Trên bản đồ địa lý thể hiện, xã Phú Lộc là nơi nguy hiểm nhất trong số những nơi nguy hiểm của các khu vực đầu nguồn lũ ĐBSCL. Vào mùa nước nổi, nơi đây bị ngập trung bình từ 2-3m nước so với mùa khô.
Những ngày đầu mùa nước nổi 2013 ở xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu, An Giang.
Nguy hiểm là an toàn!Vào mùa nước nổi, Phú Lộc bốn bề mênh mông sóng nước. Cư dân nơi đây phó thác cuộc sống cho thiên nhiên bởi “nửa năm đạp đất đồng khô, nửa năm lênh đênh mặt nước”. Có thể nói, trước kia dân ở đây sống vô cùng nguy hiểm và bất ổn bởi thiên tai đe dọa… Thế nhưng, những ngày đầu tháng 8 này, chúng tôi trở lại nơi đây và ghi nhận nơi đầu sóng ngọn gió ngày nào giờ đã trở nên an toàn tuyệt đối. Đó là thành quả của hơn 10 năm xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ và tổ chức lại sản xuất của chính quyền và người dân nơi đây…
Dẫn chúng tôi “tham quan” hệ thống điện, đường, trường, trạm đầy đủ, khang trang, ông Thạch Thanh Hồng - Chi hội trưởng ND ấp Phú Quý, xã Phú Lộc bộc bạch: “Nói thiệt chú em chứ ngày xưa ở đây khổ trăm bề, nửa năm khô cháy, còn lại nửa năm thì chỉ toàn nước là nước, cái ăn có thể đắp đổi qua ngày nhưng cái ở thì nguy khốn vô cùng. Ấy vậy mà bây giờ như chú thấy đó, nhờ cụm dân cư vượt lũ mà bà con ở đây được an cư lạc nghiệp…
Ông Lê Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lộc cho biết: “Xã có 3 cụm và 1 tuyến dân cư, đã bố trí được cho toàn bộ cư dân của xã 1.137 hộ vào ở, đảm bảo an toàn vượt lũ. Toàn bộ các công trình đê bao, khu dân cư, trường học, chợ búa… đều đạt tiêu chuẩn theo cao trình vượt lũ (vượt đỉnh lũ cao nhất vào năm 2000)”.
Sống chung với lũVề Phú Lộc vào những ngày đầu mùa nước nổi, chúng tôi cảm nhận được khí thế rôm rả rất đặc trưng của một vùng nông thôn đang chuyển mùa. Người người đều tất bật chuẩn bị cho “nước lên”. Tất bật nhưng trong một tư thế hăm hở, chủ động chứ không phải nơm nớp lo sợ như ngày xưa.
Ông Đặng Văn Bé - một nông dân chuyên nuôi lươn trong mùa nước nổi trò chuyện: “Tui năm nay cũng gần 70 tuổi rồi nhưng vẫn phải lo chuẩn bị đủ thứ, mệt mà vui vì lo mần ăn chứ không phải lo chạy lũ. Mấy bồn lươn này là cơ ngơi của tui đó, thấy vậy chứ qua mùa nước này 2-3 tháng tui kiếm cũng vài chục triệu chứ không phải ít đâu nghe”. Chung quanh căn nhà nhỏ trong tuyến dân cư vượt lũ, ông Bé nuôi được gần cả chục bồn lươn. Mấy năm nay nhờ có chỗ ở cao ráo vượt lũ, nhiều nông dân trong xã đã yên tâm đầu tư nuôi trồng để tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Ông Nguyễn Văn Chiến – Phó Chủ tịch Hội ND xã Phú Lộc thông tin: “Trong xã hiện có hơn 160 hộ nuôi lươn trong bồn. Chúng tôi cũng vừa lập thêm danh sách cho vay để các hộ có vốn đầu tư nuôi lươn hoặc nuôi bò thịt. Nhờ an cư mà ai cũng yên tâm và chí thú làm ăn”.
Ông Lê Văn Đoàn - Trưởng ấp Phú Yên, xã Phú Lộc chia sẻ: Mỗi ấp thành lập một “Đội xung kích cứu hộ phòng chống lụt bão” để sẵn sàng ứng phó với những tình huống khẩn cấp trong lũ. Chuyện ốm đau cũng được người dân trong xã xắn tay chung lo cùng địa phương khi mạnh dạn “hùn nhau” đầu tư mua xe chuyển bệnh cho Hội Chữ thập đỏ xã…”.
Sau mùa lũ lớn năm 2000, năm 2001, vùng rốn lũ Phú Lộc được Trung ương và địa phương đầu tư xây dựng các hạng mục công trình vượt lũ, trong đó có các cụm tuyến dân cư vượt lũ. Năm 2002, Phú Lộc cơ bản xây dựng xong 3 cụm dân cư và 1 tuyến dân cư dài 9km, nằm dọc kênh Bảy Xã. Kênh này cũng vừa là đê bao vừa là đường giao thông, giải quyết cho toàn bộ 1.137 hộ với khoảng 5.000 người có chỗ ở tránh lũ an toàn.
|
Có thể nói, cảm nhận của chúng tôi về vùng rốn lũ Phú Lộc trong những ngày đầu mùa nước nổi năm nay là nhộp nhịp nhưng thanh bình, hạnh phúc. Đặc biệt là tinh thần an cư lạc nghiệp của nông dân nơi đây sau 10 năm xây dựng cụm tuyến dân cư và tổ chức lại sản xuất. Tiễn chúng tôi về, ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Hội ND thị xã Tân Châu nói: “Ngày xưa, vào mùa nước nổi, Phú Lộc là nơi nguy hiểm nhất, bây giờ Phú Lộc là nơi an toàn nhất…”.
Trọng Bình (Trọng Bình)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.