Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Rằm tháng Giêng: Tiết trời ấm, người dân Hà Nội lặng lẽ đi lễ chùa cầu bình an. Video: Doãn Nhàn
Năm nay, do dịch Covid-19 nên lượng người tới các đền, chùa đi lễ không nhộn nhịp như mọi năm. Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, sáng ngày 14/2/2022, tức ngày 14 tháng Giêng (Rằm tháng Giêng), người dân tới lễ chùa Hà khá lặng lẽ và thưa thớt. Tình hình dịch bệnh vẫn còn khá phức tạp, hầu hết mọi người dân đều thực hiện tốt việc giữ khoảng cách và đeo khẩu trang đầy đủ.
Ngay từ cổng ra vào chùa, Công an phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) đã bố trí kiểm soát số lượng người ra, vào, yêu cầu nhân dân đến lễ thực hiện tốt quy định “5K”. Lực lượng chức năng cho biết, “ngay từ ngày mùng 2 Tết khi chùa được mở cửa, lực lượng chức năng đã có mặt để hướng dẫn phân luồng người dân khi đi lễ chùa, bảo đảm an toàn cho người dân đi lễ đầu năm”.
Cũng theo lực lượng chức năng tại đây, mặc dù hôm nay là dịp Rằm tháng Giêng nhưng lượng người tới chùa khá thưa thớt. “Vì mấy hôm nay mưa gió, rét buốt nên người dân cũng ngại đi ra ngoài. Hơn nữa tình hình dịch bệnh cũng còn khá phức tạp nên lượng người tới chùa Hà không nhộn nhịp như những năm trước”.
Nhân dịp đầu năm mới, Chị Thái Minh Trang (32 tuổi, Cầu Giấy) đi lễ chùa Hà cầu bình an. “Hôm nay là ngày Rằm tháng Giêng cũng là ngày Valentine nên mình với em gái quyết định đi lễ chùa Hà để cầu sức khỏe, bình an cho gia đình, đường tình duyên được thuận lợi. Bên trong chùa đều có người hướng dẫn, yêu cầu người dân sát khuẩn tay, đeo khẩu trang đúng quy cách để phòng dịch nên mình khá yên tâm”, chị Trang cho biết.
Theo phong tục của người Việt, Rằm tháng Giêng (Tết Nguyên Tiêu) là ngày trăng tròn đầu tiên của năm mới. Vào ngày này người dân hay lên chùa lễ Phật. Ngoài ra, trong các gia đình thường làm mâm cơm thịnh soạn để cúng tổ tiên. Chị Nguyễn Thị Quỳnh (1994) từ Bình Dương có việc ra Hà Nội nên đã ghé qua chùa Hà cùng anh trai để cầu bình an, tình duyên may mắn.
“Hôm nay có việc ra Hà Nội nên mình ghé qua chùa Hà để cầu an, cầu lộc, cầu duyên vì nghe nói ở đây cũng khá linh thiêng. Việc đi lễ đầu năm khiến cho mình cảm thấy được thanh thản hơn, ngoài ra cũng mong công việc trong năm được hanh thông, thuận lợi”, chị nói.
Cũng đến chùa dịp Rằm tháng Giêng, nhưng không phải cầu bình an cho bản thân, bác Trần Văn Rớt (64 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) đến chùa Hà cầu đường tình duyên cho cháu gái. Ngồi cặm cụi viết lá sớ, bác Rớt tâm sự: “Tôi có đứa cháu gái năm nay đã ngoài 30 nhưng không thấy nó có ý định lấy chồng hay yêu đương gì cả. Gần đây cháu lại còn chuyển sang ăn chay nữa, tôi cũng khá lo lắng cho cháu. Nghe nhiều người bảo cầu tình duyên ở chùa Hà linh thiêng lắm nên tôi muốn đến cầu thay cho cháu gái của mình”.
Trước Rằm tháng Giêng, một số đền chùa ở Hà Nội đã mở cửa để phục vụ người dân đi lễ chùa đầu năm. Một số đền chùa ở Hà Nội đã mở của như: chùa Hà (Cầu Giấy, Hà Nội), chùa Quán Sứ (Hoàn Kiếm, Hà Nội), chùa Phúc Khánh (Đống Đa), Phủ Tây Hồ (phường Quảng Bá, Hà Nội), chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội),...
Rằm tháng Giêng là dịp lễ quan trọng với nhiều người dân. Tuy nhiên năm nay lượng người tới chùa đi lễ không đông đúc như các năm nên cũng ảnh hưởng khá nhiều tới việc kinh doanh của những người bán hàng quanh chùa.
Chị Hà Mai Anh (38 tuổi), chủ cửa hàng bán hoa quả và dịch vụ viết sớ ngay cạnh chùa Hà tâm sự: "Dịp Rằm tháng Giêng năm nay khách thế này là vắng, sáng giờ chỉ toàn người bán hàng nhìn nhau thôi. Hôm nay là ngày lễ Tình nhân nhưng cũng không nhiều bạn trẻ qua viết sớ. Dịch dã nên buôn bán ế ẩm rõ chán. Tầm này những năm trước người đông nườm nượp, chen chúc nhau là chuyện thường ấy chứ”. Nói rồi chị lại tranh thủ đứng chào mời những người khách lác đác đi qua cửa hàng với hy vọng có nhiều người tới mua.
Đi lễ đầu năm đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam, đặc biệt trong những ngày Rằm tháng Giêng. Trong bối cảnh dịch bệnh, người dân đã nâng cao ý thức để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng tại các địa điểm tâm linh, thực hiện nghiêm các quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.