Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát.
Gánh nặng 2,4 tỷ đồng lãi vay/ngày trên vai ông Trần Đình Long
Hơn 1 năm qua, mỗi khi nhắc tới hoạt động kinh doanh của Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát dưới sự điều hành của ông Trần Đình Long, thông tin về tiến độ của Dự án Khu liên hợp Gang thép Hoà Phát Dung Quất luôn thu hút sự chú ý đặc biệt từ các nhà đầu tư.
Với cá nhân Chủ tịch Trần Đình Long và các cổ đông Hoà Phát, Khu liên hợp Gang thép Hoà Phát Dung Quất không chỉ mang ý nghĩa đơn thuần về phát triển kinh tế, mà còn giúp doanh nghiệp định hình lại bức tranh thị phần ngành thép khu vực phía Nam. Xa hơn, là giúp Hòa Phát từ người cao 1,7m sẽ thành người cao 3,4m như lời ví von của ông Trần Đình Long.
Song trước khi Khu liên hợp Gang thép Hoà Phát Dung Quất chính thức vận hành, giúp suất đầu tư của Hoà Phát chỉ bằng 1/3 so với Formosa, doanh nghiệp của ông Trần Đình Long đang phải đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn từ số nợ vay và lãi vay đang tăng trưởng đều đặn sau mỗi quý kinh doanh.
Một góc cầu cảng thuộc Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất.
Tại thời điểm 30/9/2019, Hòa Phát đã vay nợ thêm 13.861 tỷ đồng, nâng tổng vay nợ tài chính lên 38.168 tỷ đồng, tăng 57% so đầu kỳ. Con số lãi vay Hòa Phát phải trả vì vậy cũng tăng lên 666 tỷ đồng. Như vậy, bình quân mỗi ngày Hòa Phát phải trả hơn 2.4 tỷ đồng chi phí lãi vay.
Trong quý III/2019, Hòa Phát đã chi thêm 1.0845 tỷ đồng vào dự án Khu liên hiệp Gang thép Dung Quất. Chi phí xây dựng dở dang của dự án này tại ngày 30/9/2019 là 44.600 tỷ đồng, chiếm 46% tổng tài sản của doanh nghiệp.
Về tiến độ của dự án, Hòa Phát dự kiến chạy thử lò cao số 2 trong tháng 11/2019. Đến cuối quý I/2020, Hòa Phát sẽ có sản phẩm thép dẹt cán nóng (HRC) và mở bán khu đô thị Bắc Phố Nối – Hưng Yên.
Trong bối cảnh đó, lượng tiền nhàn rỗi trong kỳ của Hòa Phát đã giảm 6% so với đầu kỳ, còn 5.814 tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương của Hòa Phát tăng gần 58% lên 3.973 tỷ đồng. Ngược lại, đầu tư tài chính ngắn hạn, tức tiền gửi có kỳ giảm 50%, xuống 1.841 tỷ đồng.
Một công nhân tại khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại Dung Quất.
Trước đó, tại ngày 30/06/2019, tổng tài sản của Hoà Phát đã đạt 93.019 tỷ đồng, tăng 19% so với thời điểm 31/12/2018, và 75% so với thời điểm 31/12/2017 do khoản mục chi phí xây dựng dở dang, tập trung tại dự án Khu liên hợp gang thép Hoà Phát - Dung Quất tăng mạnh.
Do doanh nghiệp phải sử dụng nợ vay tài trợ cho dự án Khu liên hợp gang thép Hoà Phát-Dung Quất, vậy nên các chỉ số liên quan đến nợ vay như Nợ phải trả/Tổng tài sản và Nợ vay dài hạn/Tổng tài sản đều tăng khá mạnh và đạt mức lần lượt 52,4% và 21,8%, tăng so với mức 48,1% và 16,4% so với thời điểm 31/12/2018.
Bên cạnh những thông tin về tình hình tài chính của Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát được chia sẻ phía trên, hiện tại, Khu liên hợp gang thép Hoà Phát-Dung Quất đã bị chậm tiến độ so với kế hoạch ban đầu là hoàn thành giai đoạn 1 vào tháng 2/2019 và giai đoạn 2 vào tháng 10/2019). Ngoài ra, dự án cũng bị tăng vốn so với kế hoạch ban đầu do Hòa Phát muốn đầu tư nhiều hơn cho hệ thống môi trường, hệ thống cảng biển của dự án.
Việc dự án Dung Quất Hòa Phát chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp do Hòa Phát vẫn phải trả nợ gốc và lãi vay trong khi dòng tiền thu về từ hoạt động kinh doanh bị chậm trễ. Ngoài ra, khi thời gian chậm trễ kéo dài thì chi phí lãi vay sẽ được hạch toán vốn hóa vào khoản mục tài sản cố định và làm tăng chi phí khấu hao khi tài sản cố định được hoàn thiện.
Lợi nhuận Hoà Phát về đáy 2 năm
Khó khăn của ông Trần Đình Long và các cộng sự tại Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng khi doanh nghiệp ghi nhận thêm một quý kinh doanh có lợi nhuận “đi lùi”.
Trong bối cảnh bất lợi với các doanh nghiệp ngành thép, khi giá bán thép giảm và giá nguyên liệu đầu vào tăng, Hoà Phát đã ghi nhận con số doanh thu đạt 15.087 tỷ đồng, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, doanh thu chủ yếu đến từ bán hàng, một phần nhỏ từ bất động sản.
Do tốc độ tăng trưởng giá vốn cao hơn tăng trưởng doanh thu đã khiến lãi gộp của Hoà Phát giảm 17%, xuống còn 2.702 tỷ đồng. Biên lãi gộp giảm đáng kể, từ 23% của quý III/2018 xuống còn 17.9% trong quý III/2019.
Cộng thêm mức tăng trưởng đáng kể của chi phí lãi vay, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp. Vậy nên, lợi nhuận Hoà Phát chỉ còn 1.755 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước và cũng là mức thấp nhất trong nơn 2 năm qua.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, Hoà Phát đạt doanh thu thuần gần 45.683 tỷ đồng, tăng 10% so với 9 tháng đầu năm 2018. Tuy nhiên, lãi ròng của Tập đoàn lại giảm 18%, đạt hơn 5.590 tỷ đồng. So với kế hoạch đề ra, HPG thực hiện hơn 65% chỉ tiêu doanh thu và 84% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm 2019.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.