Rừng Quảng Nam bớt “nóng”

Khải Phong Thứ sáu, ngày 17/10/2014 09:12 AM (GMT+7)
Quảng Nam có thời kỳ là điểm nóng phá rừng của cả nước. Lâm tặc sau khi hạ cây trái phép đã lấy gỗ kết thành bè đưa đi công khai từng đoàn trên sông... Tình trạng đó bây giờ không còn nữa. Rừng Quảng Nam đã được bảo vệ tốt hơn.
Bình luận 0

Khởi động cuộc chiến với lâm tặc

Trong 10 năm (2000-2010), chính quyền Quảng Nam vất vả với nạn lâm tặc tự do tung hoành, thách đố lực lượng chức năng, thậm chí đối đầu với cơ quan chức năng. Cây rừng ở Quảng Nam liên tục đổ xuống. Chỉ tính trong 3 năm (2008 -2010), số gỗ lâm tặc khai thác trái phép mà cơ quan chức năng bắt giữ được bằng với chỉ tiêu khai thác rừng hàng năm của tỉnh – hàng chục ngàn khối gỗ. Đây chỉ là số bắt được, thực tế số gỗ “trôi” thoát phải gấp nhiều lần. Đỉnh điểm của tình trạng này là vào năm 2009, nguyên giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam bị ra toà vì “bắt tay” với lâm tặc phá rừng.

img
Ông Nguyễn Thanh Quang vào bếp chứng kiến bữa ăn nghèo khó của người dân tái định cư Thuỷ điện Sông Tranh 2 vì không có đất sản xuất.


Lên làm giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam trong bối cảnh như vậy, ông Nguyễn Thanh Quang tự thấy như mình đang ngồi trên “ghế nóng”. Đây là một sở đa ngành, gồm cả nông nghiệp, lâm nghiệp, kiểm lâm, thủy sản…, với rất nhiều lĩnh vực cần phải nhập cuộc, nhưng ông Quang chọn mảng nóng nhất, được dư luận chú ý nhất là phá rừng để “băng” vào.

“Tình thế lúc đó buộc phải hành động, không nói nhiều, không có thời gian để vạch ra lộ trình, nhưng tôi cũng hình dung mình sẽ thực hiện 2 nhóm giải pháp. Thứ nhất là hạ nhiệt điểm nóng, gồm có đối mặt với lâm tặc, cảnh cáo, răn đe chúng, làm cho chúng chùn tay; thức tỉnh lực lượng kiểm lâm, huy động các cơ quan chức năng vào cuộc chống lâm tặc. Thứ hai là tìm cách ổn định cuộc sống người dân sống gần các khu rừng, giúp họ sống được với rừng và chung tay bảo vệ rừng” – ông Quang nhớ lại.

Ông Quang không quản ngày đêm, lên rừng xuống sông, bất kể chỗ nào có thông tin về phá rừng, có lâm tặc là ông đến. Ông đã rất đơn độc khi khởi đầu cuộc chiến này. Có những đêm, ông phải vào tận trạm gác barie của kiểm lâm để đánh thức cán bộ dậy, ra bắt xe lâm tặc cùng ông. Ông đã “bắt gặp” những cuộc điện thoại của cán bộ trong ngành đánh động cho lâm tặc hòng chạy thoát. Mỗi chuyến đi truy quét, ông phải tìm cách “ngụy trang” ngay với người trong ngành để giữ bí mật đến phút cuối cùng. Ông bị đe doạ, bị chửi bới nhiều như cơm bữa. Cũng may là ông không nản, không chùn tay. Ngành ông tham mưu cho tỉnh ra hàng loạt văn bản ngăn chặn lâm tặc như tịch thu thuyền bè trên hồ Phú Ninh; tiêu huỷ các phương tiện khai thác rừng vô chủ trong các cuộc truy quét…

Dân ở rừng sống được với rừng

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thanh Quang chỉ đạo quyết liệt rà soát lại hiện trạng để quy hoạch điều chỉnh lại rừng. Nhờ đó, Quảng Nam nhanh chóng hoàn thành việc phân ba loại rừng. Từ cơ sở này, ngành nông nghiệp tiếp tục tham mưu cấp đất rừng sản xuất cho người dân miền núi, nhất là dân tái định cư các dự án thuỷ điện. Trước đó, cả nghìn hộ dân tái định cư thuỷ điện không được cấp đất sản xuất đã không còn cách nào mưu sinh ngoài việc phá rừng phòng hộ để làm nương rẫy. Việc cấp đủ đất sản xuất cho dân tái định cư đã làm giảm thiểu rất nhiều tình trạng xâm lấn rừng, tiếp tay lâm tặc phá rừng.

Cũng trên cơ sở quy hoạch lại rừng, ngành nông nghiệp đã tham mưu cho tỉnh đưa cây cao su vào đất Quảng Nam. Việc trồng, chăm sóc và thu hoạch mủ cho cả ngàn ha cao su đã giải quyết việc làm cho bộ phận lớn người dân miền núi Quảng Nam từ 2011 đến nay.

“Ngoài cây cao su, cái phao lớn cho dân miền núi Quảng Nam là Nghị định 99 về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đây là chủ trương xã hội hoá nghề rừng, từng bước xóa đói giảm nghèo cho các hộ dân tại khu vực miền núi. Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam đã thấy ngay hướng đi từ nghị định này và triển khai ráo riết, triệt để” – ông Quang cho biết.

Quảng Nam đã tiến hành thu dịch vụ môi trường rừng từ các nhà máy thủy điện, nhà máy nước sạch tại 7 lưu vực rừng với mỗi năm khoảng 50 tỷ đồng. 85% khoản thu này được chi trả lại cho người dân miền núi, miền rừng để họ tham gia giữ rừng. Đồng bào miền núi Quảng Nam tại 7 lưu vực nói trên hàng năm có một nguồn thu nhập từ giữ rừng đáng kể, tính ra tương đương với 4.000 tấn gạo/năm. Không cần phải bắt tay với lâm tặc, người dân miền núi, miền rừng Quảng Nam bằng việc tham gia giữ rừng cũng đã có cuộc sống ổn định. Người dân “quay lưng” với lâm tặc thì rừng Quảng Nam được gìn giữ, môi trường tự nhiên được bảo đảm.

Được biết, trong 400.000ha rừng tự nhiên của Quảng Nam, đến nay đã có 270.000ha rừng được quản lý, bảo vệ từ những ông chủ tổng (Ban quản lý bảo vệ rừng) đến những ông chủ con (hộ dân). Cuộc sống ổn định đã từng bước về với đồng bào miền núi, miền rừng Quảng Nam. “Đồng bào ổn định thì rừng cũng ổn định”- ông Quang chốt lại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem