San sẻ yêu thương giữa Sài thành (kỳ 2): Tâm sự của những người “gác cổng”
San sẻ yêu thương giữa Sài thành (kỳ 2): Tâm sự của những người “gác cổng”
Mỹ Quỳnh
Thứ sáu, ngày 25/06/2021 06:00 AM (GMT+7)
Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, ngoài các cơ quan y tế, cơ quan chuyên môn ở TP.HCM, phải kể đến sự đóng góp của những người “gác cổng” thầm lặng. Đó là những người đã có mặt đầu tiên và làm nhiệm 24/24 giờ ở các cổng ra vào tại các khu cách ly...
Theo ghi nhận của chúng tôi, vào những ngày cao điểm khi dịch Covid-19 bùng phát, quận Gò Vấp (TP.HCM) phải thực hiện lệnh cách giãn theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Theo đó, toàn bộ người dân trong và ngoài quận khi ra/vào phải thực hiện khai báo y tế tại các điểm chốt chặn. Phía bên trong, hàng trăm khu vực dân cư, nhà riêng bị căng dây cách ly vì có liên quan đến các ca mắc.
Thực hiện công việc tại chốt cách ly hẻm số 411 Lê Đức Thọ (phường 17, quận Gò Vấp), anh Huỳnh Kim Tú - cán bộ dân phòng cho biết: "Bao nhiêu ngày người dân bị cách ly, là bấy nhiêu ngày tôi mất ăn, mất ngủ. Phần vì lo thực hiện nhiệm vụ ở chốt cách ly tạm thời, phần vì lo cho sức khỏe của người dân và chính bản thân mình. Chỉ khi nào dỡ chốt, người dân bình an, không phát sinh ca nhiễm mới… thì lúc đó anh em chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm" - anh Tú nói.
Cảnh sát giao thông và Công an thực hiện kiểm tra khai báo y tế ở chốt ra/vào quận Gò Vấp. Ảnh: Mỹ Quỳnh
"Dù mình khó khăn cũng không bỏ rơi người khác"
Một trong những nơi kêu gọi cùng nhau đóng góp "suất cơm nghĩa tình" để tặng cho tuyến đầu chống dịch và người nghèo trong cơn đại dịch Covid-19 là Trung tâm Công tác xã hội Thanh niên TP.HCM (số 5 Đinh Tiên Hoàng, phường Đa Kao, quận 1).
Mỗi ngày, trung tâm này gửi đến các bệnh viện, khu cách ly khoảng 1.200 - 2.000 suất cơm chay và mặn. Chương trình sẽ kéo dài cho đến khi thành phố trở lại bình thường.
Theo anh Võ Quốc Bình - Trưởng phòng kết nối tình nguyện Trung tâm Công tác xã hội Thanh niên TP.HCM, với những suất ăn đảm bảo dinh dưỡng, trung tâm muốn truyền sức mạnh để giúp y, bác sĩ, những người đang thực hiện nhiệm vụ ở tuyến đầu chống dịch vững tin và làm tốt công việc của mình.
"Người TP.HCM là vậy, không bỏ rơi nhau ngay cả khi bản thân người giúp còn khó khăn. Với nghĩa cử và tấm lòng nghĩa hiệp, cao cả ấy, tôi hy vọng rất nhiều y, bác sĩ, người dân nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đã được tiếp thêm sức mạnh để chiến đấu và vượt qua đại dịch Covid-19 này" - anh Bình bày tỏ.
M.Q
Được biết, anh Tú vốn là nhân viên của một công ty sản xuất phim trên địa bàn thành phố nhưng đang tạm nghỉ vì dịch Covid-19. Anh vốn là thành viên trong đội dân phòng của phường nên được phân công tham gia trực chiến tại các chốt cách ly.
Giữa trưa nắng nóng, ngồi bên chốt canh, anh Tú kể, lúc đầu nhận nhiệm vụ cũng rất hoang mang, vì phải thực hiện công việc ngay khu vực có ca nhiễm. "Thế nhưng, tôi nghĩ mỗi người một việc, phải chung tay vào mới dập dịch được, nên cũng vững tin và sẵn sàng. Đợt cao điểm vừa rồi, phường 17 quận Gò Vấp có nhiều điểm bị phong toả, cách ly nên cứ hết ca trực ở điểm này là chạy đến trực ở điểm khác. Lúc ấy, ngày trực 12 tiếng, thiếu người thì trực cả 24 tiếng. Bây giờ chỉ còn 2 điểm, mỗi ngày luân phiên trực 6 tiếng".
Ngồi cạnh anh Tú, chú Nguyễn Hữu Linh - cán bộ dân phố (ngụ cùng phường 17) cho biết, dù ca trực 6 - 8 tiếng/ngày nhưng hầu như chú trực tại chốt 24/24. "Tôi biết người trong khu cách ly họ cần mình, nên ở nhà cảm thấy không yên tâm. Thôi thì cứ có mặt ở chốt canh gác, họ cần gì mình hỗ trợ ngay. Mình ở bên ngoài làm gì cũng được, chứ người bên trong khu cách ly vất vả đủ đường. Chờ khi dịch được dập, phường không còn điểm phong tỏa nào nữa, tôi sẽ về nhà ngủ một giấc thật ngon".
Đứng dưới nắng nóng, canh đo từng người
Là người thực hiện công tác tại khu cách ly, chốt phong tỏa, thượng úy Hoàng Duy - cán bộ Công an quận Gò Vấp, thổ lộ: "Cả 15 ngày thành phố thực hiện cách giãn cũng là 15 ngày tôi thực hiện kiểm tra khai báo y tế tại các chốt ra/vào quận. Mỗi ngày tiếp xúc với hàng nghìn người qua lại, dù cẩn thận nhưng chắc chắn không thể tránh khỏi lây nhiễm, nếu có ca dương tính mà mình tiếp xúc. Vì thế, chúng tôi phải tự cách ly với gia đình luôn không dám về nhà…".
Thượng úy Hoàng Duy cho hay, thời tiết TP.HCM mưa nắng thất thường, có lúc nắng như đổ lửa, khi thì mưa trắng ngập trời. Đứng dưới nắng nóng cả ngày để kiểm soát, anh em cán bộ chiến sĩ ai cũng hoa mắt, mồ hôi ướt đẫm, nhưng cùng động viên nhau cố gắng làm tốt nhiệm vụ "canh cửa", làm tốt việc khai báo y tế, giãn cách đúng quy định thì mới mong dịch bệnh được dập hẳn. "Người dân đi qua các điểm chốt khai báo y tế thì bị ùn ứ, chờ đợi dưới nắng nóng nên tâm trạng bức xúc, khó chịu, còn anh em chúng tôi làm nhiệm vụ thì căng mình để kiểm tra, rà soát, cố gắng nhẫn nại, làm kỹ nhất để đảm bảo tất cả người qua lại đều khai báo y tế, vì sự an toàn chung. Đây là việc rất cần thiết, nhờ đó mới phát hiện ra hàng nghìn trường hợp có nguy cơ lây nhiễm..." - anh Hoàng Duy tâm sự.
Cũng theo anh Duy, các chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ, ai cũng tự cách ly với gia đình, đồng nghĩa với việc không được gặp con cái mỗi ngày.
"Con tôi mới 3 tuổi, mỗi ngày đi làm về chỉ dám lén nhìn con từ xa, rồi lẳng lặng đi, chứ không dám đến gần Mình phải bảo vệ bản thân, gia đình thì mới bảo vệ được xã hội. Sau cơn mưa trời sẽ sáng, nhờ sự quyết liệt phòng chống dịch của thành phố mà giờ số ca nhiễm trong cộng đồng tại Gò Vấp đã giảm hẳn. Đây là điều chúng tôi rất vui mừng" - một lãnh đạo Công an phường 17, quận Gò Vấp, nói với phóng viên như vậy.
"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.