Đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Minh (TP.HCM) đề nghị luật cần đề cập nhiều hơn, kỹ hơn đến loại hình sách điện tử, sách kỹ thuật số.
Theo ông, sách điện tử, sách kỹ thuật số là vấn đề phức tạp nhất hiện nay trên thị trường xuất bản, liên quan đến vấn đề bản quyền và việc xuất bản, kinh doanh của các doanh nghiệp xuất bản phát hành sách”.
|
Ảnh minh họa |
ĐB Minh dẫn chứng: “Nhiều loại thiết bị điện tử có chức năng đọc sách và dễ dàng cài đặt các phần mềm đọc sách để sao chép miễn phí hàng nghìn tác phẩm văn hóa, văn học, tất cả đều không có bản quyền. Như một máy tính bảng Ipad có thể chép cả nghìn truyện tranh, trong khi một cơ sở in lậu chỉ sai phạm một vài trăm cuốn sách, mà không thể xử lý”.
Ông Minh đề nghị xuất bản phẩm điện tử, sách điện tử cũng cần phải có giấy phép xuất bản và phải có các chế tài xử lý các vi phạm bản quyền.
ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đề cập tới lĩnh vực khá nóng thời gian qua là ngôn ngữ trong lĩnh vực xuất bản. “Tính pha tạp ngôn ngữ đã đến mức báo động, đặc biệt là trào lưu ngôn ngữ thời @ của lớp trẻ đã tạo nên một xu hướng xã hội không tốt. Việc lạm dụng ngôn ngữ nước ngoài, sử dụng tiếng Việt tùy tiện ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết, tiếng lóng thể hiện trong một số xuất bản phẩm vừa qua gây nhiều tranh cãi. Cần thiết phải khẳng định những giá trị chuẩn đối với ngôn ngữ trong các xuất bản phẩm” - ĐB Thành nhấn mạnh.
Nhiều đại biểu cũng đề nghị, lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm cần được hết sức chú ý phục vụ khu vực miền núi, nông thôn. Vùng nông thôn, miền núi, vùng biên giới hiện nay hầu như vắng bóng cửa hàng sách. ĐB Nguyễn Lâm Thành đề nghị Nhà nước cần có chính sách ưu tiên để khôi phục và thúc đẩy sự phát triển của mạng lưới cơ sở phát hành, nhất là ở các địa bàn khó khăn, có các chính sách thu hút các loại hình kinh tế, nhất là tư nhân tham gia công tác phát hành theo chủ trương xã hội hóa...
Hải Phong
Vui lòng nhập nội dung bình luận.