Ông Phạm Văn Cao ở xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, cho biết, gia đình có sẵn đất và đã đầu tư chăn nuôi bò sữa, nay muốn mở rộng thêm nhưng thiếu vốn. Ông có nghe nói thành phố có các chương trình hỗ trợ vốn để sản xuất nông nghiệp mà không biết vay ở đâu?
Mô hình trồng lan Mokara cắt cành Ba Được ở ấp Bầu Sim, xã Tân Thông Hội, Củ Chi, thành công nhờ vốn vay và ứng dụng công nghệ cao. H.Q
Ông Nguyễn Quốc Huy - Chủ tịch UBND xã Trung Lập Thượng cũng nhìn nhận, vẫn còn tình trạng người nông dân địa phương có đất, có nguồn lực nhưng lại thiếu vốn. Thực tế, UBND TP.HCM đã có Quyết định số 655 hỗ trợ nguồn vốn SXNN cho nông dân với lãi suất vay ở mức rất thấp.
“Nông dân thiếu vốn sản xuất có thể liên hệ trực tiếp với UBND xã để tiếp cận nguồn vốn này, tránh tình trạng vay tín dụng đen lãi cao. Trong đó nhiều lĩnh vực được ngân sách thành phố hỗ trợ đến 100% lãi suất như: Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ bản, mua máy móc thiết bị phục vụ SXNN, ngành nghề nông thôn, sơ chế, chế biến sản phẩm nông nghiệp; khai thác tổ yến theo quy hoạch; khai thác đánh bắt thủy sản; thay mới giống đàn bò sữa...” - ông Huy nói.
Ngoài ra, các ngân hàng trên địa bàn thành phố cũng có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ nông dân trong vấn đề giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng môi trường sống, hỗ trợ các gia đình hoàn cảnh khó khăn có con em đang là học sinh, sinh viên.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Huy cũng phản ánh thêm, ngoài các trường hợp đủ điều kiện vay tín chấp, các trường hợp phải vay thế chấp vẫn đang tồn tại một nghịch lý đó là việc thẩm định giá đất để nông dân vay vốn, đất nông nghiệp được định giá thấp, chưa sát với giá trị thực tế nên nông dân vay được ít. Do đó, các ngân hàng nên cải cách các thủ tục, điều kiện vay thông thoáng hơn cho nông dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.