Rỗng két, huyện vẫn gom tiền để... đốt pháo hoa

Ngọc Anh Thứ năm, ngày 07/01/2016 06:30 AM (GMT+7)
Nợ lương giáo viên 17 tỷ đồng, nhưng huyện Thới Bình vẫn làm công văn huy động tiền để đốt pháo hoa.
Bình luận 0

Huyện Thới Bình (Cà Mau) vừa mới được lên báo một cách hết sức rùm beng, lý do là huyện này đã hết tiền trả lương giáo viên. Ngày 24.12.2015, ông Trần Văn Dũng  -  Chủ tịch UBND huyện đã ký tờ trình gửi UBND tỉnh và Sở Tài chính để xin tạm ứng hơn 17 tỷ đồng, nhằm chi trả các khoản nợ sự nghiệp giáo dục của huyện.

Các khoản nợ này bao gồm: nợ chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo hơn 7 tỷ đồng, nợ nâng lương 4,8 tỷ đồng, chế độ phụ cấp ưu đãi và thu hút đối với nhà giáo ở các xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn 1,7 tỷ đồng...

Nhưng trước đó, ngày 14.12, cũng ông Dũng, Chủ tịch huyện lại ký một công văn khác, đóng dấu “Khẩn”, huy động tiền “xã hội hóa” để bắn pháo hoa năm 2016. Các mức cụ thể được giao như sau: các ban ngành đoàn thể huyện được giao chỉ tiêu từ 500 ngàn đồng đến 3 triệu đồng; công an, ban chỉ huy quân sự và chi cục thuế được giao mỗi đơn vị 5 triệu đồng; thị trấn Thới Bình bị nhận nhiệm vụ vận động 10 triệu đồng; các xã trực thuộc phụ trách “xã hội hóa” số tiền 5 triệu đồng.

Báo chí cho biết dân Thới Bình méo cả mặt vì cái công văn vận động tiền bắn pháo hoa này, tuy nhiên lãnh đạo huyện thì "nhìn xa trông rộng hơn" nên bảo:  “mỗi người chỉ 50 ngàn đồng là đủ”. Công chức cấp xã thì than thở, chúng tôi thuộc diện không có cả tiền Tết, giờ lại phải đóng cả tiền để bắn pháo hoa, coi như mất tết.

img

Đặt 2 cái công văn cách nhau có nửa tháng ở huyện Thới Bình cạnh nhau, cho thấy một sự việc rất đáng tranh luận. Đó là đang không có tiền trả nợ lương cho giáo viên, thì có nên huy động tiền để bắn pháo hoa ngày Tết hay không?

Người dễ tính sẽ bảo: Nợ thì kệ nợ chứ, pháo hoa vẫn phải bắn. Kiểu như quan điểm của ông Phan Đăng Long- nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội: “Người nghèo cũng rất cần xem bắn pháo hoa, họ không chỉ cần cái ăn cái mặc”.

Người khó tính lại bảo: Sao không quyên tiền trả nợ lương giáo viên mà phải đi xin “cấp cứu” từ tiền ngân sách? Một huyện nợ nần bê bết như thế, phải đi xin "cứu viện" từ tỉnh để trả lương giáo viên, vậy mà vẫn đi gom tiền dân để đốt pháo hoa. Thật là nghèo mà vẫn xài sang như công tử.

Pháo hoa không có lỗi. Cả năm lầm lụi làm ăn, đêm 30 Tết, người giàu người nghèo đều được ngẩng mặt lên trời, để thấy những vầng sáng rực rỡ chói lòa và cầu mong những điều tốt đẹp hơn cho tương lai. Lúc ấy ai cũng bình đẳng như ai.

Nhưng chính quyền huyện có vô tư quá hay không, khi mà bản thân ngân khố không còn một đồng, tiền lương giáo viên còn nợ, phải đi xin “cấp cứu” mà vẫn bắt dân góp tiền để đốt pháo hoa. Thà là dăm ông doanh nghiệp làm ăn khấm khá, tài trợ cho một màn đốt pháo hoa đi một nhẽ, đằng này huyện lại bổ đầu xuống từng hộ dân, bảo “mỗi người 50 ngàn là đủ”. E rằng các quan huyện cũng vô tư đến mức… vô cảm mất rồi.

Tôi không biết các giáo viên ở Thới Bình đến giờ đã được nhận số lương mà huyện nợ của họ hay chưa, cũng không biết họ có nằm trong danh sách những người bị “bổ đầu” góp tiền để đốt pháo hoa hay không. Nhưng đặt một bên là đồng tiền chảy máu mắt cho miếng cơm manh áo hàng ngày với đồng tiền gom lại để đốt lên vài phút sáng lòe loẹt trên nền trời, nghe sao thấy đồng nào cũng có mùi cay đắng.

Khi mà người dân còn chưa đủ ăn đủ mặc, khi mà chính quyền huyện còn nợ lương của các thầy các cô, đến mức phải đi xin “cấp cứu” từ ngân sách tỉnh, thì việc gì cần hơn? Đốt pháo hoa hay trả lương đúng kỳ, thưa bạn đọc?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem