường không bố trí đủ, kịp thời nguồn lực. Việc cân đối nguồn lực thực hiện chính sách còn hạn chế. Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách định canh, định cư cho đồng bào DTTS trên địa bàn Nghệ An kinh phí bố trí chỉ đạt 33% so với kế hoạch; Nghị quyết 30a trên địa bàn Nghệ An được bố trí hơn 13.000 tỷ đồng đến nay mới bố trí được 1.200 tỷ đồng.
Ông Y Rinh - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đăk Lăk:
Đề nghị Chính phủ kéo dài thực hiện chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS tái định canh, định cư, nước sinh họat. Hiện trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk vẫn còn tới hơn 6.220 hộ thiếu đất sản xuất với tổng diện tích đất cần bố trí lên tới hơn 2.000ha; còn 2.275 hộ thiếu nước sinh hoạt. Phải đổi mới chính sách tái định canh, định cư chứ mức hỗ trợ cấp 5 sào/hộ hiện nay là thấp và cào bằng như giải quyết cho xong.
Đông Hoàng (ghi)
Phương Đông
Vui lòng nhập nội dung bình luận.