Những sản phẩm sạch khẳng định thương hiệu nhờ sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn

Thắng Tình Thứ hai, ngày 26/09/2022 15:35 PM (GMT+7)
Đề án "Tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sản xuất kinh doanh và tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn" tại Nghệ An đã thu được những kết quả đáng ghi nhận, những vùng sản xuất nông sản an toàn được hình thành, sản phẩm của hội viên đạt các chứng nhận VietGAP, GLOBGAP, OCOP 3 sao, 4 sao.
Bình luận 0

Thay đổi nhận thức, cách làm trở thành người nông dân thông thái

Thực hiện Nghị quyết 27 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khoá VI) về tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn, đến nay, đã có 63/63 tỉnh, thành Hội đã phát động phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi gắn với liên kết sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm"; phong trào "Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng nông dân sản xuất, chế biến, tiêu dùng và bán ra thị trường các sản phẩm nông sản an toàn"…

Những sản phẩm sạch khẳng định thương hiệu nhờ sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quang Tùng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An phát động nông dân sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản an toàn. Ảnh: Thắng Tình

Hơn 7 triệu hộ nông dân đã ký cam kết sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn. Các cấp Hội đã xây dựng được 17.026 mô hình sản xuất an toàn; 15.499 tổ Hội/chi Hội nghề nghiệp với 199.270 hội viên tham gia, nhiều mô hình đã được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ.

Tại Nghệ An, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An triển khai đề án "Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn giai đoạn 2020 - 2023". Nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước bằng những chương trình hành động của Hội Nông dân tỉnh Nghệ An.

Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức của nông dân trong toàn tỉnh về sản xuất nông sản thực phẩm an toàn. Đồng thời nâng cao trình độ, kiến thức cho người nông dân, nhất là kiến thức sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm. Tiến tới hình thành thói quen tiêu dùng nông sản thực phẩm an toàn trong nhân dân.

Những sản phẩm sạch khẳng định thương hiệu nhờ sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn - Ảnh 2.

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An trao quà cho CLB "Nông dân sản xuất nông sản an toàn xã Hưng Thành". Ảnh: Thắng Tình

Bên cạnh đó, thúc đẩy việc áp dụng và nhân rộng các mô hình, quy trình sản xuất tiên tiến, bảo đảm an toàn thực phẩm. Ngăn chặn tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, hóa chất, kháng sinh và chất cấm trong sản xuất, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Những sản phẩm an toàn được khẳng định bằng thương hiệu

Sau 2 năm triển khai đề án, Hội nông dân các cấp trong toàn tỉnh Nghệ An cũng đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền, vận động hội viên thực hiên các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm. Tổ chức tập huấn kiến thức, xây dựng mô hình định hướng nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn.

Qua đó, nhiều sản phẩm của hội viên, nông dân được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GLOBGAP; hàng trăm sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao. Nhiều nông sản tiêu thụ tốt hơn, lợi nhuận cao hơn nhờ đảm bảo quy trình an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến.

Cụ thể vào năm 2021, đã có 4 mô hình điểm về sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm an toàn được xây dựng gồm: Mô hình trồng rau an toàn sử dụng công nghệ tưới phun, tại huyện Tân Kỳ. Mô hình trồng thâm canh bưởi xen ổi theo hướng VietGap, tại huyện Anh Sơn. Hai mô hình chế biến nước mắm đảm bảo đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tại thị xã Cửa Lò và thị xã Hoàng Mai.

Nhiều cơ sở bước đầu hình thành được vùng sản xuất nông sản an toàn, xây dựng được mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.

Những sản phẩm sạch khẳng định thương hiệu nhờ sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn - Ảnh 3.

Mô hình trồng dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGAP và sản phẩm OCOP 3 sao của anh Nguyễn Văn Sơn tại xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Thắng Tình

Trong đó phải kể đến câu lạc bộ "Nông dân sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn" xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưunơi được xem là thủ phủ rau xanh của xứ Nghệ. Những ngày đầu thành lập với 70 hội viên tham gia, hiện số hội viên đã rất nhiều tăng theo cấp số nhân.

Mỗi hội viên, mỗi gia đình tại đây đều sản xuất rau xanh theo hướng an toàn, hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, mang đến cho người tiêu dùng những mặt hàng đảm bảo chất lượng an toàn. Nổi bật nhất là mô hình sản xuất cà chua sạch chuẩn VietGAP của nông dân xã Quỳnh Lương. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật những giàn cà chua vẫn chín mọng nhưng không hề sử dụng các loại thuốc hóa học, chính người nông dân có thể hái lau qua rồi ăn ngay tại vườn như một minh chứng.

Rồi cửa hàng tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn ở xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu một trong những địa chỉ cung cấp các mặt hàng an toàn được người dân tin tưởng. Ngay từ những ngày đầu khai trương cửa hàng với những sản phẩm sạch luôn "cháy hàng". Đó là sự ghi nhận của người dân, những người tiêu dùng thông thái với các sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem