Sản xuất vụ Đông 2014: Có khó khăn nhưng có lợi thế

Việt Tùng (thực hiện) Chủ nhật, ngày 12/10/2014 06:26 AM (GMT+7)
Trao đổi với phóng viên NTNN xung quanh việc triển khai sản xuất 460.000ha cây vụ đông ở miền Bắc, TS Trần Văn Khởi - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho rằng: “Sản xuất vụ đông là chủ trương đúng và Nhà nước chỉ có thể hỗ trợ được bằng chính sách để kích thích người nông dân tham gia sản xuất”.
Bình luận 0

Vừa qua, Bộ NNPTNT đã lần đầu tiên tổ chức Lễ phát động trồng cây vụ đông với mục tiêu sẽ tạo thêm giá trị tới 1 tỷ USD. Ông có thể cho biết, ý nghĩa của việc làm này và chúng ta có kỳ vọng gì cho vụ đông tới?

- Trước tiên, phải khẳng định rằng, về vụ đông, không phải bây giờ ngành nông nghiệp mới định hướng thành vụ chính, mà nhiều địa phương đã coi nó như vụ chính từ nhiều năm nay. Nhiều nơi quan niệm rằng, vụ mùa để đảm bảo lúa ăn, vụ xuân là để trang trải chi phí và vụ đông mới là vụ cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống. Thực tế, ở nhiều tỉnh, thành như Thái Bình, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nội… cây vụ đông đã trở thành vụ chính và cho thu nhập có khi cao hơn rất nhiều. Một lợi thế nữa là, hiện nay chúng ta đã có những bộ giống tương đối hoàn chỉnh, đảm bảo các yếu tố như ngắn ngày, chất lượng, trong đó đại đa số là giống F1.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một số cây có sức cạnh tranh thấp đang có xu hướng giảm như cây ngô, lạc… Điều này cũng phù hợp với thực tế là, hiện ngành công nghiệp, dịch vụ mọc lên nhiều, người dân có nhiều lựa chọn về công việc, có khi họ chỉ đi làm công 2–3 ngày là bằng làm cả 1 sào ngô, nên họ không thiết tha làm. Nhưng với những vùng sản xuất ngô ngọt, ngô nếp “ăn quà”, thì vẫn phát triển tốt.

Như vậy, có thể nói sản xuất vụ đông là một chủ trương đúng đắn để cải thiện thu nhập cho người nông dân?

- Tôi phải khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn. Vì vụ đông mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng lại có rất nhiều lợi thế, mà nhiều nước khác không có được. Đầu vụ chúng ta có thể trồng cây ưa ấm, giữa vụ trồng cây ưa lạnh. Đây là một quãng thời gian rất dài ngắt ra giữa hai vụ lúa lên tới hơn 4 tháng, lao động nhàn rỗi, nên có vùng trồng được tới 2–3 lứa cây trong vụ đông. Vì vậy, nếu chúng ta có chiến lược, dự đoán thị trường tốt, có sự liên kết giữa doanh nghiệp và người dân trong sản xuất và tiêu thụ, sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn thì rất tốt.

Thế nhưng, theo phản ảnh của bà con nông dân cũng như lãnh đạo ngành nông nghiệp nhiều địa phương, sản xuất vụ đông ngày càng khó khăn. Theo ông, những khó khăn ở đây là gì?

- Có rất nhiều khó khăn và nguyên nhân dẫn tới khó khăn đó. Theo tôi, có một số nguyên nhân cơ bản đó là, do chúng ta chưa đưa ra được dự báo dài hơi để phát triển các loại cây trồng nào, do đó vẫn mắc phải cái vòng luẩn quẩn “cung – cầu”. Chẳng hạn như ở Hải Dương, năm kia được mùa su hào, bắp cải, nên năm vừa rồi người dân đổ xô đi trồng, lập tức dẫn tới cung vượt quá cầu, nên giá rẻ như cho. Mặc dù đây là thời đại công nghệ thông tin, nhưng cả T.Ư lẫn địa phương và người dân đều thiếu thông tin thị trường, chưa đưa ra được những nhận định, cảnh báo tốt. Để giải quyết vấn đề này, ngoài việc định hướng của T.Ư, các địa phương và đặc biệt người dân cần nâng cao ý thức, trau dồi kỹ năng nắm bắt thị trường, để có quyết định đúng đắn trồng cây gì, diện tích bao nhiêu, thì sẽ không rơi vào cảnh “được mùa, rớt giá”.

Từ nhiều vụ đông trở lại đây, cả T.Ư và địa phương thường đưa ra các chính sách để hỗ trợ phát triển vụ đông. Song nhiều nông dân cho rằng, năng suất vụ đông thấp, hỗ trợ nhỏ giọt, rủi ro cao khiến họ không mặn mà với sản xuất vụ đông?

- Trên thực tế, cho đến nay Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất vụ đông. Theo Quyết định 62, năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ, Nhà nước chỉ hỗ trợ về liên kết sản xuất, chứ không hỗ trợ cho từng hộ. Về phía ngành nông nghiệp, Bộ NNPTNT cũng đã ra Thông tư 15 để hướng dẫn các địa phương thực hiện QĐ 62, theo đó khuyến khích cả người dân và doanh nghiệp khi tham gia liên kết sẽ được hỗ trợ. Tuy nhiên, mức hỗ trợ do Chủ tịch UBND các tỉnh tự quyết định, ngoài ra các địa phương còn hỗ trợ về việc cho thuê, mượn đất làm mặt bằng, xây dựng cơ sở vật chất ngoài hành lang, thuế…

Cho đến nay, đã có những mô hình rất hiệu quả, như mô hình sản xuất khoai tây giống ở Nam Định, hành, tỏi ở Hải Dương... Về năng suất, tôi cho rằng năng suất hiện nay không thấp, bởi chất lượng giống, trình độ thâm canh, áp dụng KHKT của bà con hiện nay rất tốt. Hơn nữa, năng suất cũng chỉ quyết định một phần đến thắng bại, mà giá cả, đầu ra mới là yếu tố quan trọng nhất. Năng suất có thể thấp một chút, nhưng giá cả cao, ổn định, thì sẽ kéo lên rất nhiều.

Xin cảm ơn ông!

Cơ cấu cây trồng phù hợp cho từng địa phương
“Bộ NNPTNT đang hướng các địa phương phát triển các loại cây có tính cạnh tranh, giá trị kinh tế, năng suất cao, có thể bảo quản trong thời gian dài như đậu tương, lạc, ngô, bí đỏ… Nhóm 2 là những loại cây cao cấp như súp lơ, dưa mơ, bó xôi, dưa chuột bao tử… Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề nghị các địa phương cần tập trung theo hai hướng, cây có tính cạnh tranh cao thì tập trung sản xuất vào vụ đông sớm; cây có thị trường tiêu thụ tốt như khoa tây, hành tỏi, cà rốt… tập trung sản xuất vào vụ đông muộn nhất là ở các tỉnh có thế mạnh về loại cây này như Hải Dương, Thải Bình, Nam Định… Tóm lại, sản xuất vụ đông không thể giáo điều, cứng nhắc, mà phải linh hoạt theo từng vụ”.
TS. Trần Văn Khởi

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem