Ra vội từ Thanh Hóa, cụ bà đẫm nước mắt tiễn biệt Tướng Giáp

Thứ hai, ngày 07/10/2013 06:40 AM (GMT+7)
Rời phòng thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, gương mặt bà Cúc đã ướt đẫm bởi những giọt nước mắt, bà chắp tay ngoái đầu trở lại, anh mắt hướng lên di ảnh của Đại tướng với niềm tiếc thương vô bờ.
Bình luận 0

Chiều 6.10, người dân trên trên mọi miền đất nước đã tụ về ngôi nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở số 30 đường Hoàng Diệu (Ba Đình, Hà Nội). Theo thông báo, 14 giờ 30 từ gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ mở cửa để đón người dân vào vĩnh biệt Đại tướng, nhưng chưa đến giờ mở cửa, hàng ngàn người dân tụ về trước nhà Đại tướng, xếp hàng dài trên phố Hoàng Diệu, Điện Biên Phủ.

Cụ Thát và con rể cùng đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Cụ Thát và con rể cùng đến để vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong dòng người tới nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp có một người từng được chính Đại tướng phong hàm trung tá, đó là cụ Nguyễn Quang Thát (86 tuổi, ở Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội).

Ngồi trên chiếc xe lăn, Cụ Thát chia sẻ, ngay khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, ông đã bật khóc.

“Với tôi, Đại tướng là người vô cùng đáng kính. Nghe tin Đại tướng mất tôi đã bật khóc, đau đớn vô cùng. Tôi tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi và chiến đấu tại sư đoàn 320. Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính là người phong hàm Trung tá cho tôi vào năm 1958. Đại tướng qua đời là mất mát lớn cho tất cả chúng ta. Dù sức yếu song tôi vẫn tâm niệm phải tới gặp Đại tướng lần cuối”, cụ Thát tâm sự

Nghe theo nguyện vọng của cụ Thát, ông Chu Văn Thịnh (con rể của cụ Thát, cũng là một cựu chiến binh) đã đẩy xe lăn đưa cha từ nhà tới 30 Hoàng Diệu.

Rời phòng thờ Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, cả cụ Thát và ông Thịnh đều không kìm nén được xúc động sau khi đứng trước anh linh người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đôi mắt họ đã đỏ hoe và giọt nước long lanh vẫn còn đọng trên đôi mắt mỗi người.

Một cựu chiến binh đã bật khóc sau khi viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Một cựu chiến binh đã bật khóc...

Cũng hòa mình vào dòng người tới thắp hương viếng Đại tướng, có anh Lê Quốc Thi, một người khuyết tật, bước đi với đôi chân tập tễnh. Anh Thi là sinh viên Trường ĐH Bách Khoa, vừa nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, dù rất khó khăn trong việc di chuyển nhưng anh Thi vẫn kiên nhẫn nhích từng chút giữa dòng người xếp hàng đông đúc để vào tưởng niệm Đại tướng.

Anh Thi cho biết, anh cùng các bạn học khi nghe tin đã đến từ 13 giờ 30 để xếp hàng, đến gần hơn 16 giờ mới được vào bên trong.

“Chân em bị tật, phải đứng lâu là rất vất vả, nhưng em đã thực hiện được tâm nguyện của mình được vào trong căn nhà số 30 Hoàng Diệu kính cẩn trước anh linh của một vị tướng mà em rất ngưỡng mộ”, anh Thi nói.

Cũng xếp hàng từ 13 giờ 30, cụ Vũ Cao Cường (82 tuổi, ở phố Đại Từ, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, vào năm 1997 ông được gặp và bắt tay với Đại tướng Võ Nguyên Giáp một cách thân thiết và nồng ấm.

“Hôm đó tôi vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô thăm vị lãnh đạo cũ của mình ở Bộ Tài Chính. Lúc đến tôi phải chờ bên ngoài vì có Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang thăm. Lúc trở ra Đại tướng trông thấy tôi đã đưa tay bắt, tôi nắm chặt bàn tay nồng ấm của ông và chúc ông sống lâu trăm tuổi, nhưng rồi Đại tướng còn vượt qua cả mốc tôi chúc”, ông Cường kể.

Nhiều người dân đã bật khóc khi vừa bước chân vào nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nhiều người dân đã bật khóc khi vừa bước chân vào nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Quê ở Thanh Hóa, nhưng biết tin vị Đại tướng vĩ đại của dân tộc và thế giới qua đời, bà Nguyễn Thị Cúc (74 tuổi) đã không quản ngại đường xa ra Hà Nội. Không nén nổi cảm xúc, bà cúc đã bật khóc khi vừa đặt chân vào ngôi nhà của Đại tướng.

“Năm 20 tuổi tôi được gặp bác Giáp trong một lần ông về thăm Thanh Hóa. Khi đó, bác đã động viên chúng tôi tập trung xây dựng kinh tế để luôn là hậu phương vững chắc cho các chiến sĩ ở ngoài mặt trận chiến đấu giành thắng lợi. Những động viên của Đại tướng khiến chúng tôi rất phấn khởi, tăng gia sản xuất không biết mệt mỏi. Lúc ấy, bác Giáp giản dị lắm. Khi gặp bác chúng tôi, ai ai cũng nể phục, ngưỡng mộ về nhân cách cũng như tài cầm quân của Đại tướng”, bà Cúc tâm sự.

Rời phòng thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, gương mặt bà Cúc đã ướt đẫm bởi những giọt nước mắt, bà chắp tay ngoái đầu trở lại, anh mắt hướng lên di ảnh của Đại tướng với niềm tiếc thương vô bờ.

Xuân Lực – Lương Kết (Xuân Lực – Lương Kết)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem