Chủ đầu tư BOT giao thông lo 100 năm không hoàn được vốn, ngân hàng “nhấp nhổm” lo nợ xấu

Huyền Anh Thứ sáu, ngày 09/04/2021 16:30 PM (GMT+7)
Năm 2020, có 42 dự án BOT giao thông có số thu thấp hơn dự kiến, con số này ở năm 2019 và 2018 lần lượt là 43 và 26 dự án. Theo Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, điều này khiến nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng và tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu.
Bình luận 0

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách về đầu tư và khai thác công trình giao thông theo hình thức BOT (BOT giao thông).

Đa số dự án BOT giao thông có số thu thấp hơn dự kiến

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, đa số các dự án BOT có doanh thu không đạt so với dự kiến tại hợp đồng BOT.

Cụ thể, có 27/53 dự án có số thu đạt 100% trở lên so với số thu dự kiến tại hợp đồng dự án trong năm 2018.

Còn 26 dự án có số thu thấp hơn dự kiến, trong đó có một dự án đã dừng thu, ba dự án đang tạm dừng thu không đánh giá và ba dự án mới triển khai thu phí, chưa đủ số liệu để đánh giá.

BOT giao thông thất thu: Chủ đầu tư “khóc ròng”, ngân hàng “nhấp nhổm” lo nợ xấu - Ảnh 1.

Năm 2020, có 42 dự án BOT giao thông có số thu thấp hơn dự kiến (Ảnh minh họa)

Con số dự án BOT giao thông có số thu thấp hơn so với dự kiến tại hợp đồng dự án trong năm 2019 và 2020 lần lượt là 43/53 dự án và 42/52 dự án.

Lý giải nguyên nhân, cơ quan này cho biết lưu lượng xe thực tế qua trạm thấp hơn so với dự kiến. Ngoài ra, các trạm thu phí cũng thực hiện giảm giá phí theo Nghị quyết 35/2016 của Chính phủ.

Thậm chí, các dự án không được thực hiện tăng giá phí theo lộ trình quy định tại hợp đồng dự án.

Bên cạnh đó, các phương tiện sử dụng dịch vụ đường bộ qua một số trạm thu phí, gồm: trạm Km943+975 và trạm Tam Kỳ thuộc tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài thuộc tuyến cầu Nhật Tân; trạm Km1661+600 thuộc tuyến đường ven biển từ thành phố Phan Thiết sang thị trấn Phan Rí Cửa; trạm Km41 huộc tuyến đường nối cầu Nhân Mục, Quốc lộ 10 qua cầu Đăng đi Tiên Lãng về thành phố Hải Phòng được phân lưu sang các tuyến song hành.

Đáng chú ý, thời gian bắt đầu thu phí của một số trạm chậm hơn so với quy định tại hợp đồng dự án gồm: Trạm Quốc lộ 3 cũ thuộc dự án cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới; Trạm Ninh Xuân, dự án BOT Quốc lộ 26.

Chủ đầu tư "khóc ròng", ngân hàng "nhấp nhổm" lo nợ xấu vì BOT giao thông

Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận, việc "thất thu" của các dự án BOT giao thông khiến nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng và tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu.

Điều này hoàn toàn có cơ sở. Đơn cử như tại dự án BOT cầu Việt Trì - Ba Vì đưa vào thu phí từ tháng 4/2019 nhưng đến nay so với phương án tài chính ban đầu thì doanh thu chỉ đạt 20 - 30%.

Theo nhà đầu tư dự án, doanh thu cầu Việt Trì - Ba Vì giảm là do lưu lượng xe phân lưu với cầu Hạc Trì nên không đúng với dự báo lưu lượng và với mức doanh thu này thì không đủ để nhà đầu tư duy trì hoạt động.

"Với lưu lượng và phương án tài chính thu phí như hiện nay thì…100 năm nữa dự án cũng không thể hoàn được vốn. Do vậy chúng tôi đề xuất Nhà nước có cách hỗ trợ dự án vì hiện nay chúng tôi rất bế tắc", đại diện nhà đầu tư ngậm ngùi chia sẻ.

BOT giao thông thất thu: Chủ đầu tư “khóc ròng”, ngân hàng “nhấp nhổm” lo nợ xấu - Ảnh 3.

Ngân hàng "nhấp nhổm" lo nợ xấu từ BOT giao thông

Việc chủ đầu tư gặp khó trong việc trả nợ dẫn tới nguy cơ tiềm ẩn về nợ xấu không phải là vấn đề mới. Vấn đề này đã được nhắc đến nhiều lần, đặc biệt là trong các báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi tới các kỳ họp của Quốc hội.

Trong báo cáo gần nhất, số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, vẫn có khoảng 49 dự án BOT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, với dư nợ khoảng 64.676 tỷ đồng có nguy cơ phải cơ cấu nợ, chuyển nhóm nợ, tăng trích lập dự phòng, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh và việc thực hiện Đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng.

Cùng với đó, từ đầu năm 2018 đến nay, tỷ lệ nợ xấu của dự án BOT, BT giao thông liên tục tăng nhanh.

Tại thời điểm 30/6/2019, tỷ lệ nợ xấu BOT giao thông là 2,11% và đến 30/6/2020 đã tăng lên 5%.

"Khoảng 80% vốn đầu tư cho các dự án giao thông theo hình thức BT, BOT là do ngành ngân hàng tài trợ.

Trong đó, gần 50% dự án BOT, BT có doanh thu thực tế không đạt như dự kiến, ảnh hưởng đến việc trả nợ của chủ đầu tư và chất lượng tín dụng tại các ngân hàng", lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Do đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng cần có cơ chế tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức tín dụng cho vay, tức là Nhà nước phải đảm bảo cơ chế thu phí ổn định, bảo đảm doanh thu cho dự án như ban đầu thì các tổ chức tín dụng mới đủ cơ sở để cho vay.

Để tránh sự rủi ro cho nhà đầu tư, ngân hàng, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng ADB khuyến cáo: Khâu lựa chọn, thẩm định dự án vô cùng quan trọng. Lựa chọn nhà đầu tư phải có quy trình để làm sao lựa chọn nhà đầu tư có năng lực.

Trong hợp tác công tư phải thay đổi tư duy, phải bình đẳng giữa nhà đầu tư và cơ quan Nhà nước mới có thể thu hút được được các nguồn đầu tư không chỉ trong nước mà còn cả các nguồn từ nước ngoài.

"Phải tạo được môi trường thuận lợi mới thu hút được đầu tư, đặc biệt trong khối tư nhân. Nếu chỉ trông chờ mãi nguồn vốn vay từ ngân hàng thì chưa đủ, vì nguồn vốn ngân hàng chủ yếu là nguồn ngắn hạn, trong khi nguồn vốn của các dự án BOT lại là các nguồn dài hạn và nhu cầu rất lớn", vị chuyên gia này cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem