Áp lực vay nợ lớn, ông Trần Đình Long dùng cổ phiếu cá nhân bảo đảm khoản vay cho Hoà Phát?

Hoàng Nhật Thứ sáu, ngày 30/08/2019 07:00 AM (GMT+7)
Báo cáo tài chính 6 tháng 2019 soát xét cho thấy, Hoà Phát của ông Trần Đình Long đang chịu áp lực lớn về vay nợ, khi khoản mục nợ phải trả tăng mạnh lên 48.763 tỷ đồng. Theo đó, tài sản đảm bảo trị giá hơn 40 nghìn tỷ dùng để thế chấp ngân hàng đều nằm ở mục xây dựng cơ bản dang dở. Ngoài ra, ông Trần Đình Long cũng dùng cổ phiếu cá nhân để đảm bảo cho khoản vay hơn 1.700 tỷ của Hoà Phát.
Bình luận 0

img

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát. 

Hai lần ông Trần Đình Long dùng cổ phiếu cá nhân “bảo lãnh” cho Hoà Phát

Sau khi BCTC hợp nhất 6 tháng đầu năm 2019 đã soát xét của Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát được công bố, một nội dung được cổ đông Hoà Phát và nhà đầu tư quan tâm chính là các khoản nợ của doanh nghiệp.

Trong tổng tài sản tại ngày 30/6/2019 trị giá 93.019 tỷ đồng, nợ phải trả được Hoà Phát của ông Trần Đình Long ghi nhận ở mức 48.763 tỷ đồng, tăng thêm 11.163 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2019. Tỷ lệ nợ phải trả/Tổng nguồn vốn của Hòa Phát vì vậy cũng tăng từ 48% lên 52,4%.

Trong đó, giá trị khoản vay ngắn hạn và dài hạn tại ngày 30/6/2019 của Hoà Phát lần lượt là 14.012 tỷ đồng và 20.526 tỷ đồng. Như vậy, tổng giá trị của hai khoản vay này là 34.538 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ tương 71% nợ phải trả và 37% tổng nguồn vốn.

img

Giá trị khoản vay ngắn hạn của Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát tính tới 30/6/2019

Trong số tiền 14.012 tỷ đồng vay ngắn hạn, Hoà Phát của ông Trần Đình Long ghi nhận 11.380 tỷ đồng vay bằng VND, 2.334 tỷ đồng vay bằng USD và hơn 27 tỷ đồng vay bằng JPY.

Phân loại khoản mục vay ngắn hạn, Hoà Phát có khoản vay ngắn hạn trị giá 8.297 tỷ đồng bằng VND và 1.535 tỷ đồng bằng USD được đảm bảo bằng một số khoản tương đương tiền, đầu tư nắm giữ tới ngày đáo hạn ngắn hạn, hàng tồn kho, tài sản cố định hữu hình và vô hình, chi phí trả trước dài hạn và một số cổ phiếu HPG thuộc sở hữu của thành viên HĐQT Tập đoàn Hoà Phát.

Xung quanh câu chuyện sử dụng cổ phiếu HPG thuộc sở hữu của thành viên HĐQT Tập đoàn Hoà Phát làm tài sản đảm bảo. Dù thông tin chi tiết không được doanh nghiệp nêu ra trong BCTC, song tháng 5/2019, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát, đã quyết định dùng 100 triệu cổ phiếu HPG có trị giá gần 3.300 tỷ đồng để bảo lãnh cho một công ty con của Hòa Phát vay 1.700 tỷ đồng từ Vietcombank.

Và đó không phải lần đầu tiên ông Trần Đình Long sử dụng cổ phiếu cá nhân để bảo đảm khoản vay cho Hoà Phát. Năm 2016, HĐQT Hòa Phát từng đồng ý thông qua giao dịch giữa thành viên HĐQT công ty và Công ty con của Hòa Phát.

Cụ thể, ông Trần Đình Long bảo đảm bằng cổ phiếu của cá nhân cho Công ty TNHH MTV Thương mại và Sản xuất thức ăn chăn nuôi Hòa Phát vay vốn tại Vietcombank để bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh với hạn mức 600 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho vay là 3 triệu cổ phiếu HPG, được định giá tại mức giá 20.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng giá trị 60 tỷ đồng.

Quay trở lại khoản vay ngắn hạn tính tới ngày 30/6/2019 của Hoà Phát, các khoản vay ngắn hạn bằng VND chịu lãi suất từ 3,4-6,61%/năm, các khoản vay bằng USD chịu lãi suất từ 2,9- 4,1%/năm, các khoản vay bằng JPY chịu lãi suất 1,3%/năm.

Gánh nặng nợ vay và niềm hi vọng gang thép Dung Quất

Đối với 20.526 tỷ đồng vay dài hạn, chủ nợ dài hạn lớn nhất của Hòa Phát là VietinBank-chi nhánh Hà Nội, với dư nợ vay 7.997 tỷ đồng. Tiếp theo là VietcomBank-chi nhánh Đống Đa, với dư nợ vay 6.099 tỷ đồng. BNP Paribas xếp ở vị trí thứ 3 khi cho Hòa Phát vay dài hạn bằng USD với dư nợ quy đổi 4.670 tỷ đồng.

Các khoản vay dài hạn tại VietinBank, Vietcombank và ANZ được đảm bảo bằng một số hàng tồn kho, tài sản cố định hữu hình, xây dựng cơ bản dở dang của một số dự án thuộc Tập đoàn Hòa Phát.

Khoản vay VND từ ngân hàng HSBC trị giá 884 tỷ đồng được bảo lãnh bởi một công ty con trong Tập đoàn.

Các tài sản được Hòa Phát sử dụng làm tài sản bảo đảm tại ngày 30/6 là tiền và tương đương tiền, chi phí trả trước dài hạn, tài sản cố định hữu hình, hàng tồn kho, xây dựng cơ bản dở dang của một số dự án.

img

Hệ thống cảng dự án Khu liên hợp gang thép tại Dung Quất được đầu tư hiện đại.

Khoản tài sản bảo đảm đáng chú ý nhất của doanh nghiệp do ông Trần Đình Long làm Chủ tịch xuất hiện tại mục xây dựng cơ bản dở dang. Có tới 40.236 tỷ đồng trên tổng số tiền 47.053 tỷ đồng được Hoà Phát sử dụng để thế chấp ngân hàng nhằm đảm bảo cho các khoản vay của Tập đoàn.

Trong đó, dự án Khu liên hợp gang thép tại Dung Quất ghi nhận con số chi phí xây dựng dở dang lên tới 42.919 tỷ đồng, tăng hơn 9.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2019 và chiếm trên 90% tổng chi phí đầu tư của Hoà Phát vào các dự án lớn.

Trước đó, khi Hoà Phát của ông Trần Đình Long công bố BCTC quý II/2019 với lượng nợ vay tăng và chi phí lãi vay tăng lên nhanh chóng, nhiều nhà đầu tư đã đưa ra dự đoán, số tiền này nhiều khả năng được dùng để tài trợ việc xây dựng cơ bản dự án Khu liên hợp gang thép tại Dung Quất. Đây là dự án được ban lãnh đạo Hoà Phát đầu tư lớn về tiền bạc, thời gian, tâm sức với mục tiêu sẽ tạo nên tầm vóc mới, một diện mạo mới cho Hòa Phát.

img

Tiến độ dự án Khu liên hợp gang thép tại Dung Quất

Theo Công ty Chứng khoán VCB, cuối quý II/2019, dự án Khu liên hợp gang thép tại Dung Quất đã đưa vào chạy thử nghiệm lò cao 1. Toàn bộ dây chuyên chuyền lò cao 1, luyện thép và nhà máy cán thép 1 sẽ được đồng bộ và bắt đầu thương mại vào cuối năm 2019. Đến tháng 3/2020, Hoà Phát sẽ có sản phẩm thép cán nóng.

Đến cuối 2019, Hoà Phát của ông Trần Đình Long sẽ đầu tư 50.000 tỷ đồng cho dự án Khu liên hợp gang thép tại Dung Quất. Số tiền này được ghi nhận ban đầu tại “Tài sản xây dựng cơ bản dở dang”. Sau đó, tiến trình chuyển thành tài sản cố định sẽ phụ thuộc vào tiến độ nghiệm thu các nhà máy thành phần.

Trong đó, nhà máy cán thép 1 đã được chuyển sang tài sản cố định và bắt đầu trích khấu hao từ Q2/2019. Dự kiến đến hết năm 2019 giá trị khấu hao tăng thêm từ dự án Khu liên hợp gang thép tại Dung Quất sẽ trong khoảng từ 1.000-1.500 tỷ đồng. Đồng thời, theo ước tính từ phía doanh nghiệp, sau khi dự án Dung Quất được vận hành hoàn toàn năm 2020 tổng khấu hao tăng thêm sẽ vào khoảng 4.000 tỷ đồng/năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem