Rau quả đi “tìm” 10 tỷ USD - bí quyết là giữ chữ tín!

Đình Thắng Thứ ba, ngày 20/02/2018 09:05 AM (GMT+7)
Đánh giá về tiềm năng xuất khẩu rau quả, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhận định ngành này hoàn toàn có thể xuất khẩu đạt 10 tỷ USD. Đồng tình với quan điểm của ông Doanh, nhiều doanh nghiệp đã hiến kế nhằm giúp ngành rau quả hiện thực mục tiêu đó.
Bình luận 0

Giữ chữ tín mới chiếm lĩnh được thị trường

Trong năm 2017, xuất khẩu nông lâm thủy sản đã cán mốc kỷ lục chưa từng có với tổng giá trị đạt 36,37 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2016. Trong bức tranh chung đó, rau quả được đánh giá là “điểm sáng” nổi bật khi tiếp tục có những bứt phá đem về kim ngạch cao cho toàn ngành.

Kể từ khi lọt vào nhóm hàng tỷ USD năm 2013, rau quả đã rất nhanh chóng vượt qua những mốc xuất khẩu (XK) khác, đồng thời vượt qua nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Năm 2014, rau quả vượt qua sắn về giá trị XK. Năm 2015, rau quả tiếp tục vượt qua cao su. Năm 2016, rau quả vượt mốc 2 tỷ USD (đạt 2,457 tỷ USD) và lần đầu tiên vượt qua gạo về giá trị XK.

img

 Sản phẩm chuối phục vụ xuất khẩu của doanh nghiệp ở huyện Đức Huệ, Long An. Ảnh tư liệu

Đến năm 2017, XK hàng rau quả ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2016, bỏ xa kim ngạch XK gạo, cà phê, thậm chí cả dầu thô.

Mặt hàng rau quả của Việt Nam hiện nay đã có mặt tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh những thị trường truyền thống, thời gian qua, ngành rau quả cũng tích cực mở mới nhiều thị trường, đặc biệt là những thị trường đòi hỏi chất lượng cao như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Australia, New Zealand...

Về việc ngành rau quả có bước phát triển vượt bậc trong thời gian qua, theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh, đó là nhờ Việt Nam đã khai thác được tiềm năng về chủng loại giống cây ăn trái đa dạng và phong phú, lựa chọn được từng loại cây ăn quả là thế mạnh của từng vùng cụ thể.

Ông Doanh nhận định: “Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay và những lợi thế khả năng của chúng ta có được, ngành rau quả hoàn toàn có thể XK đạt 10 tỷ USD”.

Điều đặc biệt của ngành rau quả trong năm 2017 là lần đầu tiên sau nhiều năm đàm phán, nhiều loại trái cây như vú sữa đã có mặt ở Mỹ, chanh leo xuất sang EU, xoài xuất đi Úc… Nafoods là doanh nghiệp đầu tiên XK chanh leo sang EU thành công.

Theo ông Lê Hoài Hưng – Giám đốc Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc: “2017 là năm thắng lợi lớn của ngành rau quả, đã mở được nhiều thị trường khó tính, đặc biệt là thị trường châu Âu. Với sự đột phá của ngành rau quả năm 2017, tôi tin năm nay ngành hàng này sẽ phát triển mạnh mẽ, không chỉ giữ thành công các thị trường đã có mà còn mở rộng được nhiều thị trường tiềm năng khác.

Để làm được điều đó nhất định chúng ta phải giữ chữ tín đối với đối tác. Thị trường nào cũng cần phải giữ chữ tín, đặc biệt thị trường cấp cao, chữ tín càng quan trọng, quyết định sự thành bại của doanh nghiệp”.

img

Sơ chế thanh long phục vụ xuất khẩu tại một cơ sở. Ảnh: I.T

Nhận định trên là hoàn toàn có cơ sở khi nhu cầu thị trường thế giới về mặt hàng này ngày càng cao. Ông Nguyễn Quốc Toản – Phó Cục trưởng thường trực Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho rằng: “Nhu cầu tiêu thụ rau quả tươi và chế biến trên thị trường thế giới được dự báo tăng tích cực. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá nhu cầu tiêu thụ rau quả tăng trưởng cao hơn so với sản xuất. Dân số thế giới, thu nhập thế giới tăng khiến nhu cầu và giá rau quả ngày càng cao.

Nhu cầu và khả năng cung ứng các sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (có chứng nhận chất lượng) đang tăng lên nhanh chóng. Nhu cầu về sản phẩm hữu cơ tăng cao tập trung ở 10 nước có thị trường thiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ lớn nhất như Mỹ, Đức, Pháp, Trung Quốc, Canada... với tổng doanh thu gần 90 tỷ USD”.

Chính vì vậy theo ông Toản, kỳ vọng đạt kỷ lục mới về XK rau quả có tính khả thi trong điều kiện nông nghiệp đang thực hiện tái cơ cấu bền vững theo chuỗi giá trị,  đẩy mạnh phát triển nông nghiệp chất lượng cao.

Doanh nghiệp đặt hàng, nhà khoa học phải làm tốt

Sản xuất rau quả phải cải thiện tốt hơn nữa về chất lượng sản phẩm, nghĩa là phải đồng nhất, ổn định, có quanh năm, truy xuất được nguồn gốc và đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm”.
TS Nguyễn Hữu Đạt 

Nhận định về tiềm năng của ngành rau quả trong những năm tới, ông Đinh Cao Khuê - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) cho hay: “Nền nông nghiệp của chúng ta rất có cơ hội, tiềm năng lớn. Về XK, hiện nay thanh long đứng hàng thứ nhất thế giới, chuối đứng thứ 11, chanh leo đứng thứ 3 thế giới. Các tập đoàn nhập khẩu, phân phối rau quả lớn trên thế giới đều quan tâm đến hoa quả của Việt Nam, đặc biệt là chanh leo.

Chúng ta còn có vùng cam rộng lớn ở các tỉnh phía bắc như Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình, Nghệ An. Vùng cây ăn quả Lục Ngạn (Bắc Giang) cũng đang phát triển rất tốt. Các tỉnh miền Nam có vùng cây ăn quả lớn như Tiền Giang, An Giang, Tây Ninh… So với Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, chúng ta có vị trí địa lý dài, có thể chế biến rau quả quanh năm. Tương lai chúng ta sẽ là đối trọng lớn trên thế giới về XK rau quả”.

img

Chế biến dứa xuất khẩu. Ảnh: I.T

Để ngành rau quả tiếp tục cán những cột mốc mới trong những năm tới, ông Khuê đề nghị Chính phủ, các cấp ban ngành đàm phán với các nước về thuế suất, đàm phán Hiệp định thương mại để thuế suất của Việt Nam có sức cạnh tranh, về bỏ hoặc tháo gỡ hàng rào kỹ thuật; đồng thời tập trung sâu nghiên cứu các giống cây ăn quả chủ lực để cải thiện năng suất chất lượng sản phẩm.

An toàn thực phẩm cũng là một vấn đề mà mặt hàng rau quả cần làm tốt. Theo TS Nguyễn Hữu Đạt - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ngoài Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, EU cũng đang mở ra nhiều cơ hội cho XK rau quả tươi của Việt Nam. Tuy nhiên, đây đều là các thị trường khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Do đó, các doanh nghiệp cần hết sức lưu ý, để làm chuẩn từ gốc. Chẳng hạn, để XK các loại trái cây như nhãn, vải, vú sữa, thanh long đi Mỹ, các cơ sở phải được cấp mã số vùng trồng, có mã đóng gói, chiếu xạ…

Để ngành rau quả có những đột phá trong thời gian tới, theo ông Lê Hoài Hưng – Giám đốc Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc, cần có sự tham gia sâu hơn của nhà khoa học, khoa học phải nghiên cứu thật sự, gắn với sản phẩm, thị trường, được doanh nghiệp nghiệm thu chứ không phải đặt trong phòng thí nghiệm, đây là yếu tố quyết định lớn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem