Bỏ rừng, trồng cao su, rồi lại bỏ cao su…
Vào năm 2008, khi giá mủ cao su đạt hơn 3.000 USD/tấn rồi vọt lên xấp xỉ 6.200 USD/tấn vào năm 2011, tỉnh Gia Lai đã quyết định chuyển đổi 50.000ha rừng nghèo sang trồng cao su và cấp phép 44 dự án trồng cao su trên đất rừng nghèo cho 17 doanh nghiệp tại 5 huyện gồm: Chư Prông, Chư Pưh, Đức Cơ, Ia Pa và Ia Grai với diện tích 32.555ha với tổng kinh phí đầu tư hơn 4.670 tỷ đồng… Sau 7 năm thực hiện, đến nay các doanh nghiệp đã khai hoang 27.642ha; trồng mới được 25.891ha cao su và còn 6.636ha đất chưa trồng cao su…
Những vườn cao su kém phát triển trên đất rừng nghèo ở Gia Lai. Ảnh: Quốc Dinh
Theo báo cáo kết quả giám sát của Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh Gia Lai mới đây, trong số 25.891 ha cao su được trồng mới đã có 2.598 ha chết hoặc kém phát triển (chiếm 10,2% diện tích). Có những nơi, dù đã được trồng đi trồng lại nhiều lần, cao su vẫn không thể phát triển. Diện tích này tập trung chủ yếu tại địa bàn các xã Ia Mơr (Chư Prông), Ia Pnôn (Đức Cơ), Pờ Tó (Ia Pa), Ia Blứ... Thực tế cho thấy, không phải cứ đất “rừng nghèo” nào trong các dự án cũng trồng được cao su. Có nhiều diện tích đất rừng nghèo là đất rừng khộp lớp canh tác mỏng, bên dưới có tầng đất sét hoặc đá sỏi kết vón chặt, tầng đá ong dày; dễ ngập úng về mùa mưa nhưng lại dễ kiệt nước vào mùa khô… khó có thể trồng được cao su. Vậy mà không hiểu vì sao trước đó, các doanh nghiệp báo cáo thế nào mà lại được cấp phép trồng cao su?
Trên thực tế, những vườn cao su còn sống hiện nay cũng chỉ là “hình thức”, còn năng suất và sản lượng mủ thế nào thì chưa ai đánh giá được. Cũng chính bởi lý do này, một số doanh nghiệp có diện tích cây cao su bị chết, kém phát triển đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng. Theo thống kê, đã có 81ha đất được Công ty CP Hoàng Anh chuyển đổi trồng mía, trồng cỏ nuôi bò. Tại huyện Chư Prông, một số diện tích khai hoang không phù hợp trồng cao su đã được Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê trồng sắn… Thậm chí tại huyện Chư Pưh, một số diện tích cao su đang có dấu hiệu bị ngừng đầu tư, chăm sóc…
Lời hứa gió bay
Cũng theo báo cáo của HĐND tỉnh Gia Lai, khi được tham gia dự án, 17 doanh nghiệp đã nhận 44 dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su và cam kết với UBND tỉnh Gia Lai sẽ tuyển lao động người địa phương vào làm việc. Theo đó, dự kiến 9.379 lao động sẽ được tuyển dụng dài hạn. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng vùng dự án 188,5 tỷ đồng; hỗ trợ an sinh xã hội gần 60 tỷ đồng… Thế nhưng theo khảo sát mới đây của HĐND tỉnh Gia Lai, các doanh nghiệp mới đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đạt 244 tỷ đồng; hỗ trợ an sinh xã hội 47,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều đáng nói là việc xây dựng cơ sở hạ tầng chủ yếu là đầu tư cho chính doanh nghiệp chứ không phải đầu tư cho địa phương…
Trái với những hứa hẹn, cam kết ban đầu, hiện tại số lao động là người địa phương được tuyển dụng của toàn bộ dự án chỉ mới 2.254 người - trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ chỉ có 777 người. Số lao động đồng bào DTTS được tuyển dụng dài hạn chủ yếu tập trung ở các công ty thuộc Binh đoàn 15, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Còn lại hầu hết đều là lao động thời vụ - lên tới 2.414 người. Đấy cũng chỉ là theo số liệu báo cáo của các doanh nghiệp, còn con số thực cho đến nay chưa ai nắm được…
Điển hình cho sự thất hứa, chậm thực hiện cam kết phải kể đến các doanh nghiệp huyện Chư Pưh. Được giao hơn 6.100ha đất, 7 doanh nghiệp cam kết đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ an sinh xã hội số tiền gần 40 tỷ đồng, nhưng tới nay họ chỉ thực hiện được gần 14 tỷ đồng. Cụ thể: Công ty Đức Long Gia Lai chỉ hỗ trợ địa phương 900 triệu đồng thay vì phải 5,3 tỷ đồng như đã cam kết. Ba doanh nghiệp khác là Công ty TNHH Trang Đức, Công ty THHH Việt Hàn, Công ty CP Hoàng Anh (Hoàng Anh Gia Lai) chưa hề thực hiện hỗ trợ cho địa phương…
Trao đổi với PV NTNN, ông Phạm Anh Hùng- Tổng Giám đốc Công ty Đức Long Gia Lai cho biết, trước khi thực hiện đã thuê đơn vị của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tiến hành khảo sát đầy đủ việc trồng cao su và tới đây sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết. Riêng với các diện tích đất trồng cao su bị chết, hoặc không phù hợp, công ty sẽ xin chuyển sang sử dụng vào mục đích khác. “Nếu được tỉnh Gia Lai cho phép, công ty cũng sẽ cho chuyển đổi một phần diện tích cao su không hiệu quả sang trồng loại cây phù hợp, có hiệu quả hơn”– ông Hùng nói.
Đề nghị xử lý trách nhiệm
Mới đây, cũng trong báo cáo giám sát của mình, HĐND tỉnh Gia Lai đã đề nghị xử lý trách nhiệm đối với các đơn vị tư vấn thực hiện khảo sát, điều tra không đúng theo quy định và báo cáo không chính xác kết quả điều tra hiện trạng đất và rừng của những dự án trồng cao su đã để lại nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp, môi trường sinh thái kèm theo nhiều diện tích rừng tự nhiên bị tàn phá…
|
Ngày 18.8, PV NTNN đã trao đổi với Chánh văn phòng UBND tỉnh Gia Lai Ngô Ngọc Sinh. Ông Sinh chưa trả lời vì cho biết đang đi công tác, đồng thời đề nghị PV sang làm việc với Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai. Khi PV cho rằng đây là chủ trương của UBND tỉnh Gia Lai, cấp Sở sao dám trả lời thì ông Sinh cho biết: “Phải chờ xem Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai đề xuất với UBND tỉnh Gia Lai thế nào”.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.