Rớt nước mắt truy điệu 60 liệt sĩ hy sinh tại đồi Xuân Sơn: "Đồng đội ơi, nhớ đồng đội"!

Dũ Tuấn Thứ hai, ngày 18/04/2022 16:14 PM (GMT+7)
Đông đảo nhân dân, đồng chí, đồng đội, người thân đã rưng rưng giọt nước mắt, nhiều người còn nghẹn ngào thốt lên: “Đồng đội ơi, thương nhớ đồng đội”, tại lễ truy điệu và an táng các liệt sĩ hy sinh ở đồi Xuân Sơn (tỉnh Bình Định) cách đây 56 năm.
Bình luận 0

Chờ đợi 56 năm, cụ già 83 tuổi mới biết chồng hy sinh ở  Bình Định

Sau 56 năm xa cách, các liệt sĩ đã được trở về đoàn tụ với các đồng đội, những người anh em từng kề vai sát cánh, chiến đấu bảo vệ từng tấc đất ở núi đồi Xuân Sơn, xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân.

Cụ Võ Thị Tịnh (83 tuổi) ở xã Thiệu Tân, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa - vợ liệt sĩ Đỗ Ngọc Đương có hoàn cảnh rất đặc biệt. 

Cụ Tịnh kể, chồng của cụ đi chiến trường miền Nam chiến đấu năm 1962, khoảng thời gian đến lúc gia đình nhận giấy báo tử là năm 1970, người chồng chỉ về quê thăm đôi lần và không gặp lại suốt 56 năm qua.

"Tôi trông chờ biết bao nhiêu năm nhưng mãi đến ngày hôm nay mới biết chồng hy sinh ở đây. Cứ như giấc mơ vậy, suốt 56 năm qua tôi không biết tin tức về chồng. Biết tin tìm thấy mộ tập thể, tôi băng băng vào Bình Định thăm chồng nhưng ứa nước mắt vì chẳng biết cụ thể hài cốt chồng tôi ở đâu", cụ Tịnh bật khóc.

Rớt nước mắt lễ truy điệu 60 liệt sĩ hy sinh tại đồi Xuân Sơn: "Đồng đội ơi, nhớ đồng đội"! - Ảnh 1.

Nghi thức đưa hài cốt các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Đồi Xuân Sơn đến nơi an táng. Ảnh: Dũ Tuấn.

Chị Lê Thị Thanh Vân - con dâu thứ 4 của liệt sĩ Lê Đức Ninh, nguyên Tiểu đoàn Phó Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 22 thuộc Sư đoàn 3 Sao Vàng, người chỉ đạo trực tiếp trận đánh ở đồi Xuân Sơn và anh dũng hy sinh - chia sẻ: "Tôi không cầm lòng được khi vào đến Bình Định. Là người con dâu, tôi cảm thấy sự an yên trong cá nhân cũng như gia đình tôi. Dù chưa phải mãn nguyện vì hài cốt của cha tôi chưa biết đích xác nhưng chúng tôi biết hương hồn của cha tôi đang ở đây cùng các đồng đội. Cha tôi và các đồng đội đã được chính quyền địa phương quan tâm tổ chức một buổi lễ thật xúc động và ý nghĩa".

Đồi Xuân Sơn ở huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định cách thị trấn Bồng Sơn 22km về phía Tây Nam, cao 198m, phía đông bắc giáp núi Gò Công, 3 hướng còn lại giáp sông Nước Lương và sông Kim Sơn. 

Trên đỉnh đồi quân Mỹ bố trí một trận địa pháo 12 khẩu 105 mm và 155 mm, lực lượng có 2 đại đội pháo binh và 2 đại đội bộ binh, quân số khoảng 650 tên Mỹ (thuộc Sư đoàn Kỵ binh bay số 1) và được sự yểm trợ trực tiếp của 2 căn cứ pháo binh Tân Thạnh và và Kim Sơn, vì vậy các chỉ huy Mỹ cho rằng Xuân Sơn sẽ "miễn dịch" với bất kỳ cuộc tấn công nào của đối phương. 

Đêm 26 rạng sáng ngày 27/12/1966, Trung đoàn 22 thuộc Sư đoàn 3 Sao Vàng cùng với quân, dân huyện Hoài Ân tổ chức tập kích cứ điểm Đồi Xuân Sơn. Đây là trận đánh có ý nghĩa quan trọng nhằm kéo quân Mỹ ra để tiêu diệt, hỗ trợ cho phong trào đấu tranh của quần chúng nổi dậy, chống địch càn quét gom dân, lập "ấp chiến lược, phá âm mưu "bình định" của Mỹ, ngụy. 

Rớt nước mắt lễ truy điệu 60 liệt sĩ hy sinh tại đồi Xuân Sơn: "Đồng đội ơi, nhớ đồng đội"! - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; bà Võ Thị Ánh Xuân - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Phó Chủ tịch, dự lễ truy điệu và an táng các liệt sĩ hy sinh năm 1966 tại đồi Xuân Sơn. Ảnh: Dũ Tuấn.

Trung đoàn 22 đã diệt và làm bị thương khoảng 600 tên lính Mỹ, phá hủy 11 khẩu pháo 105mm và 155mm, bắn rơi 5 máy bay trực thăng, thu 34 súng các loại. Trên đường lui, quân ta diệt thêm 120 tên Mỹ và 1 trực thăng.

Tuy nhiên, dưới làn mưa bom, bão đạn của kẻ thù, nhiều chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, một số đồng chí hình hài không còn nguyên vẹn. Sau khi kết thúc trận đánh, địch đã dùng phương tiện xe cơ giới kéo thi thể của các liệt sĩ vùi lấp vào hố chôn tập thể gần đồn đóng quân của chúng rất dã man.

Theo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định, ngày 3/12/2018, đơn vị này nhận được văn bản của Cục Chính sách Tổng cục Chính trị và các tài liệu kèm theo thông tin về phần mộ liệt sĩ tập thể thuộc Trung đoàn 22, Sư đoàn 3 Sao Vàng hy sinh trong trận tập kích cứ điểm Xuân Sơn.

Ngay cuối năm 2018, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định tiến hành thu thập thông tin, gặp gỡ nhân chứng sống và tổ chức khảo sát, tìm kiếm rất nhiều lần nhưng do địa hình rộng lớn, địa vật thay đổi nhiều và do tác động của nước lũ nên vẫn chưa phát hiện được dấu vết.

Rớt nước mắt lễ truy điệu 60 liệt sĩ hy sinh tại đồi Xuân Sơn: "Đồng đội ơi, nhớ đồng đội"! - Ảnh 3.

Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Hữu Khúc đôi mắt đỏ hoe, không kìm được xúc động sau 56 năm tìm thấy hài cốt các liệt sĩ hy sinh trên mảnh đất quê hương Hoài Ân. Ảnh: Phước Kiệt.

Tháng 1/2022, cựu chiến binh Đặng Hà Thụy (77 tuổi, nguyên cán bộ Đoàn 5501, hiện ở phường Hoài Thanh Tây, TX.Hoài Nhơn, Bình Định) cung cấp thông tin liên quan đến mộ chôn tập thể nói trên.

Ngày 10/3, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định đã huy động lực lượng, phương tiện cơ giới tổ chức khảo sát, thăm dò tại vị trí khoanh vùng ở thực địa và đã phát hiện được hố chôn tập thể các liệt sĩ.

Từ ngày 11/3 đến ngày 15/4, đội quy tập mộ liệt sĩ đã tìm kiếm, khai quật trên diện tích rộng hơn 1.200 m2, phát hiện và cất bốc rất nhiều sinh phẩm như răng, xương, cùng với nhiều di vật như: võng dù, bọc ni lông, tấm che võng, dây thắt lưng, dép cao su, túi cơm, túi đựng gạo, bật quẹt, viết, dây buộc, lược chải tóc...

Đến nay đã xác định được danh tính 60 liệt sĩ hy sinh tại đồi Xuân Sơn vào cuối tháng 12/1966, gồm 51 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 22 và 9 quân, dân, chính đảng địa phương.

Rớt nước mắt lễ truy điệu 60 liệt sĩ hy sinh tại đồi Xuân Sơn: "Đồng đội ơi, nhớ đồng đội"! - Ảnh 4.

Thân nhân của liệt sĩ xúc động khi tìm thấy thi hài các bác, các anh đã nằm trong lòng đất lạnh suốt 56 năm. Ảnh: Dũ Tuấn,

Hình hài xương thịt các liệt sĩ hòa vào truyền thống cội nguồn dân tộc

Cựu chiến binh Đặng Hà Thụy cho hay, năm 2018, tình cờ thông qua Facebook ông làm quen với kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng (ở TP.HCM) nên kết nối, quen biết với một số cựu binh ở Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam.

Duy trì liên lạc qua Email, Facebook với các cựu binh Mỹ, ông Thụy đã mở rộng có được nhiều thông tin về mộ phần liệt sĩ tại tỉnh Bình Định, khu vực miền Trung.

"Cuối năm 2021, tôi kết bạn với một cựu binh Mỹ, người trực tiếp tham chiến trong trận tập kích tại đồi Xuân Sơn năm 1966. Sau đó, cựu binh người Mỹ này đã chuyển cho tôi một số tư liệu, thông tin, bảng tường thuật và các hình ảnh, sơ đồ, vị trí hố chôn tập thể quân, dân ta tại đồi Xuân Sơn. Nhờ vậy, tôi có được những thông tin khá cụ thể về mộ phần của các liệt sĩ", cựu binh Đặng Hà Thụy chia sẻ.

Cũng theo ông Thụy, trận tập kích cụm quân Mỹ đóng giữ tại đồi Xuân Sơn do Trung đoàn 22 đảm nhiệm là một chiến công đặc biệt xuất sắc, thắng lợi có ý nghĩa to lớn, giáng đòn nặng góp phần phá vỡ chiến thuật "điểm tựa", "đóng chốt" của quân Mỹ. Tuy nhiên, đây là trận chiến quân, dân ta hy sinh và mất mát rất lớn.

Rớt nước mắt lễ truy điệu 60 liệt sĩ hy sinh tại đồi Xuân Sơn: "Đồng đội ơi, nhớ đồng đội"! - Ảnh 5.

Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định Hồ Quốc Dũng xúc động trong lễ truy điệu và an táng các liệt sĩ đã hy sinh ở đồi Xuân Sơn. Ảnh: Dũ Tuấn.

Đọc điếu văn trong lễ truy điệu và an táng các liệt sĩ, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long cho biết, đã 56 năm trôi qua, hình hài xương thịt các anh hùng liệt sĩ đã trở thành đất đá, cỏ cây, thành những mạch nước chảy trong lòng đất mẹ, hòa vào truyền thống cội nguồn của dân tộc. 

Sự hy sinh đó đã để lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân, đã để lại cho mảnh đất Hoài Ân anh dũng, kiên cường, nơi đã sản sinh ra Sư đoàn 3 anh hùng hôm nay những vườn cây trái tốt tươi, cánh đồng trĩu hạt, cho tuổi thơ xinh màu áo học trò; cho ngói đỏ mái trường và tình thương của xã hội; cho tiếng chim ca trong nắng vàng sớm mai; cho khúc nhạc công nghiệp trải dài và phát triển.

Vẫn còn đó dây thắt lưng, bình tông, tăng, võng, những đôi dép cao su, những mảnh dù mục vụn, những tấm khăn choàng, những kỷ vật vợ trao chồng, mẹ trao con trước lúc lên đường làm nghĩa vụ thiêng liêng đối với Tổ quốc, tất cả thật là vô giá.

Rớt nước mắt lễ truy điệu 60 liệt sĩ hy sinh tại đồi Xuân Sơn: "Đồng đội ơi, nhớ đồng đội"! - Ảnh 6.

Cụ Võ Thị Tịnh (83 tuổi, ở xã Thiệu Tân, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa - vợ liệt sĩ Đỗ Ngọc Đương) vô cùng nghẹn ngào vì đến giờ mới biết chồng mình hy sinh ở Bình Định. Ảnh: Dũ Tuấn.

"Việc tìm được hài cốt các đồng chí là niềm vui mừng khôn xiết, vì đó là tâm nguyện hằng ấp ủ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định, phải làm tròn trách nhiệm của mình đối với những người đã hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Kể từ hôm nay, các đồng chí sẽ được trở về với đồng đội của mình ở Nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Tăng Bạt Hổ trong tình cảm thương yêu vô hạn của đồng chí, đồng bào. Với tất cả lòng thành kính và tri ân sâu sắc, chúng ta cùng nguyện cầu cho anh linh các đồng chí được siêu thoát nơi cõi vĩnh hằng. Tổ quốc ta, nhân dân ta mãi mãi ghi công. Tên tuổi của các anh hùng liệt sĩ đời đời bất diệt", ông Phi Long xúc động nói.

Tự hào về những chiến công oanh liệt

Tối 17/4, tỉnh Bình Định long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng huyện Hoài Ân (19.4.1972 - 19.4.2022).

Về dự lễ kỷ niệm ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận, biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Hoài Ân đã đạt được trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân Hoài Ân luôn một lòng sắt son với Đảng, anh dũng, kiên cường và góp phần cùng với cả tỉnh trở thành hậu phương vững chắc của Khu V.

"Từ ngày 10/3/2022, các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Định đã phối hợp phát hiện vị trí chôn các liệt sĩ hy sinh năm 1966 tại Đồi Xuân Sơn, xã Ân Hữu. Tôi đánh giá cao các cơ quan, đơn vị của tỉnh Bình Định trong việc phối hợp tìm kiếm, quy tập hài cốt các chiến sĩ đã hy sinh để đưa các anh về an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Tăng Bạt Hổ, thể hiện tình cảm và trách nhiệm, sự tri ân của thế hệ hôm nay đối với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho quê hương, đất nước", ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

img

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Cờ thi đua của Chính phủ cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hoài Ân. Ảnh: Dũ Tuấn.

Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, để xây dựng Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu của khu vực miền Trung như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra, Đảng bộ, chính quyền, dân và quân huyện Hoài Ân nói riêng và tỉnh Bình Định nói chung, cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, truyền thống tốt đẹp của quê hương, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tranh thủ mọi nguồn lực, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2022 và các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, huyện đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

"Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng huyện Hoài Ân, chúng ta tự hào về những chiến công oanh liệt và truyền thống vẻ vang của quân và dân ta, chúng ta nguyện sẽ quyết tâm gìn giữ và phát huy mạnh mẽ truyền thống quý báu đó trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, viết tiếp trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc", ông Nguyễn Trọng Nghĩa nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem