Sầm Sơn và những đám đông không danh tính

Phạm Trung Tuyến Thứ hai, ngày 07/03/2016 07:00 AM (GMT+7)
Những ngư dân Sầm Sơn nhận quyết định khởi tố, như những tiểu thương Ninh Hiệp, như nông dân Dương Nội đã đi tù, như những nông dân Kinh Môn nằm dưới gầm máy xúc.
Bình luận 0

Sau hơn một tuần bế tắc với xung đột lợi ích ở bãi biển Sầm Sơn, một cuộc đối thoại chính thức giữa chính quyền tỉnh Thanh Hóa và ngư dân mất biển được tổ chức vào hôm nay, ngày 7.3. Một sự chậm chễ đáng tiếc khi đã có một số người dân bị truy tố, có người dân bị  côn đồ hành hung.

Trong bất cứ một xã hội bình thường nào thì những xung đột về lợi ích giữa những nhóm người, những cộng đồng với các nhóm người, những cộng đồng khác, hoặc với các doanh nghiệp… sẽ thường xuyên xảy ra. Đó là điều bình thường.

Việc những người dân có chung lợi ích kêu gọi nhau lên đường khiếu kiện, kêu cứu, như việc người dân Sầm Sơn đến UBND tỉnh đòi lại bãi biển, cũng không quá lạ lẫm. Và, cũng như rất nhiều vụ khiếu kiện đông người khác trong những năm qua, luôn kéo dài một cách triền miên trong sự bế tắc, và kéo theo rất nhiều hệ lụy.

Những đám đông ấy, chủ yếu là những người dân nghèo bị bứt ra khỏi truyền thống mưu sinh, bị mất mát tư liệu sản xuất, là những người nông dân mất ruộng, những tiểu thương mất chợ, những ngư dân mất bến đậu thuyền… vì chủ trương phát triển.

Sự đền bù bằng tiền cho họ, có thể chỗ này thỏa đáng, chỗ kia chưa. Song đó chỉ là sự bù đắp được lượng hóa bằng tiền. Những mất mát vô hình nhưng to lớn của họ thì không thể đo đếm. Họ mất quá khứ do thay đổi phương thức lao động, mưu sinh. Họ mất tương lai bởi không có sự chuẩn bị cần thiết cho sự thay đổi ấy. Đó là nguồn cơn dẫn đến những đoàn người ôm đơn đi kêu cứu trong cảm giác thiệt thòi và oan ức, mà dân gian gọi là “dân oan”.

Hành trình dân oan đều vô vọng như nhau bởi không có khả năng để đối thoại.

Không thể đối thoại giữa một đám đông với những số phận con người khác nhau với những quyết định, những chủ trương không có khuôn mặt người, chỉ đơn giản là chữ và số áp dụng cho tất cả.

Dân oan. Họ là những đám đông không có sự chính danh khi mà mỗi người đại diện cho số phận của riêng mình. Bởi thế, họ chỉ có thể nộp đơn và chờ đợi. Bởi không có ai, đại diện cho một cơ quan, một chủ trương, một quyết định… lại có thể đối thoại với một đám đông không có người đại diện hợp pháp và chính danh.

Không có đại diện hợp pháp, không có ai đại diện cho ai trong đám đông vây kín cửa quan, nên mong muốn đối thoại của đám đông ấy sẽ nhanh chóng biến thành các vụ án tụ tập đông người, gây rối trật tự công cộng.

Những ngư dân Sầm Sơn nhận quyết định khởi tố, như những tiểu thương Ninh Hiệp, như nông dân Dương Nội đã đi tù, như những nông dân Kinh Môn nằm dưới gầm máy xúc.  

img

Những đám đông ngư dân Sầm Sơn tụ tập đòi trả lại bãi biển.                          ảnh: TT

Thực ra thì những đám đông ấy đều có người đại diện hợp pháp của mình. Đó là chính quyền thôn, là những khuôn mặt được chính đám đông ấy bầu lên. Đó là những đại biểu hội đồng nhân dân, đại biểu quốc hội đã trúng cử tại đơn vị bầu cử của những người dân oan đó. Họ, những người đại diện ấy lẽ ra phải đảm bảo vai trò bảo vệ lợi ích cho chủ nhân lá phiếu của mình.

Dân oan cũng là nhân dân. Nhưng hành trình của dân oan luôn luôn thiếu vắng gương mặt của những người đại biểu nhân dân. Những người đại biểu dân cử đã ở đâu khi mà cử tri cần họ, cần người đại diện tiếng nói lợi ích để đối thoại với những chủ trương, quyết định đã khiến họ thiệt thòi?

Những người đại biểu dân cử, những người đại diện cho tiếng nói của người dân Sầm Sơn tại hội đồng nhân dân, tại quốc hội đã ở đâu trong những ngày cử tri của họ bỏ ngư trường về ngồi cổng ủy ban. Họ ở đâu trong ngày 7.3, trong cuộc đối thoại với chính quyền tỉnh Thanh Hóa?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem