Rộn ràng Trung thu truyền thống nơi làng bản

Thứ năm, ngày 19/09/2013 09:11 AM (GMT+7)
Đèn Trung thu tự làm, mỗi nhà quyên góp vài nghìn đồng làm kiệu, mua “cỗ” cho trẻ… Đó là đêm Trung thu cực vui và ý nghĩa ở các làng quê. Đêm Trung thu ấy đang được những người dân quê gìn giữ và trân trọng.
Bình luận 0
Trung thu “cây nhà lá vườn”

Cũng như bao làng quê khác đang rộn ràng đón Trung thu năm 2013, bọn trẻ thôn Hồng Thạch, xã Minh Tân (Thủy Nguyên, Hải Phòng) chào đón Trung thu bằng “cây nhà lá vườn” mà thôn vận động được. Bọn trẻ háo hức tự làm đầu rồng, cái thì cầu kỳ, cái thì chỉ đơn giản làm bằng cái rổ, hay cái thúng tự chế. “Người lớn thì lo sắm sửa mâm cỗ trung thu cho các cháu trong thôn phá cỗ. Mệt lắm nhưng mà vui” - bà Vũ Thị Chè, 72 tuổi, Trưởng khu 8 kể.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi, TP. Sơn La rước đèn trung thu (tự làm) và diễu hành, múa lân trên đường phố.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi, TP. Sơn La rước đèn trung thu (tự làm) và diễu hành, múa lân trên đường phố.

Ông Nguyễn Cát Thành - Trưởng thôn Hồng Thạch cho biết: “Thôn tôi hàng năm cứ tới gần Trung thu là quyên góp tiền làm cỗ. Người ít thì 2.000 đồng, người có điều kiện ủng hộ cả trăm nghìn”. Đợt quyên góp này, toàn thôn thu được 1,5 triệu đồng. Nhưng thôn có 250 cháu nên tính ra giá trị quà cũng không nhiều. Số tiền quá ít nên lãnh đạo thôn nghĩ ra cách vận động sự ủng hộ của các đảng viên trong thôn, nhà ai có quả gì thì ủng hộ để các cháu có thêm quà phá cỗ. “Quà trung thu dù đơn giản nhưng mang đậm tình làng nghĩa xóm, các cháu cũng vui”- ông Thành nói. Đặc biệt là phần văn nghệ, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên cũng vào cuộc biểu diễn các tiết mục văn nghệ và múa lân…

Đêm Trung thu ở xã Đường Lâm (Ba Vì, Hà Nội) cũng ý nghĩa như vậy. Tại các thôn trong xã, đêm 14 và chính rằm thường có hội thi kiệu đêm rằm. Ông Nguyễn Tiến Dũng- phụ trách văn hóa xã cho biết, các thôn cũng quyên góp mỗi nhà vài nghìn đồng mua bưởi, bánh kẹo, mua giấy làm đèn ông sao rồi cho các cháu tự trang trí kiệu rước đêm Trung thu.

Trong đêm rằm, đường làng ở Đường Lâm sáng rực bởi đèn ông sao, trẻ em đi theo sau các kiệu rước ra đình. Các thôn, như thôn Đông Sàng có tới 12 kiệu (của các xóm) và có riêng một đội múa rồng để múa ở đình. Người dân tự làm các loại bánh truyền thống, như bánh nếp, bánh gai, chè kho, nổ bỏng và lấy hoa quả vườn nhà làm cỗ cho trẻ. “Phá cỗ trung thu như vậy vừa tiết kiệm, vừa an toàn”- ông Dũng nói.

Vui với đèn trung thu truyền thống

"Nét mới năm nay là trẻ em rất ít chơi đèn lồng, đèn kéo quân của Trung Quốc sản xuất mà tự làm đèn ông sao truyền thống để vui Trung thu"- ông Lò Văn Quán, bản Hua Noong, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, Sơn La bảo vậy.

Trung thu là dành cho con trẻ
Anh Nguyễn Hạnh - chủ hiệu bánh trung thu ở phường Tô Hiệu, TP.Sơn La cho biết: “Sức mua của người dân giảm mạnh so với trước. Mọi năm người ta mua bánh để biếu xén nên bánh giá cao bán chạy. Năm nay thay đổi, Trung thu dành cho con trẻ, mà con trẻ thì cần gì những cái bánh, cái đèn tiền triệu. Quầy của tôi năm nay không nhập bánh giá cao, không nhập đèn nhựa do Trung Quốc sản xuất”.
Kiều Thiện


Trung thu năm nay, các nhà trường, các khu dân cư ở Sơn La quan tâm triển khai trên tinh thần tạo sân chơi cho trẻ và duy trì nét đẹp truyền thống của người Việt Nam. Tại Trường THCS Nguyễn Trãi, TP.Sơn La, nhà trường tổ chức cho các em tự làm đèn ông sao, thi bày cỗ, thi trang trí đèn ông sao, diễn thuyết về ý nghĩa Trung thu với chủ đề "Trung thu yêu thương". Em Nguyễn Thị Linh, học sinh lớp 6B, cho biết: “Đây là lần đầu tiên cháu được tự tay cùng các bạn làm đèn ông sao, tham gia một trung thu truyền thống thật vui.

Cụ bà Lò Thị Hin, 80 tuổi, ở phường Quyết Thắng, TP.Sơn La, bảo: Mấy năm trước, đèn nhựa của Trung Quốc kêu inh ỏi đường làng ngõ xóm. Trung thu này, trẻ tự làm đèn ông sao, rồi rước đèn, múa lân, đánh trống… vừa vui, vừa tiết kiệm và ý nghĩa”.

Cô giáo Hà Thị Liên, giáo viên Trường Tiểu học Pa Vệ Sử, Phong Thổ, Lai Châu, cho biết: “Năm nay Đoàn trường cũng phối hợp với Đoàn xã và các chi đoàn bản tổ chức Trung thu cho các cháu. Các cô và thanh niên hướng dẫn trẻ làm đèn trung thu. Hoạt động này tuy vất vả nhưng vui và ý nghĩa, tạo một sân chơi cho trẻ em về văn hoá dân tộc.

Tại TP.Cần Thơ, các chi đoàn ở xã còn tổ chức cuộc thi làm lồng đèn trung thu cho trẻ. Tại xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ, thanh niên đã làm được gần 250 lồng đèn. Bên cạnh việc làm đèn, tổ chức cho trẻ rước đèn truyền thống, đoàn thanh niên còn tổ chức hoạt động văn nghệ, các trò chơi dân gian, múa sạp, múa lân…
Bùi Hương- Hồng Cẩm- Phong Lê- Kiều Thiện (Bùi Hương- Hồng Cẩm- Phong Lê- Kiều Thiện)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem