Rất “giàu” vì làm báo nông thôn

Minh Yến (Trưởng ban Bạn đọc Báo NTNN/ Điện tử Dân Việt) Thứ sáu, ngày 21/06/2019 08:08 AM (GMT+7)
Henry David Thoreau – một nhà văn người Mỹ đã từng nói “Giàu có chính là khả năng hết mình trải nghiệm cuộc đời”. Tôi thích cách định nghĩa này, bởi chiểu theo nó, tôi nghĩ mình đang rất giàu có khi được làm báo và đặc biệt là làm báo cho nông dân.
Bình luận 0

img

Tác giả chụp ảnh cùng các em bé ở bản Rào Con (Bố Trạch, Quảng Bình) trong một chuyến cứu trợ lũ lụt năm 2016. Ảnh Phan Phương

Nông thôn luôn là một suối nguồn vô tận về cả thông tin và cảm xúc. Trên đất nước này, bất cứ một làng quê nào cũng đều lưu trữ ký ức tuổi thơ của hàng triệu con người.

Người ta lớn lên từ làng, và rồi cũng sẽ trở về làng. Dễ khóc, dễ mủi lòng nhất là nông dân. Mạnh mẽ nhất cũng là nông dân.

Trôi trong trường cảm xúc bất tận ấy là trải nghiệm vô cùng tuyệt vời cho những người cầm bút, dù bạn có viết hay không viết lên những câu chuyện về đời sống của họ. 

Tôi đã thực sự may mắn, có được những khoảnh khắc trải nghiệm đáng nhớ, để mỗi một ngày gần nông dân, mỗi một lần đặt chân xuống thửa đất, bờ đê, thay vì thang máy hay nền nhà cao tầng, lại thấy mình sung túc. Ân tình mà tôi có được, phần nhiều là vì, tôi làm ở tờ báo của nông dân.

img

"Tôi đã thực sự may mắn, có được những khoảnh khắc trải nghiệm đáng nhớ, để mỗi một ngày gần nông dân, mỗi một lần đặt chân xuống thửa đất, bờ đê, thay vì thang máy hay nền nhà cao tầng, lại thấy mình sung túc". 

 Từ “Tổng đài 1080”…  

Trong cơn khủng hoảng giá lợn lịch sử năm 2017, tôi được giao giữ Đường Dây nóng, chuyên tiếp nhận các thông tin phản ánh từ người nông dân, đặc biệt là những người chăn nuôi lợn. Trong cơn cùng quẫn, thất bát, hàng chục, thậm chí gần trăm cuộc điện thoại gọi đến trong 1 ngày. Phần lớn là hỏi các chính sách hỗ trợ, cách thức xin hỗ trợ, nhờ tìm kiếm đầu ra… Cũng không ít những cuộc gọi thở than về tình trạng bi đát của hộ nuôi.

Đó thường là những cuộc gọi lúc nửa đêm. 

Thời gian đó, tôi gần như đã có lúc stress vì nghe điện thoại và mất ngủ. Bởi nhiều bạn đọc gọi đến trong tình trạng không còn tỉnh táo. Từ những nông dân làm ăn khá, giỏi của vùng, họ đối mặt với nguy cơ trắng tay, đổ nợ hàng tỷ đồng. Một số trong họ trách móc, thậm chí là chửi bới nhưng phần nhiều là khóc.

Cảm giác giữa đêm khuya, nghe tiếng một người đàn ông có thể đang là trụ cột của cả một gia đình, dòng họ, khóc tu tu như trẻ con, có lẽ là cảm giác khó có thể quên đối với bất cứ ai, không riêng gì tôi. 

Cơn khủng hoảng rồi cũng qua đi. Như một mùa vụ mới, người nông dân lại chú tâm vào việc gieo hạt và gầy dựng lại từ đầu. Hàng đêm, tôi không còn phải nghe những cuộc điện thoại, mà mỗi khi đặt máy xuống, sự ám ảnh của cảm xúc khiến mình không thể ngủ lại được nữa. 

img

Tác giả trong một chuyến mang chăn ấm đến bà con Tây Bắc. Ảnh Hà Hoàng

Dẫu vậy, vài người trong số những bạn đọc ngày đó vẫn lưu số điện thoại. Và thỉnh thoảng, tôi vẫn nhận được những cuộc gọi hay những tin nhắn không dấu. Rất bất ngờ, đó là những góp ý, phản biện về chính sách nông nghiệp – một sự gợi mở đề tài cho Báo – và những góp ý trực tiếp về nội dung, hình thức của Báo tôi. 

Cũng từ những nhân duyên như vậy, không chỉ tôi, các thành viên Ban Bạn đọc của Báo Nông thôn Ngày nay/Báo Điện tử Dân Việt vô tình trở thành những “tư vấn viên” của bà con nông dân. 

Cách thức làm đơn xin vay vốn lập trang trại như thế nào? Khoản quỹ thu A này của thôn có đúng luật không?... đến cả việc: Bị bệnh B xuống Hà Nội khám ở chỗ nào? Con thích học Văn thì thi Đại học trường nào cho phù hợp… đều được các bạn đọc nhờ chúng tôi tư vấn.

Không ít thành viên ở ban tôi, không chỉ tư vấn, mà còn là người trực tiếp đón, hướng dẫn và làm tất cả các thủ tục liên quan giúp bà con nông dân khi họ có việc phải về Thủ đô…

img

img

Chia sẻ với người già, yêu thương với trẻ nhỏ, từng thành viên trong Ban Bạn đọc đều đã trở thành những người thân của bà con nông dân ở những nơi mà chúng tôi đi qua. Ảnh Hữu Anh

Mối liên hệ ấy, mỗi ngày một dày thêm và bền chặt hơn, khiến chúng tôi, dường như có “họ hàng” ở khắp nơi trên cả nước.

 … đến những món quà vô giá! 

Tại trụ sở ở Dương Đình Nghệ, tòa soạn chúng tôi làm việc ở cùng 1 sàn theo mô hình Tòa soạn hội tụ. Ngày thường cũng như dịp lễ, dường như ai cũng đã quen với việc mùa nào thức ấy, trái cây đặc sản đều có ở văn phòng.

Đó là quà của nông dân.

Có khi, là cậu phóng viên đi viết mô hình được bà con biếu tặng. Có lúc, là quà của các thầy cô, bà con nông dân tại các điểm khó khăn mà chúng tôi đã từng làm từ thiện.

"Tôi đã thực sự may mắn, có được những khoảnh khắc trải nghiệm đáng nhớ, để mỗi một ngày gần nông dân, mỗi một lần đặt chân xuống thửa đất, bờ đê, thay vì thang máy hay nền nhà cao tầng, lại thấy mình sung túc.

Ân tình mà tôi có được, phần nhiều là vì, tôi làm ở tờ báo của nông dân" 

            (Nhà báo Minh Yến)

Một số trong đó, kèm những bức thư viết tay rất dài và nắn nót. Chúng tôi thường đùa nhau, nhiều tiền, chưa chắc đã mua được những thức quà quê tuyệt vời ấy. 

Trên trục đường công tác của mình, dù đi vùng sâu hay vùng xa, thậm chí là trong lúc lũ bão, tôi chưa khi nào bị đói. 

Tháng 8.2016, trận lũ quét lịch sử tại Bát Xát (Lào Cai) khiến nhiều bản bị cô lập. Để kịp thời chuyển đồ cứu trợ cho bà con, tôi và chị Ánh Dương, chuyên viên từ thiện xã hội 5h sáng theo xe tải hàng từ Hà Nội lên thẳng vùng tâm lũ.

Do nước chưa rút, đường đi khó khăn, lũ cuốn trôi cầu, gạo và lương thực, quần áo chuyển vào bản chỉ có cách duy nhất là vác bộ lội qua suối nên chị em tôi xác định làm thông trưa để còn kịp ra khỏi bản về Hà Nội trước khi trời sáng.

img

Thăm, khảo sát một số hoàn cảnh khó khăn ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) năm 2017. Ảnh Bảo Yến

Chuyến đi vội vàng, chúng tôi cũng không kịp chuẩn bị cho mình 1 cái bánh lương khô. Giữa trưa, chúng tôi có mặt ở bờ suối, bốc hàng xuống xe để chuyển hàng vào vùng cô lập. Thật bất ngờ, bên bờ suối, các anh chị trước là giáo viên tại một điểm trường ở Bát Xát chúng tôi từng hỗ trợ đã có mặt đợi đoàn cùng những suất cơm nắm đã chuẩn bị sẵn cho chúng tôi.

Xong bữa trưa vội vàng, cũng chính các anh chị là người hỗ trợ đoàn lội suối mang gạo và lương thực, quần áo vào cho bà con.

Công việc của đoàn chúng tôi hôm đó được hoàn thành một cách nhanh chóng, an toàn và hiệu quả nhờ sự trợ giúp đắc lực của các anh chị. 

Gần 12 năm làm Báo Nông thôn Ngày nay, tôi đi cũng khá nhiều. Sau mỗi chuyến đi tôi đều nhận được một “món quà”.

Tôi ở một căn chung cư nhỏ của tòa nhà tái định cư nhưng tôi vẫn có 1 phòng riêng để trưng bày tất cả những món quà ấy. Đó có thể chỉ là 1 viên đá nhỏ đẹp dưới suối được 1 cậu em ở Quảng Bình nhặt tặng hoặc một nhành lan mà thú thật tôi cũng không biết tên của nó là gì… Tôi coi đó là những món quà vô giá. 

Đầu năm 2019, tôi bị bệnh, một chứng bệnh nan y không quá nặng nhưng cần đến nhiều loại lá thuốc dân gian bổ trợ. Tôi đăng câu hỏi về chỗ mua các loại lá thuốc đó trên facebook cá nhân của mình và nhận được khá nhiều câu trả lời. Rồi bất chợt một ngày, tôi nhận được nhiều chứ không phải 1 cuộc gọi/tin nhắn của những người bạn, người em và cả bạn đọc mà tôi chưa từng gặp mặt.

Có người chỉ cho tôi chỗ mua lá, có người gửi lá về cho tôi qua đường bưu điện và đặc biệt có một cô em gái đã trực tiếp đi hái lá, sao khô và mang đến tận tòa soạn gửi bác bảo vệ để chuyển cho tôi, trong chính những ngày tôi đang đi công tác, kèm lời chúc sức khỏe và không quên dặn dò “Chị uống hết thì cứ gọi cho em, em lại sao mẻ khác cho chị”. 

Tôi không nghĩ rằng mình đã làm được điều gì cho bạn ấy, cũng như cho tất cả những người đã gửi tặng tôi những món quà rất đáng trân quý kia. Tôi chỉ đơn giản làm nghề, một nghề tôi tôn trọng với sự tận tâm và lòng tự trọng của mình. Tôi nghĩ, đó là “lộc” của nghề báo, đó là “lộc” của Nông thôn Ngày nay đã trao tặng lại cho tôi. 

Được sống và trải nghiệm hết mình trong những cái nôi của làng, bản, tôi tin, sẽ là tài sản lớn nhất mà mình có được trong suốt những năm tháng làm báo của mình!                                                            

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem