Rau lá lằng mọc trong rừng Nghệ An, hái về xáo nấu kiểu gì ăn cũng bổ dưỡng, mát ruột mát gan
Loại rau dại mọc trong rừng Nghệ An, hái về xáo nấu kiểu gì cũng bổ dưỡng, đã thế còn mát ruột mát gan
Trần Lan
Thứ bảy, ngày 08/04/2023 06:01 AM (GMT+7)
Những ngày hè nắng nóng ở Nghệ An, món canh lá lằng trở nên “đắt khách”, và không thể thiếu trong mâm cơm gia đình ngày hè, ai xa quê đều nhớ da diết vị đắng món canh lá lằng. Lá đắng là một loại cây dại mọc trong rừng Nghệ An, hái về xào nấu kiểu gì ăn cũng nghiền, thanh nhiệt giải độc...
Cây lá lằng là một loại cây tự nhiên mọc hoang trong rừng các huyện miền Tây Nghệ An. Cây thân gỗ cao to tán lá xanh, toả ra một vùng rộng lớn. Cây lá lằng gỗ mềm không có giá trị trong việc kiến thiết xây dựng nên ít bị chặt phá.
Lá lằng mọc ở phía cuối cái cuống dài, thường có bảy đến chín lá xòe tròn khép kín như một cái ô. Lá lắng dày khi tươi có nhựa bẻ ra vò nát thoảng có mùi hăng hắc sau đó thì có mùi thơm đặc trưng của lá.
Tháng 3 (al), mùa cá trích, người dân các vùng miền núi Yên Thành, Quỳnh Lưu, Đô Lương… (Nghệ An), thường mua cá trích tươi (chưa nướng) mang về chế biến thành một món "đặc sản" ai đã từng ăn thì không thể nào quên được.
Than củi rực hồng, cá trích còn tươi nguyên chảy mỡ xèo xèo trên bếp than hồng, mùi thơm theo ngọn khói lan tỏa khắp đường làng ngõ xóm. Lá lằng được chuẩn bị sẵn, cá trích chín quấn với lá lằng, mọi người tấm tắc khen ngon, bao nhiêu vất vả trong ngày tan theo tiếng cười quên đi mệt nhọc.
Lá lằng ai mới ăn đều cảm thấy vị đắng tê đầu lưỡi, càng nhai kỹ vị đắng chuyển sang vị ngọt bùi. Vị đắng như có một sự lôi cuốn diệu kỳ, càng ăn càng cảm thấy cuốn hút, càng ăn càng nghiện.
Chớm hạ trong mỗi bữa ăn hàng ngày dân quê miền núi xứ Nghệ, không nhà nào không có một bát canh lá lằng nấu với tép khô. Tép đồng cất te hay xúc được đem rửa sạch phơi khô cất kỹ. Mùa hè, chỉ cần một nhúm tép khô, vài quả cà chua hái ở vườn nhà và một nhúm lá lằng là có bát canh ngon giải nhiệt trong ngày hè nắng nóng.
Để có bữa cơm với bát canh lá lằng gia đình sum vầy, đầm ấm. Người dân phải lên rừng trong những ngày "gió Lào thổi cong sông Lam". Hành trình đi hát lá lằng thật là gian nan vất vả.
Hành trang người dân đi hái lá lằng rất công phu, ngoài cơm ăn nước uống còn phải chuẩn bị thuốc men dự phòng trong lúc đang ở trong rừng sâu núi thẳm. Chuyến đi xa thì ngược huyện miền núi Anh Sơn, Thanh Chương, Đô Lương, gần thì huyện Tân Kỳ, Nghĩa Đàn... (tỉnh Nghệ An). Ở đâu còn rừng tự nhiên, còn cây lá lằng là có dấu chân của những người thợ rừng chuyên hái lá.
Lá lằng hái ở rừng về được thái nhỏ bằng máy thái thủ công, rồi phơi dưới nắng nhẹ.
Sau những chuyến đi rừng dài ngày, bà con gom cả tạ đem ra chợ bán hoặc thương lái tìm đến tận nhà thu mua, lá lằng còn được đưa tiêu thụ khắp các tỉnh thành.
Người đi xa lập nghiệp ở nơi khác khi về làng những món quà mang đi không thể thiếu một bịch lá lằng khô do người thân nâng niu gửi tặng. Một món quà tuy không lớn về vật chất nhưng mang nặng tấm lòng thơm thảo của quê hương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.