Rơi vào trạng thái căng thẳng khi thất nghiệp, tìm việc mới

Theo Lao Động Thứ bảy, ngày 08/07/2023 13:47 PM (GMT+7)
Năm 2023, kinh tế được nhận định sẽ gặp rất nhiều khó khăn khiến không ít người thất nghiệp hoặc phải tìm việc mới. Khi chưa tìm được công việc tạo ra thu nhập, stress (căng thẳng) là điều không thể tránh khỏi.
Bình luận 0

Stress vì tìm việc chưa ưng ý


Quá áp lực với công việc kế toán tại Thủ đô trong khi thu nhập chỉ được 7,5 triệu đồng/tháng không đủ chi trả cho cuộc sống tại đây, chị Nguyễn Kiều Linh (26 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã quyết định về quê xin việc. Tuy nhiên, sau gần 1 tháng mỏi mắt tìm kiếm, chị Linh vẫn chưa tìm được công việc ưng ý.


Chị Linh đã tạo hồ sơ trên nhiều trang tuyển dụng, đồng thời gửi CV cho nhiều nơi nhưng vẫn chưa nơi nào ưng ý. Nơi thì trả lương thấp chỉ 5,5 triệu đồng/tháng, nơi yêu cầu rất cao, hoặc bắt buộc phải có kinh nghiệm tại lĩnh vực đang làm trong khi chị chưa làm lĩnh vực đó bao giờ.


Rơi vào trạng thái căng thẳng khi thất nghiệp, tìm việc mới - Ảnh 1.

Hãy thử thay đổi công việc nếu thấy chưa phù hợp. Ảnh minh hoạ: Minh Hương

Tương tự, chị Nguyễn Thu Thảo (29 tuổi, Nam Định) cũng do dự nên quay trở lại ngành nghề theo học hay đi làm công nhân để có thu nhập ổn định. Bởi sau khi rời bỏ công việc trình dược viên, chị Thảo đã về huyện nhà xin làm nhân viên kiểm kê hàng hóa tại bưu điện.

Thế nhưng, hơn 1 năm làm kiểm kê, chị Thảo thấy bản thân không có hứng thú nên lần nữa quyết định nghỉ việc. Gần 2 tháng nay, chị Thảo hưởng trợ cấp thất nghiệp và cảm thấy áp lực với những lời bàn tán từ hàng xóm, người thân.

"Nếu quay trở lại làm trình dược viên, thu nhập chẳng được là bao vì khả năng bán hàng của tôi còn rất yếu. Nếu cất bằng đi làm công nhân thì lại uổng phí bao nhiêu năm học tập vất vả" - chị Thảo tâm sự.

Bình tĩnh đối mặt và thử thay đổi

Cũng từng rơi vào khủng hoảng tinh thần sau khi thất nghiệp thời COVID-19, nhưng chị Lê Thị Tâm (28 tuổi) - nhân viên marketing (ngụ tại quận Hà Đông) vẫn bình tĩnh đối mặt để giúp bản thân lạc quan cũng như dễ dàng tìm được công việc mới thích hợp.

Rơi vào trạng thái căng thẳng khi thất nghiệp, tìm việc mới - Ảnh 2.

Chị Tâm khuyên những người thất nghiệp không nên nghĩ bản thân kém cỏi hay sống khép kín, tách rời xã hội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo chị Tâm, điều đầu tiên những người thất nghiệp cần làm đó là bỏ qua các định kiến, lời nói dèm pha mà hãy hòa đồng cùng mọi người. Nên chia sẻ với người thân và những người mình tin tưởng, tham gia trao đổi trên các hội nhóm thất nghiệp. Việc này sẽ giúp chúng ta vẫn giữ kết nối với cộng đồng để không còn cảm thấy cô đơn hay tự ti về năng lực bản thân.

Tiếp theo, không bao giờ được suy nghĩ bản thân kém cỏi. Thời gian này nên làm những công việc thiện nguyện, học thêm các khóa học liên quan đến công việc, kỹ năng, ngoại ngữ để trau dồi, hoàn thiện bản thân. "Như thế, khi bắt đầu công việc mới, chúng ta tự tin hơn rất nhiều" - chị Tâm chia sẻ.

Bên cạnh đó, lúc chưa tìm được công việc ổn định, chị Tâm đã quyết định làm thêm một số công việc bán thời gian. Mặc dù thu nhập ít nhưng vẫn đảm bảo cuộc sống cơ bản còn hơn là không có gì. Như vậy sẽ thấy bản thân còn ý nghĩa, có động lực để tiếp tục chờ đợi một công việc phù hợp trong tương lai.

Chị Tâm khuyên nhủ, thời gian thất nghiệp cũng là cơ hội để bạn quan tâm hơn đến gia đình, người thân xung quanh. Nếu sau 2 tháng vẫn chưa tìm được công việc mình yêu thích, hãy thử đổi khu vực làm việc hoặc chuyển sang một công việc mới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem