Ruộng đồng mưa nắng

Thứ sáu, ngày 21/06/2013 19:37 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ai đầu tiên ví trang giấy như cánh đồng? Sau 17 năm cầm bút, tôi càng thấm thía hình ảnh ấy. Đâu chỉ nắng mưa, có mất mùa, dông bão... và không phải ai cũng có mùa vàng...
Bình luận 0

1. Với dân làm báo chuyên nghiệp, cứ mỗi năm, tới tháng 6, lại như sống trong phức cảm. Kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, mỗi nhà báo lại có dịp tự tổng kết công việc, thành quả của mình năm qua, năm nay và về thời gian sống - viết. "Những trưa tháng Sáu/Nước như ai nấu/Chết cả cá cờ/Cua ngoi lên bờ/Mẹ em xuống cấy". Chẳng phải chỉ người mẹ nông dân của chú bé Trần Đăng Khoa hơn 40 năm trước viết “Hạt gạo làng ta” mới đầm chân trong nước bỏng để cấy mạ; bao mùa rồi, những người cầm bút dấn thân, biết điểm cực của nóng bỏng và giá rét.

img
Sạp báo thể hiện dòng chảy đời sống mỗi ngày.

Cỗ máy báo chí vận hành bởi nhiều bộ phận, khâu đoạn. Đội ngũ nhà báo - người làm báo - người viết báo ngày càng đông đảo, đa dạng. Dù nhà báo và nhà nông khác nhau về "trường tư duy", nhưng liên hệ về lao động và ước muốn, thì nhiều điểm tương đồng. Sự tương đồng này lớn đến mức, hợp lý cả khi mở rộng phạm vi: Người cầm bút, gồm cả các nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu...

Nhiều sự kiện hội họp, liên hoan phim - sân khấu ấn định lịch, nhưng diễn biến khó biết trước. Bám sát, dự định, định hướng thông tin là yêu cầu của một người viết có trình độ chứ không chỉ tường thuật, phản ánh. Tất nhiên, thực tế, sự phân cấp tay nghề căn cứ bởi tài "thể hiện sự thật", dấu ấn tác phẩm. Viết đa dạng thể loại, lại còn viết hay, được độc giả hâm mộ, chờ đợi, đạt thương hiệu ở mảng viết nổi trội là nhà báo có sức mạnh uy tín. Có người viết nhiều tin, bài tin liên tục, lâu năm vẫn không thành danh. Suy ra, sự "thâm canh", "đa canh" trong nông nghiệp hay nghiệp bút, đều ở năng lực, đầu óc chứ chẳng lệ "chất đất". Một người viết thiện chiến, chịu "cày", không những làm tốt việc "ruộng nhà" (báo mình), còn có thể tham gia vài "đồng" (báo) khác, thậm chí có không ít trường hợp "cày" trên "đồng lạ", "đánh thuê" xuất sắc hơn "đồng nhà", được chú ý hơn chỗ "cắm chốt" lâu năm, là do phạm vi báo ngoài mở rộng hơn, nên có "đất" phô diễn.

2. Sài Gòn - Gia Định là nơi ra đời báo quốc ngữ đầu tiên năm 1865, đến nay là TP. Hồ Chí Minh - vẫn là nơi đời sống báo chí sôi động nhất nước. Người đời phân ra "Văn Bắc, báo Nam". Thuận lợi hay khó khăn về điều kiện sống, tư duy và môi trường báo chí không bao giờ là lực cản cho người có tâm, chí, kiên trì, say mê, công việc. Cuộc sống đang diễn ra ngồn ngộn đề tài, số phận, vấn đề để khai thác, viết hay, ở đâu cũng vậy.

Làm gì cũng cần may mắn, còn lao động chữ, không thể trông vào nâng đỡ, ăn may mà nên chuyện, mà bền nghề. Không có gì tự nhiên, không có giá của nó, nhất là sáng tạo và tình yêu đích thực, tôi tin thế. Với tôi, sáng tạo và tình yêu đan quyện, tương tác và nâng đẩy nhau, một tình yêu, cách yêu hiểu theo nghĩa rộng lớn và sâu sắc. Thông dụng, chúng ta thường gọi "bài báo", khi viết, tôi luôn coi viết báo là dạng tác phẩm mà danh dự, tính trách nhiệm của tác giả là tên ký ở mỗi bài. Lúc cày cấy, ngâm chân tay trong bùn ruộng. Lúa lớn, ruộng thành cánh đồng, đồng xanh lúa trổ, đòng đòng hương bay. Mấy tháng ròng phun thuốc, làm cỏ, lúa bắt đầu nặng hạt thì cắm bù nhìn đuổi chim, để ý vịt, trâu, bò.

“Bút sa gà chết” sự cẩn trọng về ngôn ngữ, những thông tin nóng sốt luôn đòi hỏi mỗi phóng viên phải nhạy cảm đặt mình vào tình huống phức tạp kép- đúng nhưng phải hay, hấp dẫn, mới - không nhiều người đạt đủ tố chất này”.

Gặt xong, đồng trơ cuống rạ, lại đốt gốc rạ để chuẩn bị cày bừa, cấy vụ tiếp... Việc nhà nông tần tảo một nắng hai sương, tưởng tuần tự mà lắm âu lo- nào bão lũ, nắng gắt, lúc thiếu nước, sâu bệnh, giá lúa giảm, chi phí leo thang, ôi thôi đủ bề. Người cầm bút, nhà báo thì làm gì có "nông nhàn", mùa vụ trải suốt năm tất bật, cao điểm là cuối năm - mùa báo tết. Nhà văn chủ động cao hơn nhà báo về đặc thù công việc tương đối độc lập, nhưng đều chịu sức ép của vòng quay mưu sinh, nghĩa vụ đời sống. Ngày nay, khi đa số báo thành nhật báo, có báo điện tử, áp lực tiến độ càng cao. Cùng lúc, vừa bảo đảm hiệu suất số lượng tin bài, vừa duy trì được sáng tác văn chương là đòi hỏi cực khó cho ai trót "đa mang".

3. Quy luật đào thải, nghiệt ngã không dung chứa những kẻ gian dối, lười biếng, kém cỏi. Trong nghề báo, dạng này chỉ có thể lẩn khuất mai danh, tầm gửi. Nghề báo được coi là quyền lực thứ tư trong xã hội tư bản, sau lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đây cũng là một trong những nghề nguy hiểm nhất thế giới, không chỉ xông pha ra mặt trận, chiến trường theo nghĩa đen, mà còn đối mặt và chiến đấu trong cạnh tranh, cạm bẫy, cám dỗ. Sự nguy hiểm không chỉ từ chốn hòn tên mũi đạn mà ở chính trị, nghị trường, ở diễn đàn, những bài viết có tính chiến đấu, tố cáo, phản biện xã hội mà mỗi câu, chữ, từ dấu chấm, phẩy cũng phải sắc, chính xác. "Bút sa gà chết" sự cẩn trọng về ngôn ngữ, những thông tin nóng sốt luôn đòi hỏi mỗi phóng viên phải nhạy cảm đặt mình vào tình huống phức tạp kép- đúng nhưng phải hay, hấp dẫn, mới - không nhiều người đạt đủ tố chất này.

Sự nguy hiểm và hy sinh của phóng viên trong chính cuộc sống thường ngày. Để theo đuổi sự kiện, viết và nộp bài đúng hẹn kịp tiến độ, in báo, họ thường xuyên ăn uống chệch giờ. Sự không điều độ kéo dài, lại đi nhiều, thức khuya, khiến dạ dày, vai lưng đau, mắt mỏi... thành bệnh nghề nghiệp. Họ "tỉnh lược" thú vui, thời gian cho người thân, gia đình, để "vào guồng" đảm nhiệm nhiệm vụ. Nhà nông thường cầu mưa thuận gió hòa, được mùa, có khi mất mùa hay liêu xiêu vì giáp hạt. Thuần túy trồng lúa không thể khấm khá. Địa hạt văn chương, không nhà văn nào ở Việt Nam giàu nhờ viết văn, nhưng có thể sung túc nhờ nghề viết, tức là viết báo, kịch bản v.v... Lĩnh vực báo chí khác, nhà báo nhà lầu xe hơi hơi bị đông; viết khỏe, tên tuổi tay nghề "sừng sổ" thì phong lưu là chắc chắn.

4. Bút vẫn duy trì để tác nghiệp chứ không chỉ phó mặc máy ghi âm hiện đại, song công nghệ trợ giúp phóng viên ngày nay được trang bị "tận răng" các phương tiện làm nghề: Ipad, Iphone, laptop. Có thể đến lúc, nghề cầm bút gọi thành nghề “bàn phím". Cho dẫu tiến bộ đến mấy, viết bút hay gõ phím đều là chuyển động của bàn tay thể hiện tư duy của não bộ.

Bỏ qua lý thuyết về lý tưởng nghề, những tự thán và tụng ca sứ mệnh, mỗi nhà báo, nhà văn đều có mục đích cá nhân để theo đuổi nghề. Chắc chắn, trong "âm bản" mỗi người, không ai không khát thành đạt, danh vọng. Người nông dân có thể chán, từ giã ruộng đồng, người cầm bút có thể mệt nản, bỏ nghề một cách chủ động; song thực chất, ruộng đồng và báo chí, văn chương không loại bỏ ai chịu khó, có tài. Trang viết và đất đai không phụ ai biết nỗ lực.

Tháng 6 giữa năm, lại là mốc tăng tốc của những người làm báo. Sáu tháng cuối năm nhanh lắm, tăng tốc thôi! Làng báo ngày càng đông, 1,7 vạn nhà báo có thẻ và hàng ngàn cây viết, đông có vui không? Vui và "căng", người viết cạnh tranh người viết, báo chí cạnh tranh thị phần, độc giả, lượng thông tin ăm ắp từng ngày, chẳng lo "đất chật', không e hết việc. Ai đó bảo, văn chương lâu dài, còn báo chỉ có giá trị thời điểm. Không, những gì hay, ý nghĩa sẽ có tuổi thọ lâu hơn chính khả năng tự định. Thế giới là tờ báo khổng lồ mà không ai biết trước số trang của nó.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem